Rộn ràng đua thuyền đầu năm

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU 25/02/2015 09:37

(QNO) - Đầu xuân, người dân vùng sông nước Đại Lộc tưng bừng lễ hội đua thuyền nhằm mong ước một năm an lành.

Tín ngưỡng dân gian

Đối với cư dân vùng sông nước Đại Lộc, lễ hội đua thuyền đầu năm gắn liền với tục thờ “Tam vị thủy tướng”, tức ba vị thần cai quản miền sông nước. Theo một số dị bản văn học dân gian tại Đại Lộc, tương truyền xưa kia ông Huỳnh Lân có vợ là bà Nguyễn Thị Đạo hơn 50 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi. Một hôm, bà xuống tắm ở hồ rồi đêm nằm mơ thấy trong hồ sóng dậy, như có con rồng quấn quýt lấy mình, bà tỉnh dậy trong người cảm thấy rất lạ. Đúng mười tháng sau, bà sinh ra ba cái trứng lớn, cho là quái thai, hai vợ chồng bèn làm bè thả trôi sông. Từ đó ba cái trứng lưu lạc các xứ và mỗi cái trứng nở ra mỗi con rắn, được dân làng đặt tên là ông Dài, ông Cụt và ông Bơ.

Quyết liệt đua tài, đọ từng mét nước. Ảnh: H.L
Quyết liệt đua tài, đọ từng mét nước. Ảnh: H.L

Cả ba vị thần rắn đều rất linh hiển nên dân làng thuở ấy lập miếu thờ, ví như thôn Nghĩa Trung nay thuộc thị trấn Ái Nghĩa thờ vị thứ ba: ông Bơ, còn gọi là “Đức Tam”. Thôn Nghĩa Bắc (xã Đại Nghĩa) thì thờ ông Dài tại miễu cây Sanh, còn ông Cụt được thờ ở miếu Nhị Xà (thôn Gia Cốc, Đại Minh). Ngày nay, tại doi đất ở Bàu Ông, xã Đại Nghĩa vẫn còn lưu lại dinh thờ “Tam vị thủy tướng” với bài vị đề “Thủy tướng tôn thần”, hai bên đề “Long cung” và “Thủy phủ”. Với cư dân Đại Lộc nói chung, Đại Nghĩa nói riêng, dinh thờ “Tam vị thủy tướng” xưa kia còn là nơi tiến hành lễ cầu mưa, cầu mùa do quan tri huyện đích thân chánh bái.

Lễ hội đua thuyền được tổ chức ở Bàu Ông còn lưu giữ đậm nét tín ngưỡng dân gian vùng sông nước. Trước khi bước vào hội, các ghe bơi dạo vài vòng, cất tiếng hò khoan để cầm nhịp rồi tụ lại thành hàng trước dinh thờ “Tam vị thủy tướng”. Sau lễ cúng, từng đội bơi đều mang lễ vật (trầu cau, giấy áo, hương hoa, trà phẩm) vào dinh cúng lạy tam vị. Phần lễ tức nghi thức cúng bái thủy thần được cư dân vùng này thực hiện trang nghiêm, kính cẩn.

Sau nghi lễ sẽ là phần hội, là dịp các thuyền tranh tài từng mét nước. Người dân vùng này quan niệm, thuyền đua nào chiến thắng sẽ đem lại may mắn, mùa màng bội thu cho dân làng. Theo đó, công tác chuẩn bị rất công phu với thuyền được làm bằng chất liệu gỗ tốt, có chạm khảm đầu rồng. Những người khỏe mạnh, dẻo dai và bơi lội giỏi sẽ được tuyển chọn để tham gia đội đua của địa phương.

Rộn ràng lễ hội sông nước

Sáng mùng 6 tháng Giêng, khúc sông Vu Gia tại Ái Nghĩa trở nên rộn ràng, chật kín khán giả du xuân, trẩy hội đua thuyền đầu năm. Sau phần nghi lễ, hai bên bờ sông Vu Gia (Ái Nghĩa), trống lệnh giục ba tiếng, các tay chèo ra sức tranh tài trong tiếng hò reo của khán giả. Được biết, mùa giải năm nay có 26 đội đua tham gia, bao gồm 14 thuyền nam và 12 thuyền nữ đến từ 14/18 xã/thị trấn tại Đại Lộc. Mỗi thuyền có 13 vận động viên, gồm 5 cặp đôi chèo, một người bẻ lái, một người gõ mõ để tạo sự nhịp nhàng cho các tay bơi và một người có nhiệm vụ tát nước tràn vào thuyền.

Cổ động viên chật kín hai bên bờ sông. Ảnh: H.L
Cổ động viên chật kín hai bên bờ sông. Ảnh: H.L

Như thường lệ, các đội sẽ tranh tài ở 2 giải: giải rượu và giải hòa bình. Ở giải hòa bình, các tay đua nữ đến từ 14/18 xã/thị trấn cùng tranh tài ở 3 vòng đôi tương đương 3.000m, còn các tay đua nam tranh tài ở 5 vòng đôi tương đương cự ly 5.000m. Còn ở giải rượu, các tay đua nam tranh giải với 3 vòng đôi cự ly 400m. Qua 3 vòng đua chính, các tay đua nữ xã Đại Hồng đã có màn trình diễn sôi nổi, dẻo dai, vượt mặt hai đối thủ là các tay đua xã Đại Nghĩa và Đại Lãnh giành giải vô địch. Còn ở giải nam, các tay đua của xã Đại Cường cũng nhanh chóng bỏ hai thuyền đua xã Đại Nghĩa (giải nhì) và Đại Hồng (giải ba), giành chức vô địch.

Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc, Phó Ban tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống năm 2015 nhìn nhận, năm nay, các đội đua đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của ban tổ chức nên công tác điều hành giải có phần thuận lợi và chu đáo hơn. Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực tranh giải được địa phương chú trọng, huy động lực lượng dân quân cơ động, dân phố, công an đứng chốt tại các tụ điểm nên lễ hội diễn ra an toàn, thuận lợi. “Điểm mới của lễ hội năm nay là lực lượng vận động viên tham dự giải đều là 100% công dân của 14/18 địa phương tham gia lễ hội. Địa phương nào đưa ghe đi dự thì vận động viên đó phải là người địa phương, không có tình trạng mượn người nơi khác tới dự thi” - ông Trình nhấn mạnh.

Có thể nói, lễ hội đua thuyền đầu năm ở Đại Lộc là dịp để người dân trẩy hội, du xuân, tạo không khí vui tươi, phấn chấn trong năm mới, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian.

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU