Cội rễ quê nhà
(QNO) - Dù cuộc sống khá giả về kinh tế nhưng một đại gia đình người Quảng sống ở Sài thành hơn 20 năm vẫn giữ được lề thói, gốc gác quê nhà, như là cội rễ của hạnh phúc.
Gia đình ông bà đông con cháu; các con đều có công ty may mặc cùng cửa hàng thời trang lớn. Ông bà đang sống cùng gia đình người con trai cả, ngay tại nhà riêng của ông bà. Đặc biệt, nhà bà lúc nào cũng có người ra vào, họ là dâu rể, con cháu nội ngoại. Thấy tôi ngạc nhiên, chị dâu trưởng giải thích “nhà lúc nào cũng có nồi cơm nóng, sẵn sàng cho người thân của mình”.
Ấm thực là một trong những yếu tố góp phần giữ gìn quê xứ. Ảnh: Internet |
Một bữa nhà ông bà có giỗ, tôi cũng có mặt. Ngoài mấy món miền Nam, bữa giỗ còn có đặc sản xứ Quảng, gồm mỳ Quảng, gỏi mít trộn, ram, bánh tráng nướng, bánh rò, xôi đường. Xa quê mấy chục năm, gia đình ông bà vẫn lưu giữ nếp ẩm thực truyền thống. Trong căn bếp sang trọng có cả rổ tỏi, hành, củ nén, cả cái mẹt và rổ bằng tre.
Ngày giỗ, con dâu, con gái tụ tập về phụ chuyện bếp núc. Giọng Quảng đầy nhà. Bà kể, ngày trước ông bà đông con, vất vả nhưng cũng cố gắng cho con cái học hành. Bù lại, các con đều ngoan ngoãn, gắng học để không phụ lòng ba mẹ. Vào Sài Gòn học đại học, tốt nghiệp ra trường, cơ duyên đã đưa người con trai cả đến với ngành thời trang. Dưới sự dìu dắt của anh cả, các em cũng thành công trong lĩnh vực may mặc.
Ngày các con gợi ý muốn đưa ba mẹ vào Nam sống cùng để tiện bề chăm sóc, ông bà nhiều đêm đắn đo, mất ngủ. Nhưng cuối cùng cũng đành đóng cửa nhà, rút vội mấy chân nhang, “Nam tiến” để được gần con cháu, mang theo giọng Quảng, những thói lề, tập tục nhập đất Sài thành. Bà bảo dù bỡ ngỡ đến mấy cũng cố gắng hòa nhập, nhưng cái gì giữ được thì phải giữ, chẳng hạn như giọng nói, cách ăn uống, nếp nhà. Xưa nay ông bà vẫn sống tiết kiệm, lỡ sa cơ thất thế khỏi phải ngửa tay vay mượn. Hay “trong nhà phải biết kính trên nhường dưới, người nói phải có người nghe, thì mới đâu ra đó được”.
Sau những đợt bão lũ, ông bà dù già nhưng vẫn theo các con về quê làm từ thiện. Khi trở vào, bà mang cả “cội nguồn quê xứ”, trông như người buôn hàng chuyến, lỉnh kỉnh thứ này thứ nọ. Ngay như con dao, lưỡi cuốc cũng rèn mang vào; cả cái nón bà cũng đặt mua. Chén mắm cái vẫn “nức nở” giữa bàn ăn, chợ bà Hoa bà thuộc từng ngóc ngách. Bà mong ước, bây giờ kinh tế đủ đầy, quan trọng làm sao duy trì cuộc sống hạnh phúc bắt nguồn từ cội rễ gia đình, từ tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm. Như ngày xưa dù nghèo, trong nhà vẫn giòn tan tiếng cười, con cháu biết đoàn kết, thương yêu.
PHI KHANH