Tình đồng hương

HÀ AN 20/03/2015 09:13

Cứ sau Tết Âm lịch, các hội đồng hương lại tổ chức gặp mặt đầu xuân để tâm tình,  trao đổi thông tin về quê nhà và tìm hiểu cuộc sống của nhau nhằm động viên giúp đỡ kịp thời.

Ở TP.Tam Kỳ - trung tâm tỉnh lỵ, nên có nhiều người ở các huyện trong tỉnh và địa phương khác ngoài tỉnh tụ về sinh sống và công tác. Để tập hợp những người sống xa quê nhằm động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong công việc, họ thành lập các hội đồng hương (HĐH). Ngoài tỉnh có HĐH Huế - Quảng Bình, Bình Định, Thanh Hóa; trong tỉnh có HĐH Hiệp Đức, Tiên Phước... “Đồng hương” thường được hiểu là những người sinh ra, lớn lên ở cùng một quê hương, nhỏ hẹp là cùng thôn xã, rộng hơn là cùng huyện, tỉnh. Quan hệ “đồng hương” là mối quan hệ được củng cố, vun đắp một cách tự nguyện, chân thành từ những con người sinh ra trên cùng một địa bàn và cùng được quy tụ về một điểm. Vì vậy, việc tạo ra mối quan hệ gần gũi, cảm thông, sẻ chia, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công tác… là điều đáng hoan nghênh.

Trong những dịp đầu xuân mới, HĐH cùng ngồi lại với nhau, cùng nhìn lại, đánh giá kết quả của một năm hoạt động của hội, của mỗi cá nhân trong cộng đồng chung. Như  HĐH Hiệp Đức thường tổ chức không chỉ gặp mặt đồng hương mà còn gặp những người từng công tác tại huyện, coi như một cách để tri ân những người đã góp phần công sức xây dựng huyện. Hoạt động của hội gắn với những kế hoạch hoạt động của huyện, vận động con em, những người từng công tác ở huyện đóng góp công sức, kinh phí vào những hoạt động của địa phương như quỹ khuyến học, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao... Còn ở HĐH tỉnh Bình Định, ngoài những hoạt động trên, hội còn khen thưởng cho những con em đồng hương có thành tích học tập xuất sắc trong năm. Ông Phan Thái Bình - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, tâm sự: “Ban liên lạc HĐH là cầu nối giữa những người đồng hương với địa phương để họ đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi nhiều người trong số họ từng là lãnh đạo chủ chốt của huyện. Những kết quả đạt được của huyện có sự đóng góp không nhỏ của HĐH trong cả nước”.

Gần 20 năm tái lập tỉnh cũng là ngần ấy thời gian các HĐH đã duy trì sinh hoạt, thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Những khi có trường hợp ốm đau, bệnh tật... HĐH tổ chức thăm viếng và giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất. Và điều quan trọng là tại cuộc gặp mặt mọi người nhắc nhở, bảo ban nhau giáo dục con cái học hành giỏi giang, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ sở và kịp thời giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong cuộc sống. Tình đồng hương là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm hồn của người Việt nên cần phát huy để làm cho cuộc sống của cộng đồng tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần loại bỏ tư tưởng cục bộ, bè phái, bởi dù ở đâu cũng là sống và công tác trên quê hương đất Việt thân yêu.

HÀ AN

HÀ AN