Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh: Tạo bước đột phá

LÊ VŨ (ghi) 23/03/2015 08:31

Trong xây dựng và phát triển kinh tế, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi và xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trọng tâm nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ. Đến nay, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà được xây dựng đưa vào hoạt động, mở cửa khẩu biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào), các tuyến đường được nâng cấp, xây dựng mới đã hình thành nên mạng lưới giao thông thông suốt từ trong nước đến nước ngoài, từ tỉnh đến các huyện, thành phố, lên miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Năng động thành phố trẻ Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG.THẢO
Năng động thành phố trẻ Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG.THẢO

Những năm qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ đột phá, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống các khu - cụm công nghiệp, đặc biệt Bộ Chính trị, Chính phủ đã cho phép nghiên cứu, thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai, phát triển vùng phía đông và phía tây của tỉnh nhằm tạo sự tác động phát triển hài hòa giữa các vùng của tỉnh; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Ngoài xây dựng, phát triển hệ thống các khu - cụm công nghiệp, Quảng Nam đã chú trọng đầu tư thực hiện chương trình nông thôn mới, xây dựng phát triển chuỗi đô thị. Đến nay, tỉnh có 2 thành phố là thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, thành phố sinh thái - văn hóa, du lịch Hội An, huyện Điện Bàn đã được công nhận là thị xã, cùng với việc nâng cấp các thị trấn, thị tứ; xây dựng hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn... đã làm cho bộ mặt từ nông thôn, miền núi đến thành thị có nhiều thay đổi.

“Kết quả đạt được trong 40 năm qua, đặc biệt là từ sau
Đồng chí Lê Phước Thanh.
Đồng chí Lê Phước Thanh.
ngày tái lập tỉnh là sự nỗ lực liên tục của toàn đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở Quảng Nam. Đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; thể hiện cụ thể bản lĩnh của Đảng về lựa chọn  hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm  để xây dựng và phát triển Quảng Nam”.

Trong những năm gần đây, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh luôn giữ ở mức tăng cao, năm 2014 tăng 11,5%/năm. So với năm 1997, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gần 20 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm giảm từ 48% năm 1997 xuống còn khoảng 16%; công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng từ 52% năm 1997 nay lên khoảng hơn 84%. Từ một nền kinh tế hầu như chưa phát triển và là một trong các tỉnh nghèo nhất của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn thấp, ở mức 127 tỷ đồng, hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ Trung ương; đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 9.000 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần năm 1997, đứng vào hàng các tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước. Lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch có bước phát triển đột phá, đặc biệt là sau khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú ngày càng nhiều, trung bình mỗi năm có hơn 2,5 triệu lượt khách. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người có bước phát triển mạnh mẽ và là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh nêu cao quyết tâm ra sức phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010 - 2015. Nhiệm vụ quan trọng là tập trung chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tổ chức các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, tạo sinh khí mới trong toàn đảng bộ và các tầng lớp nhân dân để phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá chiến lược, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh như cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển kết nối vùng đông của tỉnh với Hội An, Đà Nẵng, hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1, các tuyến giao thông nông thôn, miền núi và ven biển, hạ tầng các lĩnh vực y tế và giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính minh bạch, quản lý kinh tế - xã hội chặt chẽ, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư các dự án quan trọng, mở rộng đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp và nhân dân.

Trong công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy tập trung xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp cán bộ trước và sau đại hội gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Tăng cường công tác dân vận, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

LÊ VŨ (ghi)

LÊ VŨ (ghi)