Hai mặt của facebook
Mạng xã hội, nhất là facebook, thu hút khá người nhiều người tham gia. Đây được xem là nơi giao lưu và chia sẻ thông tin nhanh chóng, không giới hạn về không gian. Tuy nhiên, facebook cũng là con dao hai lưỡi, nếu người sử dụng không biết kiểm soát thông tin và kiểm soát chính mình.
Kết nối tình thân
Nhiều người bặt tin nhau sau bao năm xa cách, nhờ facebook, họ biết thông tin và kết nối với nhau. Bạn Nguyễn Thành ở Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) cho biết, anh em trong gia tộc của bạn sống ở mọi miền Tổ quốc, kể cả ở nước ngoài nên họ lấy facebook làm phương tiện liên lạc chính. Cũng vậy, con em tộc Lê Phước ở làng Hoán Mỹ (Đại Lộc) cũng thường xuyên họp mặt trên... facebook! Thường nội dung họp là thông báo những hoạt động của tộc, thông tin những trường hợp khó khăn, đau ốm để mọi người chia sẻ. Nhiều con cháu của tộc từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây về TP.Hồ Chí Minh gặp mặt đầu xuân Ất Mùi vừa qua cũng nhờ sự kết nối từ facebook. Ông Lê Phước Dũ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) chia sẻ: “Đã từng tham dự nhiều cuộc họp mặt, nhưng cuộc họp mặt của bà con cô bác và con cháu của tộc Lê Phước tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua để lại cho tôi nhiều tình cảm sâu đậm. Phải nói là cảm ơn các bạn trẻ chơi facebook đã tạo sự liên kết rất thiết thực và chân thành trong gia tộc. Trang facebook có nick “Toc Le Phuoc” trở thành ngôi “từ đường trong tâm” của những người con họ Lê Phước làng Hoán Mỹ sinh sống xa quê như chúng tôi”.
Mạng xã hội facebook thu hút khá đông người tham gia. (Ảnh: Internet) |
Nhiều người bặt tin người thân, bạn bè sau bao nhiêu năm xa cách, cũng nhờ facebook, họ biết thông tin về nhau, kết nối với nhau, kể cả những người cách xa nửa vòng trái đất. Bạn Hồng Đào quê Quế Sơn, hiện sống tại Cộng hòa Séc chia sẻ, nhờ kết bạn facebook mà bạn biết được thông tin về quê nhà và người thân, bạn bè từ hồi học cấp 1, cấp 2. Nỗi nhớ quê hương nhờ vậy cũng vơi đi phần nào khi hằng ngày được tâm sự, chia sẻ với người thân, bè bạn...
Không phân biệt giới tính, tuổi tác, những người có chung sở thích làm công tác xã hội, từ thiện đã lập những hội, nhóm trên facebook để chia sẻ thông tin về các trường hợp bất hạnh, thương tâm. Sau khi kêu gọi được sự giúp đỡ, từ facebook họ bước ra đời thực để làm việc thiện. Các câu lạc bộ “We are one”, “Vì cộng đồng”, “Nguyện ước xanh”, “Nhớ về Tam Kỳ... là những nhóm như thế. Một hoàn cảnh khó khăn được đưa lên, ngay lập tức nhận được sự chia sẻ về vật chất và tinh thần của những người tham gia facebook. Để rồi sau đó, họ tìm đến với những mảnh đời bất hạnh. Hay như việc cô gái ở Nghệ An, con liệt sĩ Gạc Ma được bố trí việc làm sau khi gửi thư đến fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây được xem là mặt tích cực của facebook.
Ngoài ra, qua facebook, nhiều người có thể nắm được thông tin về mọi thứ mình quan tâm như giá cả thị trường, thời trang, cách chế biến món ăn... rất nhanh chóng, chỉ sau cú nhắp chuột. Tỷ như sau khi đăng thông tin cần mua một máy tính xách tay, chủ yếu để soạn thảo văn bản, ngay lập tức, facebook có nick Quỳnh Văn được bạn bè bạn cung cấp đầy đủ thông tin về giá cả, tiện ích, hãng sản xuất và tư vấn cách chọn máy tính phù hợp.
Chia sẻ và... chia rẽ
Facebook rất thu hút mọi người nhưng đi kèm với đó là những rủi ro không lường. Vì facebook là mạng xã hội nên tính bảo mật không cao. Dễ thấy, khi đăng một dòng trạng thái (status) trên facebook, sẽ nhận được nhiều bình luận (comment) và lượt yêu thích (like). Từ việc chia sẻ thông tin dễ dãi trên facebook, nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã bị lừa đảo; có bạn bỏ học, thậm chí... tử tự vì lỡ chia sẻ thông tin nhạy cảm trên facebook như báo chí đã nêu trong thời gian qua. Mới đây, một học sinh ở Tam Kỳ đã phải chuyển trường vì nội dung tin nhắn nhạy cảm của em với bạn trai bị phát tán trong bạn bè ở trường, làm ảnh hưởng không ít đến tâm lý cũng như tinh thần của em.
Chính vì đam mê gửi gắm những tâm tư, tình cảm trên “ngôi nhà ảo” facebook nên nhiều người ngại giao tiếp ngoài đời thực - một sự giao tiếp được xem là tích cực hơn trên thế giới ảo. Facebook cũng lấy đi không ít thời gian của nhiều người, trong đó có cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên… khiến hiệu quả công việc và kết quả học tập bị ảnh hưởng không ít. Khi được hỏi về tác hại của facebook, một số học sinh cho rằng, vẫn biết rằng rất mất thời gian nhưng lướt facebook là thói quen khó bỏ. Chỉ mỗi chuyện đọc tin tức, xem, bấm like, bình luận trang cá nhân của bạn bè đã tốn quá nhiều thời gian, chưa kể còn phải dành thời gian chăm chút cho facebook của mình để câu like, câu view. Chia sẻ điều này với một giáo viên ở Tam Kỳ, cô cho biết, bản thân cô cũng chơi facebook, cũng kết bạn với học sinh để nắm tâm tư, tình cảm của các em. “Điều cần thiết là các em cần chơi facebook một cách có văn hóa, tránh những thông tin, bình luận tục tĩu, phản cảm và đừng mất quá nhiều thời gian cho facebook để ảnh hưởng đến kết quả học tập” - cô giáo này chia sẻ.
Facebook là nơi chia sẻ thông tin, đồng thời cũng là nơi để không ít người lợi dụng làm phương tiện công kích, thóa mạ nhau khi bất đồng quan điểm. Chỉ vì không hài lòng với người này người khác trong công việc và cuộc sống, có người không ngại ngần đăng lên facebook bằng lời lẽ không đẹp. Bởi vậy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư rất có lý khi nói, facebook vốn là thứ dùng để chia sẻ nhưng lại đi bên lằn ranh của sự... chia rẽ.
CHÂU NỮ