Bình đẳng giới trong việc làm
Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, song tình trạng phân biệt giới trong lao động và việc làm vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động và việc làm, đóng góp rất lớn cho sự phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh trong kinh tế toàn cầu. Điều này còn có ý nghĩa tích cực trong việc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ tham gia công việc quản lý kinh doanh rất hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là cho các lao động nữ, khẳng định được vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động. (Ảnh: ADB) |
Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới tham gia giữ vị trí quản lý trên toàn cầu tăng lên qua từng năm. Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra vào tháng 1.2015 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ ở vị trí “lãnh đạo, quản lý và quản trị” tăng 0,5% đến mức 24,4% năm 2013 so với năm 2012 và tăng 0,6% từ năm 2011 đến năm 2012. Mặc dù tỷ lệ này được cải thiện đáng kể nhưng tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo cao nhất (hiện chỉ ở mức 5% so với nam giới). Và cho đến nay, không một quốc gia nào có thể tuyên bố đã đạt được bình đẳng giữa nam và nữ.
Bất bình đẳng giới trong lao động và việc làm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà các chuyên gia của ILO, của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm, phân biệt giới, như áp đặt công việc nào dành cho nam giới, công việc nào dành cho nữ giới. Nelien Haspels, chuyên gia cao cấp về giới và các vấn đề lao động nữ của Văn phòng tiểu khu vực Đông Á của ILO nói, nam giới được cho là người quản lý tốt còn phụ nữ chỉ liên quan đến các công việc chăm sóc do chân yếu tay mềm. Đó là quan niệm sai lầm khi phụ nữ trên thực tế vẫn tham gia quản lý rất tốt và thành công không kém nam giới.
Những quan niệm rập khuôn về phân biệt giới khiến nhiều lao động nữ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc có việc với mức lương thấp hơn nhiều so với lao động là nam giới, không có nhiều cơ hội để thăng tiến. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn ưu tiên tuyển dụng lao động nam giới bởi họ cho rằng phụ nữ làm việc không hiệu quả bằng khi công việc và vấn đề ở gia đình chi phối thời gian của họ. Những định kiến thiếu khoa học trên tác động rất lớn trong vấn đề tìm việc ổn định và bền vững của nhiều lao động nữ.
ILO và ADB khẳng định, tình trạng phân biệt đối xử trên là rào cản lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia nói riêng và cho toàn cầu nói chung, khoét thêm hố sâu ngăn cách bất bình đẳng về giới. Việc cải thiện vấn đề bất bình đẳng hay tạo ra sự bình đẳng giới trong việc làm đòi hỏi các chính phủ thiết lập những quy định luật pháp, chính sách kinh tế và xã hội. Nhưng trước tiên phải xuất phát từ trong lĩnh vực giáo dục.
QUỐC HƯNG