Giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Năm 2014, mặc dù số người chết do thảm hỏa thiên tai tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương giảm nhiều so với năm trước, nhưng thiệt hại kinh tế vẫn ở mức cao.
Thông tin trên được nêu trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hiệp quốc (ESCAP) trước thềm hội nghị về giảm thiểu nguy cơ thiên tai, diễn ra vào tháng 3 tới tại thành phố Sendai của Nhật Bản. Tại đây, hơn 8.000 đại biểu tham dự là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đến từ các nước trong khu vực sẽ thảo luận về các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, từng ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 80 triệu người trong khu vực vào năm 2014. Đặc biệt, hội nghị sắp tới gây nhiều sự chú ý khi năm 2015 là thời hạn cuối cùng của Chương trình hành động Hyogo, được 168 nước ủng hộ vào năm 2005 nhằm mục đích giảm đáng kể những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan tháng 9.2014. (Nguồn ảnh: salon.net) |
ESCAP cho biết, năm 2014, khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải gánh chịu hơn một nửa trong tổng số 226 trận thiên tai của thế giới, nghiêm trọng nhất là những trận lũ lụt, lở đất, bão lớn. Tuy nhiên, khu vực này không có động đất hay sóng thần gây thảm họa nghiêm trọng như thời gian trước. Ngoài ra, số người chết do thiên tai năm 2014 là khoảng 6.000 người, thấp hơn nhiều so với con số 18.744 người của năm 2013.
Dù vậy, thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra vẫn ở mức cao, ước tính khoảng 60 tỷ USD năm 2014, làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của khu vực nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Trong đó, thiệt hại kinh tế lớn nhất tại khu vực là từ các trận lũ lụt ở lưu vực sông, với tổng thiệt hại là 16 tỷ USD, sau đó là bão Hudhud tại Ấn Độ, thiệt hại 11 tỷ USD, động đất Ludian tại Trung Quốc (6 tỷ USD), 2 cơn bão nhiệt đới Lingling và Kajiki tại Nhật Bản (5,2 tỷ USD). Cũng theo ESCAP, những nơi chịu thiệt hại nặng là do không chuẩn bị tốt công tác ứng phó với thảm họa và trong quá trình khắc phục thiên tai.
Giám đốc phụ trách Cục giảm thiểu nguy cơ thảm họa của ESCAP, Shamika Sirimanne cho rằng, bài học quan trọng nhất từ các vụ thiên tai của năm 2014 là các hệ thống cảnh báo sớm đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Tuy nhiên, những thảm họa thiên tai vẫn tiếp diễn phức tạp do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, các nước trong khu vực cần cải thiện hệ thống trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc ứng phó với thảm họa, ngăn chặn sự tăng cao của nhiệt độ trái đất.
KIM OANH