Bước tiến vững chắc

CÔNG TÚ 24/03/2015 09:41

“Theo từng giai đoạn, chúng tôi chọn đúng những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để lãnh đạo tổ chức thực hiện. Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn nêu cao quyết tâm đưa sự nghiệp xây dựng quê hương tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc” - Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, ông Lê Thân nói.

Vóc dáng đô thị với nhịp sống sôi động ở vùng đông Điện Bàn. Ảnh: CÔNG TÚ
Vóc dáng đô thị với nhịp sống sôi động ở vùng đông Điện Bàn. Ảnh: CÔNG TÚ

Niềm vui nhân đôi

Qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, quân và dân Điện Bàn đã lập nên bao chiến công hiển hách, góp phần tô thắm trang vàng lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Nhưng để giành được độc lập tự do, xóm làng và cơ sở hạ tầng ở Điện Bàn phải chịu cảnh tàn phá của cuộc chiến vô cùng nặng nề, ruộng đồng hoang hóa. Chiến tranh cũng đã cướp đi của Điện Bàn hơn 40 nghìn sinh mạng, trong đó có hơn 19 nghìn liệt sĩ; để lại di chứng đau đớn trên thân thể của gần 8.000 thương bệnh binh. Ghi nhận cống hiến đó, tháng 10.1976, Điện Bàn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó, 5 tập thể, 19/20 xã, thị trấn và hơn 50 cá nhân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 1.928 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, mức độ khốc liệt và sự hy sinh mất mát mà cuộc chiến do thực dân, đế quốc gây ra cho mảnh đất quê hương lớn đến dường nào” - ông Lê Thân, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn chia sẻ.

“Thành tựu Điện Bàn đạt được chỉ mới tạo dựng nền móng để bước vào mô hình thị xã với bao điều mới mẻ. Sau khi công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Điện Bàn, địa phương còn nhiều việc phải làm, với nhiều khó khăn thách thức nội tại và tác động từ bên ngoài cần phải vượt qua. Thế nên, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải nỗ lực vươn lên đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thị xã Điện Bàn vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng - an ninh, là khu vực động lực trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung”. (Bí thư Huyện ủy  Điện Bàn - Lê Thân)

Ngày non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, chăm lo phát triển về mọi mặt. Thấm thoắt 10 năm trôi qua, huyện đã hoàn thành khối lượng công việc bộn bề tưởng chừng ngoài tầm với. Bằng định hướng đúng đắn về sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa tổng sản phẩm xã hội năm 1984 tăng gấp 2,47 lần so với năm 1976. Đến năm 2000, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,08 lần, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tăng 9,87 lần và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng gấp 52,26 lần so với 25 năm về trước. Với sự năng động, Điện Bàn cùng tỉnh xúc tiến quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp (CN) Điện Nam - Điện Ngọc (phê duyệt năm 1996) và Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (phê duyệt 1999). Nhờ đó, nền kinh tế - xã hội Điện Bàn bước vào thời kỳ phát triển bền vững hơn, nhiều phong trào trở thành điểm sáng của tỉnh và cả nước.

Với thành tựu vượt bậc, năm 2005, Điện Bàn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Chiều sâu phát triển

Năm 2014, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Điện Bàn đạt gần 10.385 tỷ đồng, tăng 12,72% so với năm trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.043 tỷ đồng, tăng 21,73%; thu nhập bình quân đầu người 38,78 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy Điện Bàn - Lê Thân cho biết, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, ở từng giai đoạn phát triển, Điện Bàn vận dụng khá tốt các chủ trương, chính sách vào điều kiện thực tế của địa phương. “Theo từng giai đoạn, chúng tôi chọn đúng những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để lãnh đạo tổ chức thực hiện. Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn nêu cao quyết tâm đưa sự nghiệp xây dựng quê hương tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc” - ông Lê Thân nhấn mạnh. Minh chứng cho khẳng định trên, từ khi Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc được tỉnh đầu tư, Điện Bàn đã nỗ lực triển khai quy hoạch, xây dựng 10 cụm CN tập trung tại một số xã. Hoạt động của các cụm CN và Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc đã tạo ra nguồn ngân sách lớn cho tỉnh và địa phương. Chưa kể, các làng nghề, ngành nghề truyền thống khôi phục đã tiếp lực cho sản xuất CN - TTCN phát triển với tốc độ nhanh và trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, đưa Điện Bàn “cập bến” mục tiêu cơ bản thành huyện CN. Cuối năm vừa qua, giá trị sản xuất CN trên địa bàn đạt gần 6.352 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước. Ở vùng đông bây giờ, 390ha diện tích Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc cơ bản lấp đầy bởi 52 dự án, thu hút gần 24 nghìn lao động; 213ha các cụm CN đã có 28 dự án đầu tư và giải quyết việc làm cho gần 4.000 người.

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chiều sâu phát triển của Điện Bàn còn chuyển động ở nhiều mặt. Ngoài các dự án du lịch ven biển khẳng định tầm vóc, nhiều loại hình thương mại - dịch vụ (TM-DV) mới ra đời đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, tạo sức tăng trưởng cao bình quân 21,08%/năm. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ - cây trồng con vật nuôi, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương… đã thúc đẩy ngành NN đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng sau thời gian dài nắm giữ vai trò chủ lực, giá trị sản xuất NN (4,46%) “nhường” cho CN - xây dựng cơ bản tăng lên 73,73%, TM-DV chiếm 21,81% trong cơ cấu nền kinh tế. Chủ tịch UBND huyện - Lê Trí Thanh khẳng định, địa phương luôn coi trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; đặc biệt là xóa nhà tạm cho gia đình chính sách, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Chăm lo nhân tố con người, Điện Bàn gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số - gia đình. Phần lớn chương trình hỗ trợ đã “kích cầu” kinh tế hộ phát triển ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,46%...

Hôm nay, diện mạo đô thị Điện Bàn đã hiện hữu khi kết cấu hạ tầng đầu tư khá đồng bộ và hợp lý. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu được triển khai; trường học, trạm xá tầng hóa và chuẩn hóa; ánh điện tỏa sáng từng gia đình… Ngoài điểm nhấn Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (khởi công tháng 3.2003), xây dựng nhiều khu dân cư đô thị, khu phố chợ, khu trung tâm các thị tứ… là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, tạo nền tảng cho Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ