"Áo mới" vùng chiến khu
Sức sống mới, nhịp điệu mới đang mở ra nơi vùng chiến khu xưa. Những địa danh đã đi vào lịch sử quê hương nay khoác lên mình “chiếc áo mới” với những gam màu thanh bình, tươi sáng.
Phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn được nhân dân vùng Sơn Cẩm Hà tích cực hưởng ứng. |
Phát huy thế mạnh
Về vùng quê Sơn - Cẩm - Hà hôm nay, những con đường mưa bùn - nắng bụi đã được thay bằng những tuyến đường nhựa, bê tông nối liền 3 xã với trung tâm huyện lỵ Tiên Phước, TP.Tam Kỳ và huyện Hiệp Đức. Các thôn xóm cũng thông thương với nhau bằng những tuyến bê tông dân sinh, với những khu vườn rợp bóng mát của cây keo, dó bầu, tiêu, cam, măng cụt… Những đồn bốt, hố bom loang lổ hay những khu đồi trọc đã được phủ một màu xanh bạt ngàn. Trí tuệ, tâm sức, sự đoàn kết của nhân dân 3 xã vùng chiến khu, cùng với sự trợ sức đắc lực của trung ương, tỉnh, huyện đã giúp Sơn - Cẩm - Hà dần thoát khỏi cảnh nghèo đói, vươn lên mạnh mẽ đúng như tinh thần của những người dân kiên cường bám đất giữ làng trong thời chiến.
Dù vẫn là 3 xã thuộc diện khó khăn của Tiên Phước, nhưng khó khăn nhất về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi đã cơ bản được giải quyết. Giao thông phát triển, nhu cầu thông thương của Sơn - Cẩm - Hà với các xã, huyện khác được đáp ứng, giúp cho người dân có điều kiện sản xuất theo hướng hàng hóa. Vận chuyển thông suốt, giá cả các sản phẩm cây trồng, con vật nuôi cũng theo đó cao hơn và ổn định, người dân được hưởng lợi. Kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại là thế mạnh của 3 địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, nhiều hộ giàu lên nhờ làm vườn, trồng rừng. Ở vùng này, những hộ dân có rừng, có đất vườn, thu nhập mỗi năm 40 - 50 triệu đồng không phải là điều khó khăn, thậm chí vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng cũng có. Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: “Phong trào trồng rừng mà chủ yếu là cây nguyên liệu, cải tạo vườn tạp để trồng những loại cây chất lượng, giá trị kinh tế cao đã được nhân dân vùng chiến khu hưởng ứng rất tích cực. Đối với Tiên Hà, trong 5 năm qua, nhân dân đã trồng được 2.500ha rừng, giải quyết việc làm cho nhân dân, góp phần giảm nghèo hiệu quả; tổng nguồn thu năm 2014 ước đạt khoảng 50 tỷ đồng”.
Nhà ở cho người dân, nhất là hộ người có công, hộ nghèo được huyện Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình lồng ghép ở Sơn - Cẩm - Hà, đến nay đã không còn cảnh nhà tạm bợ ở 3 xã này. Hệ thống trường học, trạm y tế, thủy lợi, điện, công trình phục vụ văn hóa thể thao... được đầu tư xây dựng, người dân đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, con em nhân dân được đến trường đầy đủ, nâng cao dân trí và ổn định dân sinh. Tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã giảm bình quân mỗi năm trên 5%, đưa tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2014 đều ở mức 15% trở xuống.
Cuộc sống mới
Từ khi được chọn làm một trong 3 xã thí điểm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Tiên Phước, xã Tiên Sơn đã từng ngày thay da đổi thịt. Tiên Sơn là vùng đất mà điều kiện tự nhiên không ưu đãi, khó làm thủy lợi nếu không có nguồn lực, điều kiện tiếp cận thị trường hạn chế. Nhưng có phong trào nông thôn mới, cán bộ và nhân dân Tiên Sơn đồng lòng, qua 4 năm phát động và xây dựng, hiện nay Tiên Sơn đã đạt được 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 19/19 tiêu chí. Ông Cao Văn Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho hay, toàn xã đã có 14 đập lớn nhỏ được xây dựng, bê tông hóa được 3,8km kênh mương nội đồng, năm 2015 tiếp tục xây dựng thêm 1,7km kênh mương, góp phần tưới tiêu cho 70% diện tích lúa, hoa màu. Và thành công nữa là hệ thống giao thông nông thôn đã bao phủ đến 70% thôn, xóm với sự đóng góp tích cực về công cán, tiền của, đất đai của nhân dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự ý thức việc giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp bởi những hàng cây xanh phủ bóng mát hay những bờ rào chè tàu, cau, dâm bụt rất đẹp mắt.
Làng nghề phù chúc đang dần định hình ở thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, từ mô hình của anh Đoàn Hồng Khuyên. Ảnh: LÊ DIỄM |
Tiên Hà những năm gần đây không chỉ được biết đến bởi phong trào trồng rừng, mà còn bởi một mô hình mới đang dần định hình thành một làng nghề, đó là nghề sản xuất phù chúc - một loại thực phẩm dùng ăn chay - tại thôn Phú Vinh. Chỉ từ một cơ sở ban đầu của người thanh niên tên Đoàn Hồng Khuyên, nay đã phát triển đến 7 cơ sở ở thôn Phú Vinh. Mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 5 lao động, với thu nhập bình quân hằng tháng 4 - 5 triệu đồng/người. Đầu ra cho sản phẩm phù chúc rất rộng, đến nỗi 7 cơ sở của thôn Phú Vinh hoạt động hết công suất 24/24 giờ nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thành công từ mô hình mới, anh Khuyên đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng cho hệ thống sản xuất phù chúc bằng nồi hơi do chính anh lên ý tưởng cho kỹ sư thiết kế hệ thống. Hệ thống này vận hành liên tục, công suất cao, không khói bụi độc hại, đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra. Điều đó được chứng minh bằng sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm đặt hàng ngày càng nhiều, nhất là vào những mùa cao điểm. Tôi phải thuê thêm lao động thời vụ, thay ca làm việc liên tục vẫn không đủ phù chúc giao cho khách. Tôi tin tưởng theo nghề và nay đã thành công, lại nhân rộng được mô hình trong toàn thôn là điều tôi tâm đắc nhất” - anh Khuyên nói.
LÊ DIỄM