Thúc đẩy liên kết vùng
Qua 10 năm triển khai hoạt động liên kết, phát triển du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, bên cạnh những tồn tại hạn chế cần khắc phục thì hiệu quả trong việc quảng bá, xúc tiến kết nối với các thị trường du lịch khác vẫn là những thành công nổi bật nhất.
Du lịch biển sẽ là lợi thế thu hút khách Thái Lan từ Huế đến Quảng Nam. |
Hợp tác cùng có lợi
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam khẳng định, sau 10 năm liên kết du lịch 3 địa phương dù vẫn còn những hạn chế cần khắc phục nhưng nhìn chung lợi ích mang lại cho các bên rất rõ rệt. Nổi bật nhất chính là sự hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương dựa trên những lợi thế văn hóa, lịch sử, thiên nhiên mỗi tỉnh thành nhằm tạo sự đa dạng điểm đến cho khách khi tham quan Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Đặc biệt, quá trình hợp tác trong công tác xúc tiến quảng bá đã giúp mỗi địa phương tiết kiệm được nguồn kinh phí khá lớn cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động. “Trong 10 năm qua, về mặt hiệu quả thì rất cao ở chỗ là mỗi địa phương chỉ cần bỏ ra nguồn kinh phí bằng 1/3 để quảng bá xúc tiến. Điều này sẽ giúp công tác quảng bá xúc tiến được duy trì liên tục thường xuyên” - ông Cường phân tích. Ngoài ra, quá trình liên kết cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của 3 địa phương được chia sẻ nguồn khách và tiếp cận thị trường lẫn nhau thông qua việc đón tiếp các đoàn famtrip. “Rõ ràng du lịch là một ngành không biên giới, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên và các bên đều phải được hưởng lợi, từ nhà nước, người dân đến doanh nghiệp, kể cả khách du lịch” - ông Cường nhìn nhận.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch 3 địa phương năm 2015 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, hầu hết ý kiến đều khẳng định sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng là giải pháp quan trọng để giúp ngành du lịch 3 địa phương có khả năng phát triển và cạnh tranh bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng như hiện nay. Theo ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế, 10 năm qua, tất cả địa phương đều hết sức nỗ lực trong việc tạo ra các giải pháp để xây dựng một hình ảnh chung đó là miền Trung Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài ra, tính liên kết trong sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng được lãnh đạo 3 địa phương tập trung chỉ đạo và xem đây là một sự quản lý chung không có ranh giới. “Chúng ta đã hình thành được con đường di sản miền Trung, chúng ta đã thiết lập được một điểm đến chung và chúng ta có được một cơ hội đào tạo các nguồn lực trên địa bàn chung. Như vậy sẽ tạo sự thống nhất và chính mô hình này đã được Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch xác định là mô hình tiêu biểu và hiệu quả cho các địa phương khác nghiên cứu trong việc mang lại lợi ích cộng đồng cũng như tạo ra sự phát triển chất lượng cả về dịch vụ sản phẩm và nguồn lực lao động” - ông Dũng nói.
Kỳ vọng
Thực tế, những năm qua du lịch tại 3 địa phương luôn phát triển ổn định và bền vững, dù tại một số thời điểm thị trường khách gặp khó khăn như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính trị… tác động đến nhưng du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế vẫn giữ được sự phát triển ổn định. Riêng du lịch Quảng Nam suốt 10 năm qua tỷ lệ tăng trưởng năm luôn đạt hơn 10%, thu nhập tăng 22%, số lượng phòng tăng lên 21%; với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế tỷ lệ khách tăng càng cao hơn. Ông Phan Tiến Dũng cho rằng, làm tốt công tác phối hợp liên kết sẽ giúp tạo ra một điểm đến rộng lớn, nhất là thị trường khách quốc tế. Trong đó, Thừa Thiên Huế với vị trí điểm đầu sẽ tạo nên hệ thống liên hoàn trên con đường di sản miền Trung kết nối từ Quảng Nam đến Huế, Quảng Bình giúp quảng bá rộng rãi các giá trị di sản đến với du khách trong và ngoài nước, nhất là Thái Lan - trung tâm phân phối khách lớn đến miền Trung. Ông Dũng dẫn chứng: “Khách Thái Lan hàng năm đến Huế luôn chiếm tỷ lệ đứng đầu, thông qua liên kết sẽ giúp du khách dễ dàng đến Đà Nẵng và Quảng Nam vì người Thái rất quan tâm đến thị trường miền Trung do nơi đây có nhiều di sản văn hóa cũng như hệ thống chùa và sản phẩm biển, nên có thể nói việc liên kết sẽ làm cho lượng khách quốc tế đến miền Trung phát triển nhanh hơn”.
Cũng theo ông Dũng, ngoài lợi thế đường hàng không, năm 2015 dự kiến lượng khách đến Huế bằng đường biển cũng sẽ tăng gấp đôi sau khi cảng biển quốc tế Chân Mây được nâng cấp mở rộng, sẵn sàng đón các tàu trọng tải lớn. Đây sẽ là đầu mối để du khách nhanh chóng tới Đà Nẵng, Hội An. Bên cạnh đó, khi các hầm đèo như Phước Tượng, Phú Gia hoàn thành chắc chắn số lượng của khách quốc tế và nội địa đi lại giữa 2 khu vực Bắc Trung Bộ thông qua Huế và Nam Trung Bộ thông qua Đà Nẵng, Quảng Nam cũng sẽ tăng hơn (ước lượng trên 30%). “Về mặt phân tích là vậy, còn hiện tại hoạt động liên kết vẫn còn những hạn chế tồn tại cần khắc phục. Thứ nhất, địa hình khu vực bị chia cắt do có rất nhiều sông suối, đầm phá gây khó khăn ảnh hưởng đến sự tiếp cận của du khách đến một số sản phẩm đặc trưng. Thứ hai, các doanh nghiệp mạnh và lớn trong địa bàn 3 tỉnh chưa nhiều so với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Thứ ba, những điều kiện cho đầu tư sản phẩm của 3 địa phương còn chưa được đáp ứng, mức độ đầu tư cũng chưa lớn so với tỷ trọng của một số loại hình khác. Vì thế, thời gian tới 3 địa phương cần phải tăng tỷ trọng về đầu tư phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ, khi đó chúng ta mới có những sản phẩm du lịch tốt được” - ông Dũng thừa nhận.
VĨNH LỘC