Bình Sơn, tháp đất nung nghìn tuổi

PHAN CHÍ ANH 28/02/2015 07:57

Nằm ở thị trấn sơn cước Tam Sơn (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), cách Hà Nội hơn 120km, đường đi còn nhiều khó khăn và lại không nằm trong tuyến du lịch cố định nào, nhưng lâu nay tháp cổ Bình Sơn (còn gọi là tháp Then, tháp Vĩnh Khánh) vẫn luôn có rất nhiều người tìm đến. Theo sư thầy Thích Bửu Đạo, trụ trì chùa Vĩnh Khánh - nơi tòa tháp tọa lạc, người ta tìm đến nơi đây trước hết vì đây là tòa tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý - Trần và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.

Ngoài phần chân đế, tháp cổ Bình Sơn có 11 tầng tháp với tổng chiều cao 16,5m. Theo kết quả thống kê phân loại của Sở VH-TT tỉnh Vĩnh Phú (cũ) khi tiến hành trùng tu vào năm 1972, tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung. Gạch ở đây đều có mộng chốt (còn gọi là gạch khẩu, gạch mấu) được gắn vào nhau và được nung ở nhiệt độ cao để đảm bảo khả năng chịu lực lớn. Tháp có 4 cạnh, các tầng càng lên cao càng nhỏ dần: cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m và cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m. Tương truyền, tháp Bình Sơn nguyên thủy có 15 tầng, trên nóc tháp được tạo hình một búp hoa sen chưa nở bằng đất nung; mỗi tầng tháp có 4 cửa vòm ở 4 mặt được đặt các pho tượng Phật đang tọa thiền, chung quanh được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, các chi tiết hoa văn trang trí trên thân tháp đến nay vẫn còn rất sắc sảo. Trong đó, hoa văn phổ biến nhất là hoa cúc, cánh sen, lá đề; tiếp đó là các loại hoa văn như hoa mặt nhẵn, hoa chanh, rồng chạm nổi, sư tử hí cầu,...

Tháp cổ Bình Sơn trong sân chùa Vĩnh Khánh.
Tháp cổ Bình Sơn trong sân chùa Vĩnh Khánh.

Theo sư thầy Thích Bửu Đạo, Vĩnh Khánh là nơi từng giam giữ tù binh người Chăm (?) và, với kỹ thuật xây dựng bằng gạch khẩu chịu lực, cộng với một số hoa văn mang đặc trưng kiến trúc Chăm, rất có thể tháp Bình Sơn được xây dựng với sự tham gia của các nghệ nhân Chămpa. Còn theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, đến thăm tháp Bình Sơn, ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trên thân tháp này được trang trí nhiều hoa văn gần như đồng dạng với hoa văn trên các tháp Chăm (lá đề, cánh sen, hoa cúc), song rất khó để có thể nói về sự can dự của bàn tay nghệ nhân Chăm ở đây. “Đây là một điểm trùng hợp thú vị và đặc biệt, cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra một giả thiết về mối liên hệ của chúng...” - ông Hỷ nói.

Bên cạnh sự độc đáo về mặt kiến trúc, tháp cổ Bình Sơn còn mang nhiều truyền thuyết gây tò mò cho du khách. Về xuất xứ tòa tháp, có truyền thuyết cho rằng nó vốn được dựng trong vườn tháp giữa một cánh đồng ở xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), sau một đêm mưa bão bất thường thì “nhảy” về nằm ở vị trí hiện nay. Còn chiếc giếng cổ nằm gần tòa tháp hiện tại, cũng theo truyền thuyết, là dấu tích còn lại của một tòa tháp khác đã “bay lên trời” trong một đêm mưa gió. Chưa hết, tòa tháp hiện tại còn được xem là nơi hóa thân của một vị anh hùng tên là Ngụy Đồ Chiêm. Khi bị đối phương truy kích, ông ta đã mang kiếm nhập vào thân tháp rồi biến mất... Cũng vì lẽ đó, khi đến Vĩnh Khánh, người ta không chỉ vào chùa lễ Phật, ngắm cảnh mà còn dâng hương ngưỡng vọng về những huyền tích xa xưa...

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH