Gieo hạt giống thi ca

SONG ANH 07/03/2015 09:33

Mỗi năm khi đêm trăng tròn tháng Giêng, những người gieo hạt giống thi ca lại mang tặng hoa nở từ những vuông sân đầy hạt…

Hoạt động viết thư pháp thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2015. Ảnh: SONG ANH
Hoạt động viết thư pháp thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2015. Ảnh: SONG ANH

Sân thơ xứ Quảng

Năm nay, hội thơ xứ Quảng nhộn nhịp hơn khi gọi về bao nhiêu tâm hồn yêu thơ từ trong lẫn ngoài tỉnh. Có những người về từ phương Nam, cũng có người từ những vùng núi cao trong tỉnh, có người đã trên 80 tuổi - cũng lặn lội xe đò từ Đà Nẵng vào. Sân Văn thánh Khổng miếu (Tam Kỳ) hôm 14 tháng Giêng trở thành không gian của thơ và nghệ thuật. Lần đầu tiên, những câu chữ đẹp, những cảm xúc tiếp truyền, lan tỏa qua nhiều người, ở nhiều ngành nghề. Thơ không có ranh giới là vậy! Ngày thơ Việt Nam năm nay, cũng là lần thứ ba, Thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá (Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh)trở về xứ Quảng diễn ngâm và nghe thơ. Vị sư thầy hiền từ chia sẻ: “Trở về không gian thơ của quê nhà với đời sống thơ ca của anh em xứ Quảng mới cảm nhận được hết ý nghĩa của thơ ca. Không khí thơ nơi này vẫn tươi nguyên như những ngày đầu. Thơ là một loại hình nghệ thuật không có ranh giới, vượt qua mọi tôn giáo để phục vụ đời sống tinh thần của người dân quê hương”.

Hội thơ Nguyên tiêu lần thứ 13 của Quảng Nam là một cuộc chơi thi ca đúng nghĩa, khi đưa thơ ca trở về với không gian truyền thống. Đọc thơ dưới mái  hiên. Thơ bày trên vuông sân đình. Thơ ca không cần phải ở một nơi thật hiện đại, to lớn. Nhiều khi chỉ cần một chiếu thơ, đủ làm nên cuộc chơi. Những người đến với ngày thơ tại Tam Kỳ đều nhìn nhận vậy. Không gian thân tình với những trao đổi xung quanh chuyện nghệ thuật, văn chương, cũng như những hình thái nghệ thuật bồi đắp cho ngày thơ thêm phần ý nghĩa. Ngoài diễn ngâm, năm nay Hội VHNT TP. Tam Kỳ phối hợp cùng Hội VHNT tỉnh tổ chức những chiếu thơ, mở các gian hàng triển lãm thư pháp thơ, tranh ảnh. Ông Phạm Thông - Chủ tịch Hội VHNT TP. Tam Kỳ, nơi đăng cai ngày hội thơ năm nay, cho biết: “Mong muốn tạo một không khí sáng tác và hưởng thụ văn hóa tới số đông người dân, cũng như anh em nghệ sĩ động viên nhau cùng tạo nên một sân chơi thơ đúng nghĩa, làm cuộc đời thêm thi vị, nghĩ vậy nên Ngày thơ năm nay chúng tôi hướng tới chủ đề “Thơ và cuộc sống”. Nhiều người ở hội thơ hôm ấy ấn tượng mãi với những tác phẩm viết về Mẹ - những người phụ nữ đẹp nhất cuộc đời. Tập thơ “Mẹ” do Hội VHNT Tam Kỳ phối hợp cùng chùa Lá xuất bản những ngày cuối năm 2014, như một món quà đẹp dành tặng những nhà thơ nữ nhân dịp 8.3 này.

Thơ nở hoa trong lòng người

Nhiều người nói làm thơ như một kiểu gieo trồng. Gieo hạt giống cảm xúc và nhận về những bông hoa tươi đẹp. Khi nhìn thấy những em nhỏ trong bộ trang phục áo dài khăn đóng truyền thống, say mê viết thư pháp, dù những nét chữ còn lắm ngô nghê, nhưng đã đủ tạo cảm xúc nơi người dự khán. Truyền lại tình yêu thơ đến lớp người trẻ, cũng như gieo một hạt giống tốt. Nghĩ vậy, nên nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ, đồng thời là Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ), chọn cách giáo dục nhân văn bằng thơ ca và nghệ thuật truyền thống. “Khi cuộc sống phát triển, những giá trị văn hóa cổ truyền sẽ ngày càng phai nhạt. Phục dựng nét sinh hoạt truyền thống của cha ông trong các giờ ngoại khóa, để các em học sinh biết quý trọng những giá trị này, và cư xử với nhau tốt đẹp hơn” - nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ nói. Đã 4 năm liền các em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng có một ngày thơ riêng của lứa tuổi mình, với những hoạt động thả thơ, viết thư pháp, vẽ tranh xuân, trò chơi dân gian đậm chất cổ truyền.

Không chỉ có vậy, thơ hôm nay còn là vũ khí để bảo vệ quê hương. Chẳng vậy mà, Hội VHNT Trung ương chọn chủ đề chính của ngày thơ lần thứ 13: “Hướng về biển đảo”. Những tác phẩm ca ngợi biển trời quê hương, tinh thần đấu tranh quật cường của các chiến sĩ hải quân… được chọn diễn ngâm trong ngày thơ. “Nếu Tổ quốc đang bão dông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến). Cất lên tiếng nói của cảm xúc bằng ngôn từ, và từ đây gieo vào số đông tình yêu quê hương, biển đảo, có lẽ là sứ mệnh của thơ ca. Dù đôi lần khá nhiều người nghi hoặc về sự phai nhạt của thơ ca trong thời đại ngày nay, nhưng dù thế nào đi nữa, thơ ca vẫn luôn có đời sống riêng, vẫn len lỏi tinh tế vào lòng mỗi người. Vì lẽ đó, những năm gần đây, ở các địa phương, những CLB thơ xuất hiện, làm nơi san sẻ tâm tình và chia sớt những vần thơ đẹp. CLB thơ Hoài phố (Hội An), CLB thơ Biển Rạng (Núi Thành), CLB thơ Sông Tranh (Hiệp Đức), CLB thơ Hương Cau (Thăng Bình)… đều trở thành những nơi chốn lui tới cho những tâm hồn yêu thơ. Năm nay, lần đầu tiên 10 CLB thơ ca trên cả tỉnh gặp nhau ở những chòi thơ, chiếu thơ tại Văn thánh Khổng miếu (Tam Kỳ) để cùng sống trong không gian của thi ca.

Mỗi năm, ngày hội Nguyên tiêu càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Nhưng không vì thế mà tình thơ càng nhạt. Thơ vẫn rải tràn cùng cảm xúc của người, vẫn vọng lại những vĩ thanh da diết…

SONG ANH

SONG ANH