Chủ nhật ở Vĩnh Điện…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 20/03/2015 08:41

Tôi may mắn đi theo các bạn trẻ trong nhóm Từ thiện TP.Đà Nẵng (Dnp Charity) trong một ngày Chủ nhật đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam ở thị trấn Vĩnh Điện ( Điện Bàn) và cảm nhận được đôi điều về hoàn cảnh của những người nghèo cũng như thân nhân họ khi có bệnh tật, ốm đau…

Những phần cơm từ thiện được sẻ chia ở bệnh viện.
Những phần cơm từ thiện được sẻ chia ở bệnh viện.

Năm 2005, Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn chính thức được nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, có nhiệm vụ khám và điều trị cho khoảng 500.000 dân ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Quế Sơn. Tổng nguồn vốn đầu tư cho bệnh viện hơn 46 tỷ đồng. Đây là bệnh viện đa khoa khu vực thứ 2 được thành lập trên địa bàn tỉnh, sau Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc (Đại Lộc). Với quy mô trên 320 giường bệnh trên tổng số dân như nêu trên, tương đương 0,6 giường/1.000 dân là quá thấp so với bình quân cả nước hiện nay (1,52 - 2 giường/1.000 dân). Trong lúc đó, đa số người bệnh từ vùng nông thôn có đời sống kinh tế thấp so với đô thị… Tuy đa số người bệnh nay đã có bảo hiểm y tế, nhưng do thu nhập thấp nên phí tổn cho việc ăn ở khi nằm viện là một gánh nặng của không ít bệnh nhân và cả người nhà theo chăm sóc. Một thân nhân người bệnh là N.V.V. ở Gò Nổi cho biết, tuy giữa ngày mùa, nhưng con ốm, nên cả hai vợ chồng ông phải thay phiên túc trực; bỏ cả ruộng vườn và việc đưa đón hai đứa nhỏ còn đi học. Chị L.T.Y. ở  Điện Nam có con bị thủy đậu, cho biết phải đóng cửa quầy tạp hóa, là nguồn sống duy nhất của gia đình để lo cho con. Một trung niên hàng ngày đi bán vé số dạo, nay cũng nghỉ cả tuần để chăm sóc cha già… Tất cả họ đều cảm kích khi nhận những hộp cơm trưa của bạn tôi mang đến cho cả họ và người bệnh, với thịt, trứng, rau và canh. Tuy giá trị mỗi hộp cơm chỉ khoảng 15 nghìn đồng, nhưng với những người nghèo, đó là cả tấm lòng. “Đỡ đi 30 nghìn đồng cho hai mẹ con trong bữa trưa, gia đình tôi cũng bớt đi một phần lo lắng!”- một chị nói với tôi…

Một cán bộ quản lý ở bệnh viện cũng cho biết, ngoài Dnp Charity, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại đây còn từng được sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, ni sư thuộc Đạo tràng Phật tử chùa Phổ Hiền (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) với các bữa ăn chay miễn phí; của các tình nguyện viên thuộc dự án “Nồi cháo nhân ái” vào các Chủ nhật cuối mỗi tháng của Câu lạc bộ Nhân Ái Quảng Nam, và các đội thiện nguyện khác mới thành lập trong huyện…

Trở lại với các tình nguyện viên thuộc Dnp Charity, họ không chỉ là các viên chức, công chức trẻ thuộc các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại Đà Nẵng mà còn có một số mẹ, chị đã lớn tuổi hoặc nghỉ hưu. Có người quê ở Điện Bàn, có người quê ở nơi khác. Các mẹ, các chị ngoài đóng góp tiền bạc, đã bỏ công sức tổ chức nấu nướng suốt chiều và đêm trước để có hơn 300 phần ăn cho mỗi lần đến Vĩnh Điện. Trong danh sách đóng góp, tôi thấy có những người bạn định cư ở Úc, ở Mỹ và những người buôn bán ở Đà Nẵng. Hơn 30 triệu đồng cho 7 Chủ nhật của chương trình “Cơm yêu thương” của họ, không chỉ nói lên công sức và tiền bạc, mà là một nghĩa cử mang tính nhân ái, sẻ chia.

Một “Chủ nhật ở Vĩnh Điện” cho tôi suy nghĩ là: nếu có thêm nhiều bàn tay và tấm lòng như các nhóm thiện nguyện, các cơ sở tôn giáo, từ thiện thì không chỉ là ở một bệnh viện, một thị trấn mà xã hội sẽ trở nên nhân hậu hơn với những cơ hội sẻ chia và cảm thông. Tôi tin như vậy, bởi trải nghiệm này cũng đã cho tôi một dịp nữa để thấy những người nghèo khó, cơ cực quanh ta vẫn là một con số không nhỏ…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG