Xây dựng trường THPT đạt chuẩn: Không vì thành tích mà "quên" chất lượng!
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu đến năm 2015 cả tỉnh có 15% trường THPT đạt chuẩn quốc gia (hiện nay tương ứng với 9 trường), nhưng đến thời điểm cuối năm 2014 mới chỉ có 2 trường đạt chuẩn. Liệu có hoàn thành được mục tiêu này đang là mối quan tâm của nhiều người và Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc đã có cuộc trả lời Báo Quảng Nam chung quanh vấn đề này.
*Có một thực tế là hiện nay trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn khá nhiều với tổng số lên đến gần 400 trường, trong khi mới chỉ có vỏn vẹn 2 trường THPT đạt chuẩn. Có ý kiến cho rằng trường học phân cấp quản lý về cho các địa phương thì việc xây dựng trường chuẩn khá tốt còn trường THPT do tỉnh quản lý thì không được như vậy. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Ông Hà Thanh Quốc: Đúng là trong thời gian qua, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở bậc THPT chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ quan là việc đầu tư xây dựng trường lớp những năm qua chủ yếu tập trung giải quyết những bức xúc về phòng học dẫn đến nhiều trường gần đạt chuẩn, còn thiếu vài tiêu chí về cơ sở vật chất nhưng chưa quyết liệt tham mưu đầu tư; chưa phối hợp với các huyện, thành phố để mở rộng diện tích, huy động xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, phải thấy rằng nhiều năm qua hệ thống trường lớp bậc THPT phát triển quá nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Thời điểm tái lập tỉnh chỉ có 21 trường THPT và đến nay số lượng trường đã tăng lên 55, nhiều ngôi trường được xây dựng ở miền núi, vùng khó khăn. Với sự phát triển đó nên việc đầu tư xây dựng trường chuẩn còn hạn chế. Hiện tại mới chỉ có 2 trường được công nhận đạt chuẩn là Phổ thông DTNT tỉnh và THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ).
Quan điểm của tôi là việc gì trước đây chậm thì nay phải tăng tốc, việc gì chưa được như mong muốn thì nay tập trung đầu tư. Vì lẽ đó, ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT đã có chỉ đạo cho các trường THPT tập trung xây dựng trường chuẩn. Về phần mình, sở tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng để có những giải pháp thực hiện, tham mưu cho tỉnh quan tâm chỉ đạo, bổ sung nguồn vốn đầu tư. Và năm 2015 này, Sở GD-ĐT xác định xây dựng trường THPT đạt chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) là 1 trong 2 trường đạt chuẩn. |
* Một trong những khó khăn lớn nhất đối với xây dựng trường THPT đạt chuẩn là cơ sở vật chất. Vậy để hoàn thành mục tiêu thì đến nay những giải pháp nào được đưa ra?
Ông Hà Thanh Quốc: Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay chúng tôi xác định 11 trường sẽ được tập trung đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2015, gồm Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Tiểu La (Thăng Bình), Nguyễn Hiền, Lê Hồng Phong (Duy Xuyên), Đỗ Đăng Tuyển, Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc), Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), Nguyễn Trãi (Hội An), chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và chuyên Lê Thánh Tông. Các trường học này phần lớn đều đã đạt 4 trong số 5 tiêu chuẩn theo quy định, chỉ còn vướng vài tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích. Được sự tham mưu của sở và các ngành chức năng, vừa qua UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung vốn đầu tư (Quyết định 381, ngày 29.1.2015) với tổng số tiền là 10 tỷ đồng cho 11 trường này xây dựng trường chuẩn vào năm 2015. Với quyết tâm đó, tôi nghĩ rằng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
* Cũng có một số ý kiến băn khoăn chỉ trong thời gian ngắn tập trung đầu tư để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn dễ dẫn đến tình trạng chạy theo thành tích. Ông nghĩ sao?
UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung vốn đầu tư 10 tỷ đồng cho 11 trường để xây dựng trường chuẩn; trong đó Huỳnh Thúc Kháng 800 triệu đồng, Tiểu La 600 triệu đồng, Nguyễn Hiền 1 tỷ đồng, Lê Hồng Phong 1,5 tỷ đồng, Đỗ Đăng Tuyển 700 triệu đồng, Huỳnh Ngọc Huệ 1,2 tỷ đồng, Hoàng Diệu 800 triệu đồng, Nguyễn Duy Hiệu 1,6 tỷ đồng, Nguyễn Trãi 600 triệu đồng, chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm 400 triệu đồng và chuyên Lê Thánh Tông 800 triệu đồng. |
Ông Hà Thanh Quốc: Xây dựng trường chuẩn quốc gia chính là tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các em học sinh học tập, cho các thầy cô giáo giảng dạy. Tất cả cùng hướng đến nâng cao hiệu quả đào tạo, chất lượng dạy và học, góp phần vào mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Xuất phát từ nhận thức đó, ngành GD-ĐT đặt quyết tâm rất lớn, huy động, tranh thủ mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu về công tác xây dựng trường chuẩn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Tuy nhiên, không vì thế mà cố hoàn thành bằng mọi giá, không vì thành tích mà “quên” đi chất lượng. Với sự quan tâm của tỉnh, các địa phương, sự nỗ lực của toàn ngành, chắc chắn rằng việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn sẽ theo đúng lộ trình đã đưa ra.
Thật ra xây dựng trường chuẩn không phải chỉ liên quan đến tiêu chí cơ sở vật chất mà còn ở tỷ lệ học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục, kể cả tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu. Điều đó cho thấy, các trường phải nghiêm túc tổ chức giảng dạy tốt, đảm bảo nâng cao chất lượng, kiểm tra đánh giá đúng năng lực của học trò.
* Như ông đã thừa nhận là công tác xây dựng trường chuẩn một thời gian dài chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vậy thời gian tới Sở GD-ĐT và các trường THPT có những kế hoạch và giải pháp nào để thực hiện, tránh tình trạng “chữa cháy” như hiện nay?
Ông Hà Thanh Quốc: Đúng là thời gian qua công tác xây dựng trường chuẩn THPT khiến chúng tôi như “vắt chân lên cổ mà chạy” với một khối lượng công việc rất lớn. Từ đầu năm học 2014 - 2015 đến nay, Sở GD-ĐT tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; mở hội nghị về trường chuẩn với sự tham gia của các trường THPT, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, tham mưu cho HĐND tỉnh và UBND tỉnh về xây dựng trường chuẩn; có văn bản gửi các huyện, thành phố đề nghị hỗ trợ và phối hợp thực hiện. Chắc chắn rằng từ sau năm 2015 trở đi câu chuyện sẽ không còn vất vả như vừa qua. Tất cả phải có đề án, kế hoạch cụ thể ngay từ đầu, năm nào, trường nào đạt chuẩn.
* Cám ơn ông!
XUÂN PHÚ (thực hiện)