Người phụ nữ vượt khó
Năm 2007, chồng mất, để lại cho chị một nách 3 đứa con, nhà lại thuộc hộ nghèo nhất khối. Khó khăn chồng chất, nhưng chị đã một mình lèo lái để đến nay, trang trại của chị ngày càng được mở rộng, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Chị là Trần Thị Phượng (khối 2A, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn). Chúng tôi gặp chị khi vừa cho hơn 100 con heo ăn xong. Chị cười bảo: “Trang trại này được đầu tư xây mới hơn 235 triệu đồng, hiện tại thả 20 con heo nái giống ngoại và gần 100 con heo thịt. Cả nhà cũng trông vào đấy cả chú ạ !”. Cuộc đời chị là những chuỗi ngày khó khăn chồng chất, chị kể, khi chồng vừa mất để lại 3 đứa con thơ. Gia đình lúc đó quá túng quẫn, cái ăn thiếu trước hụt sau, con cái lại đang tuổi ăn tuổi lớn. “Nhiều lúc muốn buông xuôi, để mặc cho đến đâu thì đến. Nhưng nhìn những đứa con đang lớn phải chịu cảnh thiệt thòi, thiếu thốn, giờ mình mà buông xuôi thì có lỗi với chúng nó, với người chồng đã khuất. Vậy là quyết tâm làm, bất cứ việc gì cũng làm hết, miễn nuôi được chúng nó thành người…”- chị Phượng nói.
Trại nuôi heo nái giống ngoại của chị Phượng. Ảnh:TUỆ LÂM |
Sau thời gian tìm hiểu học hỏi kiến thức, kỹ thuật, năm 2009 chị mạnh dạn vay vốn từ Hội LHPN thị trấn Khâm Đức 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn đó, chị dần phát triển đàn heo của mình, từng bước gầy dựng trang trại. “Chị Phượng là người biết cách để phát triển chăn nuôi một cách tốt nhất. Ngoài việc chăn nuôi heo, chị còn nấu rượu để tận dụng bã rượu cho heo ăn. Vừa có tiền lãi từ việc nấu rượu, lại có thức ăn cho heo nhanh lớn, chắc, nạc. Thêm vào đó, trước đây chồng chị làm thú y, nên những kiến thức chị có được rất hữu ích cho việc nuôi heo. Hiện tại, chị đã hoàn thành khóa đào tạo thú y để giúp cho nông trại của mình và những hộ nuôi heo trong thị trấn…” - chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Khâm Đức cho biết.
Lấy ngắn nuôi dài, chị Phượng dần phát triển đàn heo của mình thành một trang trại lớn với hệ thống chuồng trại sạch sẽ, khoa học. Bên cạnh đó, chị còn xây dựng một nhà máy chuyên xay xát gạo vừa để phục vụ chăn nuôi trang trại vừa giúp bà con có nhu cầu. Thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng từ việc chăn nuôi đã giúp gia đình chị có cuộc sống đầy đủ hơn, con cái cũng đã trưởng thành, giúp đỡ chị nhiều trong chăn nuôi. “Trước đây, cũng nhờ có chị em trong Hội LHPN động viên, đùm bọc giúp đỡ tôi trong cơn hoạn nạn. Từ đó tôi mới mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, nên giờ đây có ai khó khăn, cần hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăn nuôi hay kiến thức cơ bản về thú y tôi đều sẵn sàng giúp đỡ. Mình là người có thâm niên trong chăn nuôi nên có kinh nghiệm rất nhiều trong cách chăm sóc chúng…”- chị Phượng chia sẻ.
“Trong năm vừa qua, những gia đình nghèo, khó khăn đều được chị Phượng giúp đỡ để đón tết sum vầy hơn. Tùy theo hoàn cảnh, chị Phượng giúp từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hoàn cảnh để họ bớt phần khó khăn. Đó là nghĩa cử rất đẹp khiến chúng tôi rất cảm phục”- chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Khâm Đức cho biết.
Ngoài công việc thú y phụ trách cho toàn thị trấn Khâm Đức, chị Phượng còn là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Với những kinh nghiệm từ bản thân, chị vận động những chị em trong chi hội mạnh dạn vay vốn để thoát nghèo vươn lên làm giàu. Chị vừa là người tư vấn, vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống để giúp cho chị em có được sự an toàn cao nhất sau khi vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay nguồn vốn được ủy thác của Ngân hàng CSXH đã được chị em tận dụng tối đa để vay vốn phát triển kinh tế. “Khác với trước đây, nhiều chị em không biết vay vốn để làm cái gì, từ đó phát sinh tâm lý sợ vay, bởi không biết làm gì để trả. Cũng nhờ có những người như chị Phượng mà chị em dần hiểu được bản chất của vấn đề rồi mạnh dạn vay vốn để làm ăn, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Cũng theo bà Hiệp, sắp tới Hội LHPN huyện sẽ tổ chức những buổi tọa đàm “Tôi nói cho hội viên nghe” để những người như chị Trần Thị Phượng trực tiếp nói với những hội viên khác, chia sẻ những kinh nghiệm của mình để chị em học tập làm theo. “Khi chính những hội viên nói với nhau thì sức truyền đạt cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi muốn những người thành đạt từ nguồn vốn vay như chị Phượng trực tiếp nói với chị em để tăng thêm hiệu quả…”- bà Hiệp cho biết.
TUỆ LÂM