Đất, người Phong Ngũ

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT 08/03/2015 08:27

1. Theo các tài liệu còn lưu lại thì thôn Phong Ngũ, nay thuộc xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn được hình thành từ khá lâu, cách nay cũng gần 500 năm. Danh xưng đầu tiên của Phong Ngũ là Phong Niên. Cũng như nhiều làng xã khác, tên làng sau đó được đổi đi đổi lại nhiều lần, từ Phong Niên đổi sang Ngũ Giáp. Cuối thế kỷ XVIII, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn chép Ngũ Giáp và Lục Giáp là tên của hai thôn thuộc xã Châu Phong. Đến đời vua Bảo Đại năm 1937, thôn Ngũ Giáp được đổi sang thôn Phong Ngũ. Tiếp đến, Phong Ngũ được chia làm hai thôn là Phong Ngũ Tây và Phong Ngũ Đông. Dù chia tách nhưng nhân dân hai thôn vẫn xem mình cùng một làng, một thôn.  Phong Ngũ còn có tên nôm là Ngũ Giáp, Giáp Năm. Điều đáng chú ý là danh xưng Ngũ Giáp, Giáp Năm xuất hiện nhiều trong dòng văn học dân gian thông qua những câu ca dao, hò vè, mang nặng tình yêu đôi lứa “Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu/ Ngó lên đường cái thấy cầu Giáp Năm/ Bây chừ thiếp viếng chàng thăm/ Ở cho trọn nghĩa cắn tăm nằm chờ”. Hay “Ai về Ngũ Giáp, cho mình ráp một đôi/ Đi qua quán Thoại quán Tôi/ Ăn mì chung một bát đũa chia đôi mới về”. Qua đó, có thể thấy danh xưng dân dã Giáp Năm, Ngũ Giáp đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân địa phương. Và, ở Phong Ngũ, không chỉ có những câu ca dao, hò vè mà còn có di tích lịch sử đình làng Phong Ngũ, có Âm linh tự, có chùa Châu Phong với nhiều câu chuyện kể khá thú vị.

Đình làng Phong Ngũ.Ảnh: P.H.Đ.ĐẠT
Đình làng Phong Ngũ.Ảnh: P.H.Đ.ĐẠT

2. Làng Phong Ngũ có nhà khoa bảng đầu tiên là cử nhân Hà Đức Ý, sinh năm Tân Mão 1837. Sinh ra trong một gia đình có cha xuất thân nho học, lại hành nghề thầy thuốc, từ nhỏ, ông Hà Đức Ý tỏ ra sáng dạ, học đâu nhớ đó. Nhờ vậy, ở khoa thi năm Đinh Mão 1867, đời vua Tự Đức thứ 20, ông đỗ cử nhân ở trường thi Thừa Thiên. Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi: “Hà Đức Ý, người xã Châu Phong, huyện Diên Phước. Làm quan tới chức Lang trung bộ Lại”. Ông đứng thứ 17 trong tổng số 32 thí sinh đỗ khoa thi năm ấy. Có thể nói, lúc bấy giờ tình hình đất nước rối ren. Thực dân Pháp đánh chiếm nhiều tỉnh ở miền Nam, bước đầu đặt nền bảo hộ. Và, cuộc đời làm quan của ông cũng không ít thăng trầm, trải qua các đời vua từ Tự Đức đến Kiến Phúc, Hàm Nghi với nhiều chức vụ khác nhau. Hàm lớn nhất của ông là Chánh ngũ phẩm, chức vụ cao nhất là Chưởng ấn Hình khoa kiêm Công khoa (một chức quan  nằm trong Đô sát viện, cơ quan giám sát trung ương của nhà Nguyễn). Năm 1886, ông cáo quan về nghỉ ở quê nhà và mất vào ngày 2 tháng 3 năm Đinh Hợi 1887, tức vào đời vua Đồng Khánh thứ 2. Có thể nói, dù đỗ đạt cao, làm quan trải qua nhiều đời vua, nhưng trong thời loạn lạc, ông Hà Đức Ý không để lại công nghiệp gì nhiều. Tuy nhiên, sự chăm học, học giỏi, đỗ đạt cao của ông trở thành tấm gương con cháu đời sau noi theo.

3. Làng Phong Ngũ còn có nhân vật khá nổi tiếng khác. Đó là ông Hà Đức Tân, sinh ngày 15.2 năm Canh Thân 1860, trong một gia đình nho học. Tuy học giỏi, tỏ ra thông minh hơn người nhưng ông không màng công danh mà ra sức luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ giúp nước. Năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, tiến sĩ Trần Văn Dư, phó bảng Nguyễn Duy Hiệu cùng cử nhân Phan Bá Phiến thành lập Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, Hà Đức Tân hăng hái tham gia nghĩa quân. Tháng 5.1886, ông được phái về quê nhà tiêu diệt bọn lính Pháp đang kéo đường dây thép trên tuyến đường thiên lý, tức quốc lộ 1 ngày nay, qua địa bàn Gò Phật, thôn Viêm Minh Tây. Bằng những thế võ dân tộc độc đáo, với vũ khí thô sơ, ông cùng nghĩa quân đã khống chế được hai tên  lính Pháp, bắt giải về căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc. Qua chiến công này, ông được phong làm Quản cơ. Từ đó, ông tích cực tuyển mộ thêm nghĩa quân, đánh nhiều trận làm kẻ thù khiếp sợ khi nhắc đến hai tiếng Quản Tân. Cuối cùng, khi đi làm nhiệm vụ ở thôn Thanh Quýt, ông bị chúng phục bắt, giam vào nhà giam tỉnh thành La Qua. Biết không thể dụ dỗ, mua chuộc được, kẻ thù hành hình ông tại Bến Thuế, thị trấn Vĩnh Điện, vào ngày 5.9 năm Bính Tuất 1886, để lại cho nhân dân làng Phong Ngũ nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung lòng tiếc thương vô hạn.

4. Nhưng nhân vật nổi tiếng nhất ở làng Phong Ngũ là cụ Đốc học Hà Đằng. Cụ sinh năm Bính Tý 1876 trong một gia đình nghèo. Cụ đỗ cử nhân khoa thi năm Quý Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 15, tức năm 1903, tại trường thi Thừa Thiên. Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục chép: “Hà Đằng, người xã Châu Phong huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam. Đậu năm 28 tuổi. Hiện làm giáo thụ Tuy An”. Giáo thụ chỉ là chức vụ khi mới đỗ đạt. Sau này, cụ được bổ nhiệm làm đốc học Quảng Nam, đốc học Thanh Hóa. Tháng Giêng năm Khải Định thứ 5, tức năm 1920, cụ xin nghỉ hưu, được thăng Thị giảng Học sĩ. Năm 1936, cụ Hà Đằng được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Sinh thời, cụ có nhiều cảm tình với cách mạng. Chuyện kể rằng cụ từng can thiệp với lý trưởng để đồng chí Trịnh Quang Xuân không phải ra ngủ ở xích hậu Ông Chạy, có tuần đinh canh gác. Chưa kể việc cụ chọn đọc bài diễn văn trước kỳ họp Viện Dân biểu Trung kỳ do những người cộng sản Quảng Nam soạn sẵn thay vì bài của hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Khôi. Và, trong quá trình đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng, cụ Hà Đằng hết lòng vì dân, đấu tranh cho dân, chống lại âm mưu biến Viện Dân biểu Trung kỳ thành công cụ tay sai của thực dân Pháp… Đáng chú ý nhất là năm 1938, cụ  Hà Đằng ủng hộ Phan Thanh đấu tranh chống lại dự luật tăng thuế của thực dân Pháp. Thông qua lý lẽ sắc bén, đanh thép, Phan Thanh hùng hồn bác bỏ tất cả chứng lý nhằm tăng thuế. Cuối cùng, việc Viện Dân biểu Trung kỳ bác dự luật này. Điều đó không chỉ là thắng lợi chung của phong trào đấu tranh của nhân dân lúc bấy giờ mà còn nhờ vào tài hùng biện của Phan Thanh và vai trò không nhỏ của cụ Hà Đằng.

Phan Khôi, một nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đương thời đã dành nhiều cảm tình lẫn sự kính phục với cụ Hà Đằng. Theo Phan Khôi: “Hà Đằng với Nguyễn Trác, thì hai ông cũng đồng là người có duyệt lịch, mà ông Nguyễn là duyệt lịch trong quan trường, còn ông Hà là duyệt lịch ngoài thảo dã, giữa đám dân sự. Xem đó biết ông Hà có cả đức lẫn tài, mà cái đức và tài ấy có thể làm được việc, chứ không phải chỉ để cho người ta ngắm” … Xem thế, đủ biết, không chỉ cụ Phan Khôi mà giới trí thức bấy giờ rất kính phục cái tâm và tầm, cũng như đức độ, tinh thần hết lòng vì dân vì nước của cụ Hà Đằng.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT