Bảy phụ nữ làm thay đổi thế giới

KIM OANH 04/03/2015 10:26

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay (8.3), trang CNN (Mỹ) đăng tải chân dung 7 phụ nữ được cho là đã góp phần làm thay đổi thế giới.

1.Harriet Elizabeth Beecher Stowe (1811 - 1896), nhà văn Mỹ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của thế kỷ 19 - “Túp lều bác Tom” (Uncle Tom’s Cabin). Tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1852, mô tả sự độc ác, tàn bạo của chế độ nô lệ, đồng thời khẳng định tình yêu thương có thể vượt qua mọi thứ để chiến thắng, lật đổ sự nô dịch hóa trong xã hội loài người. Năm 1862, Tổng thống Mỹ Lincoln gặp bà và chào bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.

2.Emmeline Pankhurst (1858 - 1928), nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ ở Anh. Năm 1999, báo Time vinh danh Pankhurst là một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ 20, rằng: “Bà đã uốn nắn tư tưởng cho phụ nữ trong thời đại của chúng ta, bà đã chuyển đổi xã hội vào một mô hình mới mà từ đó không thể nào lui trở lại”. Tại phiên tòa năm 1908, bà Pankhurst nói: “Chúng tôi ở đây, không phải để phá luật, mà chúng tôi đang ở đây để nỗ lực trở thành những nhà lập pháp”. Tiếc là bà qua đời 3 tuần trước khi luật cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu như nam giới ra đời.

3.Anne Frank, cô bé người Đức gốc Do Thái, là tác giả của cuốn nhật ký nổi tiếng về chiến tranh -  Nhật ký Anne Frank. Từ tiếng Hà Lan, cuốn nhật ký hiện được dịch sang 67 ngôn ngữ. Nhiều bộ phim, vở kịch được dựng dựa theo tác phẩm này. Tháng 3.2015 là kỷ niệm tròn 70 năm Anne qua đời trong trại tập trung Bergen-Belsen (Đức). Khi đó, cô vừa tròn 16 tuổi.

Nhật ký Anna Frank - một trong những tác phẩm được tìm đọc nhất thế giới. (ảnh: Galleryhip)
Nhật ký Anna Frank - một trong những tác phẩm được tìm đọc nhất thế giới. (ảnh: Galleryhip)

4.Simone de Beauvoir, nhà tâm lý học người Pháp (1908 - 1986) là tác giả nổi tiếng của cuốn sách “The Second Sex” (Giới tính thứ hai). Tác phẩm đã chi phối cả một thế hệ nữ giới thời đó thông qua tư tưởng rằng nét nữ tính của một người phụ nữ bị áp đặt bởi một nền văn minh lấy nam giới làm gốc và cho tới nay, nó vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến các phong trào của phụ nữ trên khắp thế giới.

5.Rosalind Franklin (1920 - 1959), người Anh, nhà lý sinh học và tinh thể học tia X có những đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử của ADN, thông tin di truyền được truyền từ cha mẹ sang con. Chính nhờ những dữ liệu chưa được công bố của bà đã giúp ba nhà khoa học James Watson, Maurice Wilkins và Francis Crick thành công trong việc phân tích cấu trúc DNA và họ đoạt giải thưởng Nobel năm 1962.

6.Billie Jean King (năm nay 72 tuổi), là huyền thoại người Mỹ hay tượng đài trong làng quần vợt nữ thế giới, từng 39 lần thắng giải danh hiệu Grand Slam trong đó có 12 chức vô địch đơn nữ, 16 chức vô địch đôi nữ và 11 lần đăng quang khi đánh đôi nam nữ phối hợp. Những câu chuyện về bà dường như đã trở thành lịch sử.

7.Wangari Maathai (1940 - 2011) được mệnh danh là “Người đàn bà xanh”, từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2004. Bà đã phát động tổ chức “Phong trào vành đai xanh”, trồng được 30 triệu cây giúp chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn việc biến đất thành sa mạc ở châu Phi. Hơn 300 nghìn phụ nữ nông thôn ở đất nước Kenya của bà đã tham gia phong trào trên.

KIM OANH

KIM OANH