Mệnh lệnh từ trái tim
Với hơn 17 nghìn đối tượng chính sách, những năm qua công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người có công đã thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp, ngành ở huyện Điện Bàn, trong đó không ít nơi trở thành mô hình điểm, đơn vị điển hình.
Căn nhà cấp bốn của vợ chồng thương bệnh binh Huỳnh Đức Nữa và Cao Thị Hoa (68 tuổi), ở thôn Ngân Câu (xã Điện Ngọc) tuy đơn sơ nhưng luôn ấm áp niềm vui. Trong những năm chống Mỹ, vợ chồng ông Nữa cùng tham gia hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường Duy Xuyên, Điện Bàn. Ngày 29.3.1975, trước ngưỡng cửa hòa bình, ông Nữa chẳng may bị thương nặng mất cả tay chân trong một trận đánh, còn bà Hoa sau này mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Đất nước giải phóng, vợ chồng ông Nữa trở về quê xây dựng cuộc sống mới. Ba đứa con lần lượt ra đời trở thành niềm an ủi cho những mất mát của ông bà. Tuy nhiên, bất hạnh ập xuống khi đứa con trai út ra đời không được bình thường do phơi nhiễm chất độc da cam từ mẹ. Tương lai tưởng chừng bế tắc, nhưng được sự động viên, an ủi của bà con làng xóm, nhất là các cấp chính quyền địa phương cuộc sống của vợ chồng bà Hoa cũng dần đi vào ổn định. “Không có sự quan tâm của Nhà nước và các cấp ngành, gia đình tôi không biết phải sống làm sao” - bà Hoa chia sẻ. Ngoài số tiền chính sách hằng tháng vợ chồng nhận hơn 6 triệu đồng, những dịp lễ, tết, ốm đau… gia đình đều được các cấp lãnh đạo xã, huyện đến thăm hỏi tặng quà, giúp ông bà vơi đi bao vất vả đời thường để có động lực vượt qua khó khăn.
Theo bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn, thời gian qua, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn luôn đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương trong huyện đều có những cách làm thiết thực. Nổi bật, có thể kể đến các xã Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Thọ, Điện Hồng và 3 xã vùng Gò Nổi. Trong đó, Điện Ngọc trở thành địa phương đi đầu trong phong trào đền ơn đáp nghĩa mang lại hiệu quả tốt nhất. “Điện Bàn có hơn 19,5 nghìn đối tượng thuộc gia đình chính sách nhưng hầu như rất ít hộ nào còn nằm trong diện khó khăn. Bởi, các chế độ chính sách của Nhà nước đã hoàn thiện; các chương trình đầu tư xử lý, sửa chữa nhà ở từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vận động xã hội hóa được làm tốt” - bà Trị khẳng định.
Bên cạnh chế độ chính sách của Nhà nước, những năm qua công tác xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chăm lo cho gia đình chính sách cách mạng, người có công. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã giúp nhiều gia đình có được những căn nhà mới. Riêng xã Điện Dương, năm 2014 đã vận động khoảng 280 triệu đồng hỗ trợ xây mới 4 căn nhà cho các đối tượng là thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo bà Trần Thị Trị, việc kiểm tra rà soát gia đình chính sách còn ở nhà tạm luôn là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị nhằm kịp thời phát hiện để có kế hoạch hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Năm 2013 toàn huyện hỗ trợ người có công xây mới 158 nhà, sửa chữa 823 nhà; năm 2014 là 89 nhà xây mới và 137 nhà sửa chữa. Ngoài nguồn từ ngân sách, năm 2014 huyện cũng đã vận động đóng góp xây mới 10 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 500 triệu đồng.
Bà Trần Thị Trị cho biết, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của địa phương là công tác chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là những mẹ mới được phong tặng gần đây, vì đa số đã lớn tuổi. “Trong tổng số 1.927 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được phong tặng, Điện Bàn có 209 mẹ còn sống. Huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch vận động mỗi đơn vị trên địa bàn ít nhất phụng dưỡng 1 mẹ, cơ quan nào có 40 người trở lên nhận phụng dưỡng 2 mẹ” - bà Trị cho hay.
Những việc Điện Bàn đã làm để tri ân đối với người có công và gia đình chính sách cách mạng rất đáng trân trọng, là mô hình điển hình cho các địa phương trong tỉnh học tập.
KHÁNH LINH