An dân ở vùng động đất

TRẦN HỮU 09/03/2015 09:30

Qua hàng loạt cơn dư chấn động đất, đồng bào dân tộc thiểu số xã Trà Đốc (Bắc Trà My) dần thay đổi nhận thức, bình tĩnh đối phó với thiên tai. Sức sống mới của mùa xuân vẫn còn hiện hữu trên từng nóc làng, nương rẫy miền cao.

  • Lại động đất 3,6 độ tại thủy điện Sông Tranh 2
  • Động đất 2,6 độ richter tại thủy điện sông Tranh 2
  • Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra 2 vụ động đất
  • Động đất 2,7 độ richter tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
  • Nhiều trường học, trụ sở và nhà dân bị nứt do động đất
  • Cần thông tin rộng rãi về tình hình động đất
  • Lại động đất 2,5 độ richter ở Sông Tranh 2
Đường về Trà Đốc.
Đường về Trà Đốc.

Không còn sợ “nổ”

Từ thị trấn Trà My mất chừng hơn 40 phút là đặt chân đến xã Trà Đốc - nơi mà cách đây hơn 10 năm hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài do chỉ lưu thông chủ yếu bằng đường thủy. Tháng 3, hoa gạo đỏ rực góc sân trường, dọc hai bên đường và thi thoảng cũng khoe sắc trong cánh rừng nguyên sinh.  Nằm sát “túi nước khổng lồ” của lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, Trà Đốc là “tâm điểm” chịu tác động trực tiếp của hiện tượng động đất. Người dân không sử dụng từ động đất mà quen gọi là “nổ”. Sau Tết Nguyên đán đến nay, đã xuất hiện ít nhất hai đợt nổ mạnh và người dân cũng không còn mang tâm lý hoang mang. Ông Hồ Văn Nghĩa, đồng bào Ca Dong thôn 1 (xã Trà Đốc) nằm nghỉ ngơi trong căn nhà sàn rất niềm nở khi khách ghé thăm. Ông Nghĩa thật thà: “Qua mùa lũ rồi, dân mình không còn sợ tiếng nổ nữa. Cán bộ khẳng định, tiếng nổ xảy ra sẽ không nguy hiểm đến tính mạng, nhà cửa nên đồng bào tin, chẳng cần phải chạy đi đâu lánh nạn hết. Mấy năm đầu dân bất an dữ lắm nhưng bây giờ thì thấy bình thường thôi”. Rảo quanh các nóc đồng bào vào giữa trưa, thấy bếp đỏ lửa, sinh hoạt trong khu nhà xây tái định cư diễn ra bình thường chứ không còn cảnh đóng cửa im lìm như trước đây. Cũng theo Nghĩa, vào mùa lũ thì đất nổ nhiều hơn và xuất hiện với cường độ mạnh hơn. Tuy nhiên, hai năm nay, tình trạng đồng bào bỏ làng đi nơi khác sinh sống không xảy ra. Nhiều ngôi nhà nằm chỏng chơ giữa núi đã dịch chuyển xuống làng mới định cư. Từ ngày có đường, điện, người dân đã bắt đầu sống tập trung, lo làm ăn hơn.

Người dân Trà Đốc không còn bất an với động đất. Ảnh: T.H
Người dân Trà Đốc không còn bất an với động đất. Ảnh: T.H

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, chính sách tuyên truyền các kiến thức khoa học, kỹ năng phòng tránh động đất luôn được địa phương thực hiện thường xuyên, nhờ đó mà bà con tiếp nhận nhiều hiểu biết nhất định. Nói chung, đồng bào bây giờ rất ổn định tư tưởng và đời sống không bị xáo trộn nếu xảy ra động đất. Thực tế, ở các khu tái định cư đã có thêm nhiều hộ dân sinh sống, cho thấy sức hấp dẫn ở làng mới. Sau tết, người dân đã trở lại sản xuất, làm ăn bình thường, quen với cảnh sống chung với động đất.

Định hướng phát triển kinh tế

“Đến nay, đồng bào đã ổn định tư tưởng, tập trung làm ăn, phát triển sản xuất. Trong số 657 hộ của toàn xã, thì có đến 503 hộ nghèo (chiếm 76,56%). Bên cạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, địa phương sẽ quan tâm giảm nghèo bền vững; tuyệt đối không để trường hợp nào thiếu gạo ăn trong mùa giáp hạt này”.
(Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi)

Cùng với nỗ lực giúp đồng bào an dân, chính quyền xã Trà Đốc tập trung chăm lo phát triển sản xuất, chăn nuôi, định hướng giảm nghèo bền vững. Bắt đầu từ tháng 3, nhân dân 5 thôn của xã đồng loạt ra quân nạo vét kênh mương chủ động chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu; trồng và khai thác rừng cây nguyên liệu, đăng ký mô hình nuôi cá lồng bè. Năm 2014, địa phương  thu hoạch hơn 4,6 tỷ đồng từ cây keo nguyên liệu; khai thác hơn 100 tấn đót và 2,8 tấn mây thu về gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân khai thác trái ươi rụng hơn 3 tỷ đồng.  Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135, dự án Tầm nhìn thế giới còn hỗ trợ hàng chục con bò giống cho người nghèo. Tại làng tái định cư thôn 2 và 3 xã Trà Đốc, chính quyền huyện Bắc Trà My dành 90ha bố trí đất sản xuất cho người dân. Đến nay, 29 hộ được nhận đất sản xuất (hộ thấp nhất 0,5ha, cao nhất 1ha). Trong các năm 2015 - 2016, mỗi nhân khẩu còn được chủ dự án thủy điện hỗ trợ 15kg gạo. Từ 75 hộ dân được tái định cư tập trung ban đầu đến nay làng mới thôn 2 và 3 có 150 hộ dân đến ở, sinh sống. Ngoài giúp cho người dân khai hoang hơn 30ha lúa nước, chính quyền còn khuyến khích phát triển các loại hoa màu trên đất rẫy. Không để người dân thôn 5 bị đàn voi phá hoại thiếu gạo ăn, dịp tết vừa qua địa phương đã hỗ trợ 550kg gạo và đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ mỗi nhân khẩu bị thiệt hại 20kg gạo trong mùa giáp hạt.

Theo ông Hồ Văn Lợi, sau khi giải quyết rốt ráo việc an dân, năm 2015 chính quyền địa phương định hướng phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp kết hợp, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè; khuyến khích mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Trước mắt, tiếp tục giao đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư còn lại từ diện tích đất Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 chuyển sang cho địa phương; giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là vùng khó khăn ở các thôn 3, 4 và 5. Thêm vào đó, lập quy hoạch chi tiết về giao đất giao rừng, khuyến khích nhân dân trồng và bảo vệ rừng phòng hộ. “Lấy kinh tế nông - lâm làm trọng tâm phát triển, chính quyền sẽ kêu gọi, vận động người dân chuyển đổi nhiều mô hình kinh tế theo hướng hiệu quả và nâng cao giá trị kinh tế. Việc phải làm đầu tiên là nhân rộng ngân hàng bò giống, nuôi cá nước ngọt lồng bè, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất vụ hè thu…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU