Người mẹ Quảng Nam
Chèo thuyền vượt biển
Mỗi ngày, mẹ vẫn tựa cửa, dõi đôi mắt mờ đục về phía sân, nhìn từng đoàn khách quốc tế dạo chơi quanh đảo. Mẹ cười rồi tự hỏi, mai mốt, xứ đảo mình có điện, không biết khách đông chừng mô nữa…
Sau tết, thời tiết xứ đảo thay đổi thất thường, đêm lạnh như cắt, ngày nắng như nung. Ở tuổi ngoài 80, mẹ Huỳnh Thị Hồng (Bà mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất trên đảo Cù Lao Chàm, Tân Hiệp, Hội An) vẫn “ứng phó” tốt với thời tiết khắc nghiệt. “Nhằm nhò chi, mẹ chịu đựng quen rồi” - mẹ Hồng móm mém. Mẹ kể hồi đi hoạt động cách mạng, làm chi có ghe máy như bây giờ, cứ ngoáy dầm chèo ghe phồng rộp cả tay. Nhưng nhờ ghe chèo mà qua mắt bọn mật thám. Cứ thế, ban ngày từ Cửa Đại, mẹ chèo cả ghe hàng ra đảo, gánh chạy quanh xóm bán hàng, nắm thông tin, tối lại lợi dụng gió nồm căng buồm xuôi về lại bờ trong đêm. Có nhiều lần quay về bờ, gặp thời tiết xấu, không nhìn thấy sao trời nên bị lạc hướng, có khi ghe bị tấp vào tận Bình Đào (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), khi thì trôi ra tới ngoài Non Nước (TP.Đà Nẵng), rồi gặp ghe bà con đi biển, họ dắt về Cửa Đại…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Hồng.Ảnh: MINH HẢI |
Ngồi với tôi một lúc, mẹ Hồng quay nhìn gian thờ chính giữa nhà, nén nhang sắp hết. Mẹ chống gậy đứng dậy, đốt nén nhang mới. Tôi nghe mẹ khấn thầm: “Xương máu của ông, của con cùng các chiến sĩ đổ xuống, để đất nước thống nhất. Chừ cha con ông nhìn cảnh Tổ quốc thanh bình, quê hương đổi thay, chắc lòng tự hào. Tôi được Đảng, Nhà nước, con cháu chăm lo, sống khỏe”. Rồi mẹ Hồng nheo mắt nhìn tôi: “Mấy năm trước bà con người nào hơi khá giả một chút là rục rịch định vô đất liền, định bỏ đảo, thấy rứa, mẹ khuyên nên ở lại đảo làm ăn sẽ phát triển hơn, chứ làm biển mà bỏ biển thì răng giàu được. Anh em nghe lời mẹ chừ người mở nhà hàng, người xây nhà trọ, người sắm ca nô, khách ngày càng đông, người đi biển cũng trúng theo du lịch, ai cũng làm ăn khấm khá”.
Mẹ Hồng nhớ lại, là con thứ trong gia đình đông con, mới 15 tuổi đã mồ côi cha mẹ, cô bé Hồng ngày ấy phải làm thuê để có miếng ăn. Làng quê Duy Hải (Duy Xuyên) cát trắng của mẹ nghèo xơ, lại bị bom đạn địch cày xới liên miên. Hồi đó, mẹ là cô gái khá xinh xắn, nhanh nhẹn nên được bọn mật thám, rồi lính địa phương để ý. Lúc ấy các anh trong cơ sở cách mạng khuyên mẹ tham gia hoạt động, mẹ gật đầu ngay và được phân công làm liên lạc. Duyên phận như sắp sẵn, từ đây mẹ gặp anh Nguyễn Chừng là cán bộ xã. Cùng hoạt động cách mạng, càng ngày tình cảm hai người càng gắn bó. Tháng 9.1948, một đám cưới đơn sơ diễn ra dưới hầm. Vì giữ bí mật, cũng chẳng có sính lễ chi, không áo dài, không khăn đóng, chỉ có vài gói kẹo. Một vài anh, chị em cùng hoạt động ở cơ sở chứng kiến lễ cưới cho cô dâu, chú rể. Rứa là xong. Một năm sau, mẹ Hồng mang bầu, về nhà chuẩn bị sinh con, bọn lính địa phương đến đe nẹt, dọa dẫm: “Lạ đời, không chồng mà chửa. Lâu ni đi mô khống thấy? Bầu ni của ai”? “Mấy anh hỏi hay hỉ? Ai dám vô trồng khoai đất này. Anh mô muốn biết thì lên gặp huyện trưởng mà hỏi”. Đám lính quèn ấy từ trước đến giờ chỉ quanh quẩn ở làng, nghe hù huyện trưởng, cả đám lủi thủi về. Từ đó không thấy tên nào dám mò tới quấy rầy nữa.
Thời gian ấy, Nguyễn Chừng đi công tác liên tục, mình mẹ vừa nuôi con, vừa làm nhiệm vụ cơ sở. Để làm ám hiệu cho chồng và các đồng chí khác, mẹ Hồng lấy lọ hoa hồng bằng nhựa chưng ngoài sân, bữa nào địch không mai phục thì dựng nó lên, bữa nào có địch thì để rớt xuống đất, như bị gió xô ngã. Rồi mẹ đặt tên con gái là Nguyễn Thị Hồng. Khi các nhóm quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng, năm 1964, người dân xã Duy Nghĩa nổi lên hưởng ứng phong trào đồng khởi ở Duy Xuyên. Tham gia phong trào, Hồng làm giao liên, rồi tham gia du kích xã. Nhờ lanh lẹ, mưu trí, nhiều lần trực tiếp tham gia phá đồn địch, chặn đánh nhiều trận địch càn phá. Nguyễn Thị Hồng được cấp trên tin tưởng, phân công giữ chức trung đội trưởng du kích. Mẹ ngồi trầm ngâm một lúc, hớp ngụm nước lá lao và kể tiếp. Tháng 5.1965, địch mở nhiều cuộc tấn công quy mô lớn. Ngoài biển tàu chiến, trên bờ bộ binh, xe tăng máy bay gầm rú hỗ trợ. Chúng bao vây tứ phía, quyết chiếm lấy vùng đông Duy Xuyên. Đội du kích do con gái mẹ chỉ huy phối hợp bộ đội địa phương tổ chức đánh tàu chiến. Sau một ngày giao tranh, bắn cháy 2 tàu chiến, tiêu diệt hàng chục tên địch, không may Nguyễn Thị Hồng trúng pháo ca nông, bị thương nặng và hy sinh.
Đứa con duy nhất ngã xuống trên vùng cát, lòng mẹ như ngàn mũi tên xuyên thấu, rớm máu. Không cho phép mình ngã quỵ, mẹ kiên cường, nén nỗi đau vào lòng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Nỗi đau chưa nguôi, năm 1974, tin dữ theo sóng trôi ra cù lao, anh Nguyễn Chừng, chồng mẹ bị địch phục kích. Anh hy sinh trên đường làm nhiệm vụ ở vùng trung Duy Xuyên. Không còn nước mắt khóc con, khóc chồng, mẹ giấu kỹ đau thương, vẫn từng ngày chèo thuyền vượt sóng ra đảo, tin đi – tin lại với đất liền, cho đến ngày đảo được giải phóng 29.3.1975.
Mẹ lại ngước nhìn ban thờ chồng con, chốc chốc hớp ngụm nước lá, như thói quen vốn dĩ của người già. Mùi nước lá lao, một đặc sản của đảo cứ thơm lừng lựng suốt câu chuyện mẹ kể…(MINH HẢI)
Ở vành đai Chu Lai
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đào (1922, thôn Nam Sơn, Tam Hiệp, Núi Thành) hướng đôi mắt về dòng Trường Giang xanh mát, túc tắc kể tôi nghe về một thời ác liệt ở vùng đất “sát nách” quận lỵ Lý Tín và cũng là vành đai căn cứ Chu Lai của Mỹ - ngụy. “Hồi kháng Pháp, đất này đã ác liệt lắm rồi chứ đừng nói thời Mỹ - ngụy. Vì nó sát quận Lý Tín nên ban ngày giặc ngấp nghé dò la, lính Mỹ, lính ngụy càn liên tục. Nhưng mình không sợ, vẫn tìm mọi cách để che giấu cán bộ cách mạng hoạt động” - Mẹ Đào bắt đầu câu chuyện bằng sự gian lao của vùng cát Tam Hiệp. Mẹ quen chồng mình là ông Nguyễn Đình Xương (1921) từ thuở 2 người còn tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ chống Pháp. Và từ những năm chống Pháp đó, gia đình mẹ đã là cơ sở cách mạng vững chắc nuôi giấu nhiều đảng viên của Chi bộ thôn Đại Phú. Cứ chiều chiều mẹ lại nấu 12 lon gạo trong chiếc nồi đồng, rồi lén cất trong cây rơm gần nhà để tối đến cán bộ về có cái ăn. “Cứ khoảng 2 ngày là giã 5 ang lúa để nấu cơm. Hồi đó, trừ mấy con đứa thoát ly còn lại cả nhà quần quật làm mấy mẫu lúa để có gạo nấu cơm nuôi cán bộ. Ban ngày trước khi đi làm ruộng thì tranh thủ quét hết sân, ngõ gần nhà để xóa dấu chân lúc tối anh em về sinh hoạt chứ không địch nó thấy dấu chân, lần theo tới hầm bí mật...
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đào kể chuyện làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Mẹ có tất thảy 10 người con gồm 4 trai, 6 gái thì phần lớn đều tham gia cách mạng. Trong câu chuyện mẹ kể, chúng tôi cảm nhận mẹ sinh ra những người con, rồi dưỡng dục thành những thanh niên hùng tráng theo lý tưởng cách mạng và mẹ để các con đi chiến đấu cho đất nước như một lẽ tự nhiên. Năm 1964, đứa con đầu của mẹ là Nguyễn Tiến Mạnh (sinh 1949, liệt sĩ) đi thoát ly. Cũng năm đó, con gái thứ 3 (liệt sĩ Nguyễn Thị Dũng) cũng hoạt động cơ sở tại địa phương và làm du kích B. Những năm sau cả nhà mẹ đều tham gia đấu tranh chính trị, nuôi cán bộ và các năm 1968, 1972 thì con trai thứ 4 là Nguyễn Tiến Cảnh tham gia du kích, con gái thứ 5 là Nguyễn Thị Tiên cũng thoát ly. Tôi thật lòng hỏi mẹ: “Hồi đó các con của mẹ đi theo cách mạng, mẹ không sợ mất mát hay bị chính quyền khó dễ sao?”. Chuyện mấy đứa con nó đi theo lý tưởng thì việc gì phải ngăn cản. Hồi tụi nó đi, đều xin phép rõ ràng hết, cách mạng giáo dục tụi nó rồi thì mình động viên thêm để tụi nó yên tâm chiến đấu. Một đêm, thằng con cả xin phép tôi và chồng được đi theo cách mạng, tôi bảo, được cách mạng chọn rồi thì ra sức cống hiến. Thế là đi chuẩn bị cho nó cái giỏ đựng đồ, một cái đèn và vài vật dụng. Đêm đó, nó thoát ly đi bộ đội, đến năm 1974, nó hy sinh trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Đà. Mẹ kể chuyện chia ly, đôi mắt ngân ngấn nước.
Mẹ chẳng thể nào quên mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, cả nhà mẹ xuống đường tham gia cuộc đấu tranh chính trị. Súng đã nổ giữa hai bên và con gái thứ 3 của mẹ trúng đạn địch khi đang cùng các du kích địa phương chiến đấu. Dù nỗi đau mất con của người mẹ là vô vàn nhưng mẹ quyết nuốt nước mắt vào lòng. Và cũng chẳng vì thế mà mẹ lung lay ý chí, mẹ vẫn để các con của mình ra đi vì Tổ quốc và mẹ vẫn làm cơ sở an toàn cho cách mạng, hết lòng nuôi cán bộ. Những năm đó, mẹ và chồng mình bị địch bắt vào tù, tra tấn hành hạ bằng mọi nhục hình nhưng hai vợ chồng vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết người đảng viên. Vậy mà sau ngày giải phóng, những vết thương từ đòn roi của kẻ thù hồi trong nhà lao lại quật ngã người đàn ông của mẹ…
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, chiến trường ác liệt một thời giờ đã hồi sinh bằng Khu kinh tế mở Chu Lai với những nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Nhưng sâu thẳm trong mắt mẹ Lê Thị Đào vẫn hằn những nỗi niềm riêng…(ĐOÀN ĐẠO)
Không muốn phong anh hùng
Bà nhanh nhẹn đón khách. “Bác bao nhiêu tuổi rồi”. “87”. “Trời, khỏe rứa!”. Bạn đi cùng thốt lên. Về Đại Hồng (Đại Lộc), hỏi bà Trương Thị Trà thôn Đông Phước đánh xe Mỹ, ai cũng biết. Vợ chồng già cuối đời lui hui với nhau. Có đứa con gái nhưng lấy chồng xa xứ, mấy năm rồi chưa về thăm. Quạnh vắng.
“Bác ở tù mấy năm ?”. “Tù Ái Nghĩa, Thượng Đức mấy tháng, rồi xuống Hội An 2 năm. Nó đánh ác lắm, mình như ri mà đánh còn như củ khoai”. Bà từng có kinh nghiệm… ở tù. Năm 1955, lúc 24 tuổi, bà cùng 4 phụ nữ khác cắm cờ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, bị tống vào tù ngày 20.7 âm lịch, với lời dọa “mày sức đâu mà chống chính phủ”. Câu trả lời là hai năm rồi không tổng tuyển cử, chúng tôi đấu tranh đòi quan hệ bình thường, vợ chồng Nam - Bắc gặp nhau, đòi trả đất công điền! Chồng đi tập kết, bà ở lại bám phong trào phụ nữ, được huyện ủy Đại Lộc phân công phụ trách phụ nữ, nắm và chỉ đạo phong trào 5 xã vùng A. Mậu Thân 1968, cấp trên phân công đánh không cho pháo ở Thượng Đức nã về sân bay Nước Mặn cản tấn công của quân giải phóng. Bà đi chiến dịch với bộ đội. “Địch tính kế hiểm lắm. Trên nhà thờ ở Đại Lãnh là pháo, dưới chân nó dồn dân mình lên, hễ mình đánh không trúng là chết dân mình. Năm ngày sau khi trận đánh kết thúc, bác mới biết cha mình mất”. Giọng bà buồn tênh. Sau đó, đoàn xe 7 chiếc chở 300 lính từ Hòa Cầm lên. “Tâm lý lúc đó nói thiệt là mấy anh chập chờn, nó nhiều ta ít, không chắc ăn là ta bị tổn thất liền. Cuối cùng là đánh. Chín giờ sáng, khi nó chạy qua đoạn đường Lâm Phụng - Bàn Tân, nổ súng. Năm chiếc bị cháy. Mới đánh xong, bác lo chỉ huy chữa thương, chuyển thương chôn cất bộ đội chết, làm giấy tờ cho anh em, thì nhận tin chuẩn bị đánh đoàn xe 24 chiếc nữa. Nói thiệt 5 ngày không có hột cơm trong bụng. Đuối đơ. Lệnh đưa xuống là hạn chế thấp nhất thương vong. Bác phụ trách phụ nữ, địch vận, nên phải lo đôn đốc mọi phương án ám hiệu, tải thương, lương thực, tính chuyện lo bà con ẩn nấp tính đường tránh lỡ khi giặc phản kích, bởi kinh nghiệm trận đánh xe trước không chuẩn bị kỹ nên bên ta thương vong nhiều”. Thắng vang dội. Năm 1969, bà được rút lên tỉnh, phụ trách thương binh liệt sĩ rồi hội trưởng Hội LHPN giải phóng đặc khu Quảng Đà. “Chưa hết khổ đâu, bác đi bộ lên tới biên giới để chuyển đồ cho thương binh, bộ đội, năm 1973 còn đi chống địch cắm cờ giành đất giữ dân”. Tháng 8.1973 bà ra Bắc chữa bệnh. “Bác sĩ nói nếu đến bệnh viện trễ thêm nửa giờ thì chết vì bị thương đầy người, quá yếu rồi”. Năm 1975, về quê bà làm hội phụ nữ huyện rồi nghỉ hưu năm 1979.
Vợ chồng bà Trương Thị Trà.Ảnh: TRUNG VIỆT |
Chuyện chiến tranh, thành tích, bà kể như chuyện nấu cơm, lên núi lượm củi, chẳng lên giọng, không chút kiêu ngạo, công thần. Tôi đã gặp những miền tâm cảm như thế ở biết bao người phụ nữ trên đất này, khi họ gửi một phần máu xương, tâm sức, gửi bao đêm không ngủ, mất bao người thân trong chiến tranh, bây giờ kể lại, họ coi như bổn phận của người dân khi đất mẹ bị can qua. Buông súng, họ trở về với đất. “Bác ân hận chi không?”. “Góp công sức cho nước, có chi ân hận”. “Xã, huyện và quân khu đề nghị bác làm hồ sơ anh hùng mà…”. “Có, nhưng bác không làm”. “Vì sao?”. “Bao nhiêu chị em cùng đấu tranh như bác, đâu có được chi, tội nghiệp lắm, nên thôi, mình như họ, khỏi làm luôn, không cần phong anh hùng, mình làm anh hùng của dân, dân biết là được rồi”.
Bà kể xong, đi ngay đâu đó. Tôi nhìn theo dáng bà khuất dần sau vườn cây. Trong khói lửa mịt mờ của ngàn năm, triệu năm trước, hình như đâu đó bóng của những nữ binh Bà Triệu Bà Trưng một thuở hiện về. (TRUNG VIỆT)
Nữ anh hùng vùng đông
Những ngày tháng Ba, tôi lần giở những trang sử quê hương và gặp nhiều tấm gương thầm lặng của nữ anh hùng vùng đông đã cống hiến cả thời thanh xuân cho đất nước. Họ đều ở độ tuổi đôi mươi, với nhiều khát vọng khi non sông không còn bóng giặc. Có người còn sống, và nhiều người đã về với đất mẹ.
Nữ anh hùng khiến quân thù nhiều phen thất đảm khi nghe đến tên bởi sự mưu trí như anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Liên (quê ở Tam Hòa, Núi Thành). Chị Liên là Trợ lý dân quân Huyện đội Nam Tam Kỳ, hy sinh năm 1971. Năm 17 tuổi, tình nguyện tham gia vào đội du kích xã Kỳ Vinh. Hơn 6 năm tham gia kháng chiến, chị Liên đã vận động nhân dân địa phương làm 1.500 bàn chông sắt, hàng chục nghìn chông tre, cải tiến tự tạo 300 mìn các loại, đào hàng trăm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Chị Huỳnh Thị Liên tham gia chiến đấu cùng đồng đội hơn chục trận đánh, tiêu diệt gần 100 tên địch, phá hủy 4 xe bọc thép và thu nhiều vũ khí. Tiêu biểu trận đánh vào tháng 8.1965, trên cương vị là tổ trưởng tổ du kích chỉ huy trận chống càn tại đồn Đất Đỏ xã Kỳ Vinh, chị Huỳnh Thị Liên đã mưu trí chỉ huy tiêu diệt 2 xe bọc thép và 13 tên lính Mỹ, chặn đứng cuộc càn quét của địch.
Bà Trần Thị Cúc đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2012.Ảnh: XUÂN NGHĨA |
Vào ngày 10.4.1971, nhận được tin từ cơ sở báo lên, tên ác ôn Trần Ngọc Tường và đồng bọn đang tổ chức ăn nhậu, Huỳnh Thị Liên báo cáo cấp trên và xung phong một mình đi diệt tên ác ôn. Sau khi cải trang trà trộn vào khu đồn, khoảng 9 giờ sáng phát hiện tên Tường tổ chức ăn nhậu, có Trung đội tân trang bảo vệ, Huỳnh Thị Liên giả dạng tiếp cận rồi nhanh chóng ném quả lựu đạn vào giữa mâm nhậu. Lựu đạn chưa kịp nổ, tên Tường bỏ chạy. Bọn địch bao vây và sau một hồi kháng cự đến viên đạn cuối cùng, Huỳnh Thị Liên đã anh dũng hy sinh. Tấm gương dũng cảm bất khuất của Huỳnh Thị Liên được nhân dân địa phương ca ngợi và được nhân rộng học tập trong toàn huyện Tam Kỳ.
Mảnh đất Bình Dương 3 lần anh hùng cũng đóng góp nhiều nữ Anh hùng LLVTND như: Trần Thị Cúc được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND năm 2012 hay Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhờ, quê thôn 6, xã Bình Dương. Lúc hy sinh chị Nhờ là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban đấu tranh chính trị tỉnh Quảng Nam. Từ đội viên du kích đến Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban đấu tranh chính trị tỉnh Quảng Nam, chị Nhờ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó. Trong trận đánh năm 1966, chị Nhờ trực tiếp chỉ huy 2 du kích xã Bình Dương, tiêu diệt 3 tên lính Mỹ, thu nhiều vũ khí (tham gia trận này, có Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - PV). Trách nhiệm từ xã đội phó rồi được bầu vào BCH Huyện ủy Thăng Bình cho đến Phó Trưởng ban đấu tranh chính trị tỉnh, Nguyễn Thị Nhờ đã chỉ huy chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, kết hợp 3 mũi giáp công chính trị, binh vận, quân sự để cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc.
Mỗi tấm gương nữ anh hùng vùng đông sẽ mãi đọng lại trong lòng đồng đội và nhân dân một kỷ niệm, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ về sự dấn thân cho sự trường tồn của dân tộc. Tôi cảm giác như bóng dáng nhiều nữ anh hùng đang hòa quyện vào đất mẹ, góp thêm sức mạnh cho những bông xương rồng nở trên vùng cát khô cằn. Như nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ đã khắc họa trong tác phẩm Cát xanh: “Tôi yêu vùng đất khắc nghiệt này vì kỷ niệm tuổi thơ, buồn vui, gian truân, ác liệt và nhớ…”. (XUÂN NGHĨA)