Bạo lực học đường: Nỗi đau không của riêng ai
Nhiều quốc gia trên thế giới đang “đau đầu” với câu chuyện bạo lực trong học đường, có thể khiến tình trạng bất ổn xã hội tăng cao.
Tại nhiều trường học, tình trạng học sinh - sinh viên cãi cọ, dọa nạt, xô xát và thậm chí gây thiệt mạng cho bạn học bằng hung khí khiến dư luận vô cùng bức xúc và bàng hoàng. Một vụ bạo lực học đường gần đây nhất tại Mỹ là khi một học sinh đã xả súng vào bạn bè tại Trường Trung học Marysville Pilchuck (bang Washington, Mỹ) vào tháng 10.2014, sau đó học sinh bắn vào cổ tự sát. Thảm kịch này khiến 2 học sinh chết, 4 học sinh khác bị thương. Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Journal of Developmental and Behavioural Pediatrics, có gần 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tại Mỹ từng ít nhất một lần bị bạn học bắt nạt, ức hiếp. Hoặc cứ 3 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 thì có một em báo cáo đã bị bắt nạt tại trường. Mỗi ngày, có 160 nghìn học sinh không dám đi học vì sợ bị bắt nạt ở trường.
Trường học là nơi các em được học hành và an toàn.Ảnh: Inx.ovannini |
Tương tự, theo kết quả khảo sát của Quỹ phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc, 20% thừa nhận từng bị bắt nạt ở trường, 63% nạn nhân chịu đòn bạo lực ngay khi mới học tiểu học. Liên quan tới tình trạng này, tạp chí Time vừa đăng số liệu báo cáo từ Tổ chức Phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em - Plan International và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ cho thấy, tại châu Á, cứ 10 học sinh thì có 7 học sinh liên quan tới bạo lực ở trường học.
Các chuyên gia của các tổ chức trên nhận định, việc các em đến trường là quyền cơ bản để các em tiếp cận đầy đủ với hệ thống giáo dục, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Nhưng thật đáng tiếc, trường học đã không còn là chỗ an toàn cho nhiều em trong khi các em lại bị chính các bạn học của mình bắt nạt, đánh đập gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần và thể xác cho người bị hại, và đôi khi cho cả người gây ra bạo lực. Bên cạnh đó, thực trạng báo động này rõ ràng để lại nỗi đau không những cho các bậc làm cha mẹ mà còn nhà trường và cho toàn xã hội.
Theo bà Nandita Bhatla, chuyên gia kỹ thuật cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ, một trong những nguyên nhân xảy ra bạo lực là do nhiều em không ý thức được hành vi và hậu quả mình gây ra. Ngoài ra, do không tin tưởng ở người lớn xung quanh trong việc giải quyết các vấn đề của các em. Nhiều trường học không quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục nhân cách cho học sinh và không thể phủ nhận là từ bản tính hiếu thắng, ích kỷ và hung hăng của các em. Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì bạo lực học đường vẫn là hành vi đáng bị xã hội lên án.
Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia tâm lý khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho con cái của mình. Việc giải quyết bạo lực học đường cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
NAM VIỆT