Ưu tiên nguồn lực giảm nghèo

PHƯƠNG GIANG 19/03/2015 10:19

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn, cải thiện chất lượng đầu tư là những nội dung đã được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì vào sáng qua 18.3.
Khó khăn về vốn

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo vượt so với mục tiêu, nhưng Quảng Nam vẫn đang là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước. Một số địa phương giảm nghèo chưa bền vững, nhất là các huyện miền núi. Có thể thấy, số hộ nghèo phát sinh mới trong năm nhiều hơn số thoát nghèo, hộ thoát nghèo nhưng chỉ vươn lên cận nghèo nhiều hơn số thoát nghèo qua khỏi chuẩn cận nghèo, hộ cận nghèo rơi xuống hộ nghèo còn nhiều đang là thách thức cho việc thoát nghèo bền vững. Theo ông Hòa, tình trạng trên diễn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân bổ kinh phí thực hiện chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo còn chậm, thiếu chủ động trong lập kế hoạch, đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác giảm nghèo chưa phát huy hết vai trò giám sát, hỗ trợ công tác này.

Đầu tư hạ tầng, ổn định chỗ ở, sản xuất cho người dân miền núi.   Ảnh: P.Giang
Đầu tư hạ tầng, ổn định chỗ ở, sản xuất cho người dân miền núi. Ảnh: P.Giang

Cùng quan điểm với ông Hòa, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ thêm: “Nhiều cơ chế hỗ trợ đối với đồng bào miền núi còn chồng chéo, vướng mắc đã gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương. Cụ thể, chủ trương giao khoán đất rừng cho cộng đồng làng triển khai trên địa bàn huyện Tây Giang đang bị chồng chéo với các chương trình mục tiêu khác, dẫn đến việc giải ngân, quyết toán không thực hiện được. Nguồn lực từ Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ mỗi xã 1 tỷ đồng/năm, không thể đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản đang còn rất lớn ở địa bàn miền núi”.

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn gần 48.000 hộ nghèo, giảm 2,81%, hơn 36.000 hộ cận nghèo, giảm 2,12% so với năm 2013. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm 5,97%, từ 55,87% năm 2013 còn 49,90% năm 2014. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đã có 14.000 hộ thoát nghèo, 213 hộ tái nghèo và 3.500 hộ nghèo phát sinh. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh và các huyện nghèo đạt và vượt so với mục tiêu theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, số hộ nghèo phát sinh còn khá cao, cùng với những vướng mắc còn tồn tại đang khiến cho việc giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến công tác huy động và phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo, năm 2014, toàn tỉnh đã huy động và phân bổ 1.584 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 1.337 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 166,348 tỷ đồng, nguồn vận động hơn 81 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ thoát nghèo đầu tư trực tiếp về cơ sở nhưng lại tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ trong người dân. Chưa kể, nhiều chương trình hỗ trợ mang tính nhỏ lẻ, dàn trải, thiếu giám sát khiến hiệu quả nguồn lực đầu tư chưa cao, dễ phát sinh tái nghèo khi chương trình chấm dứt. Theo bà Dung, đây là tình trạng chung của các huyện miền núi, đặc biệt là các huyện 30a, 30b. Tốc độ tiếp thu, áp dụng các mô hình sinh kế cho đồng bào chậm, duy trì và phát triển mô hình kém hiệu quả trong khi đất sản xuất bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện đang là điều cần phải đặc biệt quan tâm tại thời điểm này.

Không chỉ ở các huyện miền núi, nhu cầu giải ngân vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo như hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất tại các huyện, thị vùng đồng bằng cũng đang là nhu cầu bức xúc để hỗ trợ công tác giảm nghèo. Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An, dù trong năm 2014 địa phương có hơn 150 hộ xóa nghèo, nhưng việc giải ngân hỗ trợ xây dựng nhà ở, giải quyết vốn vay sản xuất cho hộ nghèo còn quá chậm, ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo của thành phố trong thời gian qua.

Tập trung nguồn lực

Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc tập trung giảm nghèo, đặc biệt là bức xúc về vốn, hàng loạt chủ trương nhằm huy động nguồn lực cho công tác này đã được đặt ra. Đồng thời các sở, đơn vị cấp tỉnh được yêu cầu phân bổ kịp thời nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo các ngành và các địa phương. Năm 2015, UBND tỉnh giao hơn 282 tỷ đồng kinh phí thực hiện 4 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các địa phương, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, sắp đến sở cũng sẽ yêu cầu các địa phương chỉ đạo triển khai kịp thời các chính sách, dự án giảm nghèo, đặc biệt là chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh và chính sách khen thưởng của trung ương. Đồng thời sở sẽ yêu cầu các địa phương thực hiện dứt điểm việc thu hồi vốn các dự án mô hình giảm nghèo đã được đầu tư những năm qua để tái đầu tư, nhân rộng mô hình. “Trước mắt, sở và các đơn vị liên quan sẽ tập trung hoàn thành việc hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện đúng tiến độ đặt ra” - ông Nguyễn Quang Hòa cho biết.

Tuy nhiên, nguồn lực từ chương trình, chính sách chỉ đáp ứng tương đối nhu cầu dân sinh, khó đảm bảo yếu tố sản xuất bền vững hướng tới thoát nghèo bền vững cho người dân. Huy động doanh nghiệp đầu tư, giải quyết lao động cho các hộ nghèo, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo là một giải pháp quan trọng, tuy nhiên chưa được các địa phương thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Theo đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư, nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế, do đó các địa phương cần lồng ghép nhiều nguồn, có cơ chế khuyến khích các mô hình hiệu quả và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để tăng thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo trong thời gian đến.

Để giám sát và triển khai có hiệu quả các nội dung chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách giảm nghèo, nhất là nhu cầu về vốn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu các sở, ban ngành có hướng tập trung cho các hộ nghèo thuộc diện chính sách, để nguồn đầu tư, hỗ trợ cao và có hiệu quả hơn. Thực hiện chính sách giảm nghèo đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh vẫn huy động nguồn vốn lớn cho công tác này. Tuy nhiên, các địa phương cần lưu ý vấn đề tái nghèo và nghèo phát sinh còn khá lớn ở thời điểm hiện tại, khắc phục những hạn chế mang tính chủ quan. “Đối với những kiến nghị về bất cập, chồng chéo của chính sách, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương có hướng điều chỉnh phù hợp, đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho các hộ dân, đặc biệt là vùng miền núi, vùng ven biển, vùng sâu vùng xa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG