Đổi thay trên đất anh hùng

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/03/2015 09:56

Thăng Bình là mảnh đất kiên trung bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Sau ngày quê hương giải phóng, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh, cán bộ và nhân dân Thăng Bình đã chung tay góp sức xây dựng quê hương, tạo nên những đổi thay to lớn trên đất anh hùng.

Kiện toàn hạ tầng

Sau ngày quê hương giải phóng (26.3.1975), huyện Thăng Bình có hơn 2/3 diện tích đất hoang hóa, bom mìn đầy rẫy, làng mạc bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương. Toàn huyện khai hoang phục hóa, tháo gỡ được 275.600 quả bom mìn, san lấp hàng vạn hố bom để mở rộng diện tích sản xuất. Để phát triển nông nghiệp, Thăng Bình tập trung ra quân làm thủy lợi. Đã có trên 30 vạn ngày công của nhân dân tham gia xây dựng hồ chứa nước Cao Ngạn (xã Bình Lãnh), Phước Hà (Bình Phú), khai thông sông Bà Rén, ngăn sông Trường Giang, tham gia đại công trình thủy nông Phú Ninh và nhiều đập chứa nước lớn nhỏ nhằm chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Ngày 2.9.1978, công trình hồ chứa nước Cao Ngạn được hoàn thành, phục vụ nước tưới cho hơn 316ha đất canh tác lúa 2 vụ. Ngày 15.9.1978, hồ chứa nước Phước Hà  cũng được xây dựng xong và đưa vào sử dụng, cung cấp nước tưới cho hơn 733ha ruộng canh tác lúa 2 vụ. Như vậy, vấn đề cốt tử đối với sản xuất nông nghiệp của một huyện có hơn 90% hộ dân sống bằng nông nghiệp đã bước đầu được giải quyết.

Công nghiệp may mặc phát triển mạnh ở Thăng Bình.
Công nghiệp may mặc phát triển mạnh ở Thăng Bình.

Ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, thành tựu nổi bật của huyện trong 40 năm qua là hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ đã tạo thế và lực cho sản xuất phát triển. Huyện chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư cho những địa bàn vùng khó khăn, giao thông bức xúc. Huyện cũng đã tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực, cộng với phát huy nội lực để đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng hồ, đập thủy lợi, xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, kiên cố hóa trường học, trạm y tế, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, trụ sở làm việc, nhà sinh hoạt văn hóa thôn và nhiều công trình khác được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển nông nghiệp

Trong những năm trước đổi mới, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp với ưu tiên tăng sản lượng lương thực, thực phẩm. Sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực nông nghiệp được thể hiện ở chỗ từng bước đổi mới về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, chế độ khoán sản phẩm, chế độ phân phối bảo đảm lợi ích của người lao động. Đó là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Với quyết tâm cao của toàn huyện, năng suất lúa và tổng sản lượng lương thực liên tục tăng nhanh, từ 25 nghìn tấn năm 1976 lên 54 nghìn tấn năm 1985. Năng suất bình quân tăng từ 17 tạ/ha lên 26 tạ/ha. Từ đó, bình quân lương thực đầu người ở năm 1985 đạt 403kg/năm. Ngành chăn nuôi được khôi phục và bước đầu phát triển khá với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 100 nghìn con, trong đó có trên 100 con bò lai. Dù sản xuất với phương tiện thô sơ nhưng bà con ngư dân đã đánh bắt được 2 nghìn tấn hải sản trong năm 1985.

Nông nghiệp của huyện đạt được nhiều thành tựu.                                     Ảnh: Quang Việt
Nông nghiệp của huyện đạt được nhiều thành tựu. Ảnh: Quang Việt

Một trong những dấu ấn lớn về sản xuất nông nghiệp trong những năm đổi mới của Thăng Bình là khoán đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn. Đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng, tác động sâu sắc đến sự phát triển của huyện. Trong 15 năm đổi mới (1986 - 2000), sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp có những bước tiến đáng kể. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại… bước đầu được triển khai. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho những kết quả bước đầu rất khả quan. Người nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại hiệu quả trong thực tế. Công tác chăm sóc, trồng mới, quản lý bảo vệ rừng được quan tâm. Năng lực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng cả về số lượng, diện tích, sản lượng và giá trị. Qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay nông nghiệp Thăng Bình đã cơ bản chuyển sang sản xuất hàng hóa, phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá. Người nông dân đã biết làm giàu với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Tiêu biểu là một số mô hình trồng rau sạch ở Bình Triều; chăn nuôi trang trại gà, vịt, heo siêu nạc, bò lai tập trung ở các xã Bình Lãnh, Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Quý. Mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng tập trung được triển khai ở nhiều xã trong huyện.

Chuyển biến mạnh mẽ

Với những nỗ lực phấn đấu, huyện Thăng Bình vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996. Nhân dân và cán bộ huyện Thăng Bình được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014 và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các cấp. Đến nay, toàn huyện có 18 tập thể và 23 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  Thăng Bình có 10.898 liệt sĩ, 1.485 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.600 thương, bệnh binh và 5.600 gia đình có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, từ nền tảng phát triển nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII - 2005 đã xác định phương hướng phát triển của huyện là từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đây là hướng đi đúng vì phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế của Thăng Bình. Đơn cử là công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2000, toàn huyện chưa có cụm công nghiệp nào thì đến nay toàn huyện đã quy hoạch 10 cụm công nghiệp với 257ha, trong đó có 4 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết, thu hút được 17 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 4 nghìn lao động địa phương. Công nghiệp phát triển mạnh ở các ngành may mặc, chế biến nông - lâm - thủy sản và khai khoáng đã tạo ra sản phẩm hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới. Giá trị sản xuất công nghiệp của huyện vào thời điểm này ước đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 29 lần so với năm 2000.

Hoạt động dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Nổi bật nhất là các ngành ngân hàng, vận tải, viễn thông, vật liệu xây dựng... Giá trị kinh tế dịch vụ năm 2014 đạt 1.212 tỷ đồng, chiếm 42,3% trong cơ cấu chung của toàn bộ nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp - dịch vụ đã tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách huyện. Đến năm 2015 tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn ước đạt 115 tỷ đồng, tăng hơn gấp 10 lần so với năm 2000. Ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói: “Nhìn lại chặng đường phát triển 40 năm qua, đặc biệt sau gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, diện mạo quê hương ngày càng đổi mới. Từ điểm xuất phát thấp, là huyện thuần nông, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Thăng Bình ngày nay đã đổi mới và phát triển nhiều mặt. Văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo đạt những kết quả tích cực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được đổi mới, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có nhiều hoạt động hiệu quả”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT