Nghĩ thêm về hạnh phúc
Khi xã hội đang có những thay đổi tiêu cực về văn hóa đạo đức thì vẫn còn có rất nhiều người luôn tìm cách chia sẻ với những mảnh đời khốn khổ.
Hạnh phúc đơn giản đôi khi chỉ là sự chia sẻ với cộng đồng. Ảnh: CHÂU NỮ |
Chị Nguyễn Thị Mai Hương và bạn bè trong nhóm Hướng về Tam Kỳ sẵn sàng lên đường xác minh các trường hợp khó khăn, tìm cách giúp đỡ tinh thần và vật chất cho những số phận không may mắn. “Thế nào là được, thế nào mất, chỉ là những khái niệm hư vô. Thế nên các thành viên trong nhóm luôn sống thật, tìm cách chia sẻ với mảnh đời bất hạnh; mỗi lần giúp được ai đó lại thấy vui vô cùng. Với chúng tôi, điều đó được gọi tên là Hạnh phúc”- chị Nguyễn Thị Mai Hương, chia sẻ. Không chỉ nhóm chị Mai Hương có những hoạt động hướng thiện, chia sẻ khó khăn mà hiện nay, số nhóm hoạt động hướng thiện xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều lứa tuổi khác nhau… là điều mà bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc Quảng Nam từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng, nhờ mạng xã hội, ông biết quanh mình luôn có những người sẵn sàng sẻ chia với người khốn khổ.
Hạnh phúc với người này có thể là giây phút bên người thân, với người kia là tâm trạng vui vẻ khi được giúp đỡ một ai đó kém may mắn… Thế nên để định nghĩa, gọi đúng tên chữ HẠNH PHÚC đơn giản nhưng lại không đơn giản. Trong nhiều năm liền, Việt Nam được Quỹ Kinh tế mới (NEF - New Economics Foundation) có trụ sở tại Anh xếp vào top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới. Theo đó, chỉ số HPI của Việt Nam là 60,4. Chỉ số này đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái. Mới đây nhất, hãng nghiên cứu Pew Research tiến hành một cuộc khảo sát tại 44 quốc gia đã lý giải vì sao người Việt lại hạnh phúc nhất thế giới. Bởi người Việt lạc quan. Pew Research cho hay, 94% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng lũ trẻ sẽ lớn lên trong điều kiện tốt hơn hiện nay. Trung Quốc, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới cũng chỉ xếp thứ 2 với tỷ lệ 85%. Ngoài ra, 34% người Việt được hỏi cho rằng khoảng cách giàu - nghèo là một thách thức của xã hội, thấp nhất trong số các nền kinh tế đang lên. Sự lạc quan của người Việt thông qua khảo sát đã lý giải vì sao người Việt hạnh phúc nhất thế giới bất chấp điều kiện sống xung quanh thay đổi theo chiều hướng nào.
Tuy nhiên, sự lạc quan quá mức cũng là một cảnh báo. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, cảm thấy hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế không phải là điều tốt. Nó khiến người ta tự mãn, cả tin, ích kỷ, kém thành công và sau đó có thể kéo theo hệ lụy là một nền kinh tế trì trệ, không có bứt phá vượt lên. Ngoài ra, chất xúc tác cho hạnh phúc của người Việt Nam là các truyền thống văn hóa, giềng mối quan hệ gia đình xóm làng đang bị lung lay khiến nhiều giá trị truyền thống, nhất là các tổ ấm gia đình liên tục bị xô ngã bởi các tác nhân bên ngoài. Thế nên, củng cố “chìa khóa” yêu thương và chia sẻ để có một gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái có học thức, đạo đức, sống tử tế là nhiệm vụ không của riêng ai. Từ “tề gia” thành công thì việc góp phần xây dựng đất nước phát triển hoàn toàn không quá khó. “Hạnh phúc luôn là đích đến trong cuộc đời của mỗi người. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, con người cũng luôn khát khao đi tìm hạnh phúc. Tuần lễ hạnh phúc và ngày Quốc tế hạnh phúc không chỉ đơn thuần là một tuần hay một ngày nhằm tôn vinh hạnh phúc mà còn là dịp mỗi người soi lại mình để có những hành động cụ thể góp phần “yêu thương và chia sẻ” - chìa khóa mang lại hạnh phúc cho chính mình, gia đình và xã hội.
CHIÊU THỤC ANH