Chuyện trên đường đi...
Thương nhớ Hội An sau 3 lần tác nghiệp ở đây đã khiến cho Jan Hein de Rooij - nghệ sĩ nhiếp ảnh người Hà Lan trở lại nơi này đương lúc xuân về, tết đến. Câu chuyện trên đường du xuân của chúng tôi đọng lại với Jan Hein một nỗi buồn nào đấy...
Vợ chồng Jan Hein de Rooij và Mieke de Rooij chụp ảnh tại Chùa Cầu. Ảnh: QUANG VIỆT |
Cỏ cũng như người
Hai chúng tôi, có thêm vợ của Jan Hein de Rooij là chị Mieke de Rooij và người phiên dịch tên Hùng đã đến nhiều điểm tham quan của thành phố. Ở đó, tôi đã thay Hùng làm một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Có thể nhờ vậy mà câu chuyện đã diễn ra không đơn điệu như một… kịch bản tham quan cứng nhắc nào. Đến Chùa Cầu, Jan Hein de Rooij hỏi tôi: tại sao người Nhật lại xây cây cầu ở Hội An. Tôi trả lời Jan Hein rằng, người Việt chúng tôi quan niệm rằng, mọi việc đều được tác thành bằng chữ duyên mà lý giải về chữ duyên này có hằng hà sa số luận điểm triết lý. Cũng như mùa xuân đã cho bạn và tôi cái duyên để cùng nhau đi tham quan vậy.
Tôi kể cho Jan Hein truyền thuyết về lai lịch của cây cầu rằng, cộng đồng người Việt, người Nhật và cả người Trung Hoa sinh sống ở đây có một điểm nhìn chung về nguyên nhân gây ra tai biến. Đó là, ở ngoài biển xa có một loài thủy quái, người Việt gọi là Cù, người Nhật đặt tên là Mamazu còn người Hoa thì gọi là Câu Long. Đầu của con vật này ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe nước ở chân cầu này. Mỗi khi con thủy quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất mà Hội An cũng không được yên ổn. Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã xây cầu và thờ các thần Khỉ và các thần Chó như bạn thấy nơi 2 đầu cầu để khống chế con thủy quái đó. Người Hoa ở Hội An đã lập thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu để thờ thần Bắc Đế, cũng nhằm khống chế con Câu Long. Jan Hein thấy ngạc nhiên khi hình dung ngôi chùa tựa như thanh kiếm khiến con quái vật không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất được nữa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh này càng ngạc nhiên hơn khi biết trong quá trình xây cầu, xây chùa và nhiều lần trùng tu sau này, không lúc nào người Việt đứng ngoài cuộc. Qua đời sống cộng đồng, quá trình tiếp biến văn hóa của 3 dân tộc đã diễn ra sâu sắc và hiện rõ trong nếp sống hiện đại ngày nay.
Đến khắp các hội quán, chùa chiền và nhà cổ, Jan Hein rất tâm đắc với các lối kiến trúc quyện hòa những đặc sắc văn hóa của người Việt, người Nhật và người Hoa. Điều khiến cho người nghệ sĩ nhiếp ảnh quyến luyến nhất có lẽ là những lối cỏ hằn nguyên trên nóc những ngôi nhà của phố. Tôi giải thích với Jan Hein rằng, ngói âm dương trên những nóc phố Hội An được nối với nhau nhờ vữa hồ và mật mía. Mật mía mềm, tiết ra chất chua và đây là nguồn thức ăn không bao giờ vơi cạn của cỏ, cây và cả rêu xanh. Bây giờ xuân đương thì nên cỏ cũng vươn lên, thẳng tắp và ra hoa. Đến mùa hè, các mái phố của Hội An sẽ chuyển sang màu thâm bởi cỏ, cây đã không còn nữa. Cỏ cây mất đi nhưng những hạt mầm ẩn sâu vào trong các nếp ngói sẽ có dịp vươn lên khi mùa mưa đến. Jan Hein bảo với tôi rằng, đời cỏ cũng in hệt đời người à? Mỗi mùa đi qua và đều đặn trở lại đã tô riêng sắc màu của phố vậy ư? Tôi bảo với Jan Hein, mỗi mùa này đi qua thì mỗi mùa khác lại đến, tuần tự như vậy còn cuộc đời của mỗi người thì chỉ có một. Vậy nên, người dân Hội An ý thức rất rõ về nỗi hạn hữu của đời người. Họ sống trọn vẹn với từng khoảnh khoắc nên bao giờ cũng nâng niu, gìn giữ những gì quanh họ. Nhờ vậy dù có trải qua bao biến thiên của thời gian, Hội An vẫn trường tồn.
Thăng trầm như… mộc
Jan Hein chia sẻ, do đặc thù của công việc nhiếp ảnh, anh đã đến Hội An để chụp ảnh 3 lần, cả ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Lần nào cũng vậy, cứ vừa chợp mắt sau chuyến đi là giật mình, cứ như là đang đánh mất một gắn bó. “Tôi đi nhiều nơi, mỗi nơi đều có những quyến rũ riêng biệt, dĩ nhiên. Hội An để thương, để nhớ trong tôi hình như là từ tâm hồn của phố vậy. Tôi yêu vẻ đẹp tự nhiên, tự tại. Mọi việc ở đây dường như không có sắp đặt, không có sự can thiệp của con người. Mỗi cấu kiện kiến trúc được tạo tác cũng vậy, liền mạch, không thấy sắp đặt sẵn” - Jan Hein nói. Lúc ở Chùa Ông, tôi đã giải thích với Jan Hein về nghệ thuật kiến trúc độc đáo đan xen giữa vùng Quảng Đông (Trung Quốc) với truyền thống địa phương nhưng không khiến anh hài lòng. Vậy là, chúng tôi qua sông, để người nghệ sĩ nhiếp ảnh trực tiếp diện kiến cả các sản phẩm mộc lẫn những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, TP.Hội An).
Rất nhiều kiến trúc nhà cổ, chùa chiền, hội quán, công trình ở khu phố cổ Hội An in dấu bàn tay của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng. Những kiến trúc này bắt mắt, đặc sắc bởi nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa. Các sản phẩm tàu thuyền, đồ mộc dân dụng được chế tác từ đây cũng thu hút sự thán phục của những ai từng thưởng lãm. Những nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng vẫn còn rất tự hào khi nhớ lại những bậc tiền nhân đã từng được các vị vua triều đình nhà Nguyễn vời ra kinh đô để xây dựng các công trình. Dĩ vãng thì vậy còn hình dạng của làng nghề này ra sao trong mắt của một người yêu Hội An? Nghệ nhân của làng mộc đã để lại những ấn tượng gì trong mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh? Tôi đưa Jan Hein đến cơ sở mộc của nghệ nhân Huỳnh Sướng - người đã được tưởng thưởng bởi nhiều dấu ấn điêu khắc gỗ. Nhìn những đôi tay mềm mại “lia” từng nét đục đẽo tròn trịa lên thân gỗ, Jan Hein liên tục trầm trồ thán phục. Anh bảo: “Tôi không biết trước đây những nghệ nhân của làng mộc này tài hoa đến thế nào nhưng tôi tin vào sự hội tụ của tinh hoa. Những nghệ nhân và cả thợ mộc này đã mang hình ảnh của tiền nhân họ, sắc nét trong từng phóng tác, bền bỉ trong từng điêu khắc gỗ”.
Vui như đang tìm được một niềm đồng điệu từ tâm thức vậy mà nét mặt của Jan Hein bỗng chốc rười rượi. Anh buồn khi nghe tôi kể về chuyện đào tạo để tiếp nối nghề mộc ở Kim Bồng. Trước đây, được sự tài trợ của bạn bè quốc tế cộng với nguồn vốn tự huy động, TP.Hội An đã quy tụ được nhiều thanh, thiếu niên tâm huyết với các giá trị của tiền nhân và mời các bậc nghệ nhân truyền nghề. Các khóa học được tổ chức bài bản, đào tạo được vài thế hệ tiếp nối. Niềm vui chẳng tày gang, thế hệ tiếp nối không thể trụ lại được với nghề, vì sản phẩm không có đầu ra. Đáng buồn hơn, các cơ sở bán hàng lưu niệm của làng mộc Kim Bồng không bán được sản phẩm dù cho du khách... muốn mua. Chuyện khó tin là nếu bán sản phẩm, chủ cơ sở phải trích lại một phần hoa hồng cho người dẫn khách tham quan. Lý do rất buồn cười là vì họ đã giới thiệu sản phẩm mà quên rằng lẽ ra chính họ phải mua vé của làng nghề để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Chính quyền xã cũng như TP.Hội An quảng bá sản phẩm qua nhiều lễ hội, hội chợ nhưng sức hút của sản phẩm làng mộc không vì thế mà tăng lên.
Làng nghề èo uột đồng nghĩa với niềm tiếc nuối về một thời hưng thịnh ngày một lớn hơn. Tôi kể với Jan Hein về nghề đóng tàu, cũng là một sản phẩm đặc sắc của làng nghề này trong dĩ vãng. Nhiều nguồn tư liệu đã khẳng định, đóng tàu tại Kim Bồng đã thành nghề từ thế kỷ XVIII. Một số trát văn thời Quang Trung đang được lưu giữ tại TP.Hội An cũng cho thấy nhiều nội dung liên quan việc điều các thợ đóng tàu tại đây đã được điều đi tu bổ, đóng mới các tàu chiến, thuyền chiến cho quân đội. Vậy mà nay, làng nghề càng hiu hắt. “Cái gì cũng có giá. Làng mộc Kim Bồng đã khẳng định được giá trị đích thực. Vậy mà không đứng vững được trước “làn gió” mới của nền kinh tế thị trường thì tiếc quá” - Jan Hein ngậm ngùi.
NGUYỄN QUANG VIỆT