Dấu ấn Phú Ninh

NGUYỄN PHI THẠNH (Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh) 18/03/2015 08:40

Từ cột mốc của 10 năm trước, thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện vượt khó đi lên trong điều kiện của một địa phương mới thành lập, xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 3,2 triệu đồng/năm. Thực tế đó đòi hỏi Phú Ninh phải có một cách làm, hướng đi riêng để tận dụng lợi thế tại chỗ và phát huy điều kiện thuận lợi khi nằm kề trung tâm tỉnh lỵ. Và ngay từ những ngày đầu tiên, Phú Ninh đã xác định phát triển theo định hướng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch làm trọng tâm. Trong đó, địa phương xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết tốt thủ tục hành chính để tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện triển khai đầu tư tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và khu vực hồ Phú Ninh là điểm nhấn đột phá cho phát triển kinh tế của huyện.

Sáng 16.3, tại Cụm công nghiệp Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Công ty TNHH một thành viên Vas Apparel Việt Nam tổ chức lễ ra mắt và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 70 tỷ đồng. Ảnh: X.NGHĨA
Sáng 16.3, tại Cụm công nghiệp Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Công ty TNHH một thành viên Vas Apparel Việt Nam tổ chức lễ ra mắt và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 70 tỷ đồng. Ảnh: X.NGHĨA

Đột phá nông nghiệp

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tiềm năng lợi thế về đất đai, nguồn nước, tài nguyên, nhân lực được địa phương khai thác và phát huy hiệu quả khá tốt. Nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp được cụ thể hóa và triển khai sâu rộng, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại… Qua đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm hơn 5,5%, đến cuối năm 2014 đạt hơn 977 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2005; trong đó tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 35,9% năm 2005 lên 47,3% năm 2014.

Để có được kết quả trên, trong những năm qua, toàn huyện đã tổ chức dồn điền đổi thửa hơn 2.000ha; tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, con vật nuôi. Phát huy hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa cùng với cơ chế khuyến khích của tỉnh và huyện, nông dân Phú Ninh được hỗ trợ mua máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất. Đến nay tỷ lệ cơ giới hóa của huyện đạt hơn 70%. Nhờ chủ động nguồn nước tưới (khoảng 3.200ha) và ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lúa bình quân của Phú Ninh tăng từ 51,31tạ/ha (năm 2005) lên 59,54 tạ/ha (năm 2014).

Bên cạnh đó, những thành tựu về công tác giống cây trồng, vật nuôi được ứng dụng, chuyển giao kịp thời. Nông dân được cung cấp các giống mới có năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung như lúa giống hàng hóa, dưa hấu… Một số nông sản của huyện xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu như dưa hấu Kỳ Lý, trứng gà Văn Học… Định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và an toàn dịch bệnh, đến nay toàn huyện có 21 trang trại đạt mức doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ đồng. Kinh tế vườn được tập trung chỉ đạo, phát triển cải tạo vườn tạp gắn với chỉnh trang khuôn viên vườn nhà ở theo hướng xây dựng nông thôn mới.

Nhóm ngành ưu tiên

Tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, trung ương và lồng ghép từ nhiều nguồn vốn đầu tư, đến nay Phú Ninh đã kiên cố hóa hơn 78% số kênh mương trên địa bàn cần được kiên cố. Trục chính hệ thống giao thông nội đồng được cứng hóa hơn 80%, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản, vận hành máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện có 15 hợp tác xã và 28 tổ hợp tác đang có những bước phát triển tích cực, mở rộng sản xuất gắn với giải quyết việc làm ở nông thôn, liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng các dịch vụ phục vụ sản xuất đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân.

Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch được Phú Ninh xác định là ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm đồng thời với tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo điều kiện về mặt bằng, cải cách hành chính, hỗ trợ đào tạo lao động... Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này có nhiều khởi sắc mới. Từ chỗ chỉ có một cụm công nghiệp với 2 dự án đầu tư, đến nay huyện đã hoàn thành quy hoạch 1 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và một số điểm công nghiệp, làng nghề thu hút 14 dự án đăng ký đầu tư, góp phần tăng giá trị công nghiệp - xây dựng - thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 40% năm 2005 lên 77,8% năm 2014. Trong đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hơn 24,8%/năm, giá trị của ngành đạt hơn 1.296 tỷ đồng; thương mại dịch vụ tăng bình quân 22,7%/năm, giá trị ngành từ 31 tỷ đồng năm 2005 nay đạt 952 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngoài cụm công nghiệp ngày càng phát triển, số doanh nghiệp hoạt động tăng lên, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hộ cá thể cũng ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được xúc tiến quảng bá rộng rãi…

Ở các trung tâm xã trên địa bàn, hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp, dần trở thành đầu mối thương mại. Quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch nông thôn mới, hạ tầng các chợ tiếp tục được đầu tư cải tạo. Hoạt động du lịch cũng có những chuyển biến tích cực. Thu hút Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường vào đầu tư tại khu du lịch hồ Phú Ninh với quy mô 675ha. Toàn bộ khu du lịch đã được đầu tư mới, khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, bước đầu phát huy hiệu quả. Nhà máy Nước khoáng Phú Ninh được đầu tư nâng cấp đưa vào hoạt động, sản phẩm khôi phục ưu thế trên thị trường.

Có thể khẳng định, kết quả đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Phú Ninh trong thời gian qua là rất quan trọng, đúng định hướng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo được niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, qua đó tiếp tục phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2015 mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra.

NGUYỄN PHI THẠNH
(Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh)

NGUYỄN PHI THẠNH (Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh)