Tết ở miền biển
Tuy không sôi động, rộn ràng như thành thị nhưng đối với nhiều người con xa quê, tết ở miền biển vẫn có hương vị đặc trưng.
Theo cảm nhận của nhiều người xa quê, vùng biển Tam Thanh đang thay đổi từng ngày. Vậy mà lạ thay, có một thứ không bao giờ mất, cũng chẳng thay đổi nhiều, đó là nếp sinh hoạt tết. Từ 23 tháng Chạp, làng trên xóm dưới đều tất bật chộn rộn, đàn ông thanh niên thì tranh thủ sửa sang lại nhà cửa, cổng ngõ. Các chị, các mẹ thì lo quét dọn, lau chùi, sắp đặt, bày biện lại nơi thờ cúng thật trang trọng, sạch sẽ, các cụ thì cùng nhau chuẩn bị nếp, đậu để gói bánh. Ngoài hai loại bánh để cúng ông bà trong ba ngày tết là bánh chưng và bánh tét, còn có bánh ít, bánh tổ, bánh thuẫn... Nhiều gia đình chuẩn bị những loại đặc sản vùng biển như cá khô, mực khô để đãi khách và cũng để cho những người xa quê mang theo làm quà cho bạn bè. Đó cũng là một nét rất đặc biệt của người miền biển.
Đón tết ở miền biển còn gắn với việc tu sửa mồ mả ông bà, tổ tiên. Trên những ngôi mộ nằm trên vùng đồi cát không khó để bắt gặp những tốp người đang nhổ cỏ, quét vôi, sửa sang lại những ngôi mộ của tổ tiên, ông bà nhà mình. Ngoài sửa sang lại các phần mộ một cách cẩn trọng, các cụ cao niên còn chỉ dẫn, giảng giải cho con cháu tên tuổi những người đã khuất; đồng thời làm lễ mời anh linh các vị tổ tông, ông bà, cha mẹ… về ăn tết cùng con cháu.
Một điều thú vị đậm tình nghĩa đó là bữa tất niên cuối năm, tuy ngày cuối năm, dù còn cái bận rộn vì những công việc cho kịp giờ “ngày hết tết đến” nhưng mỗi người khó lòng từ chối lời mời dự buổi tất niên. Họ đến với nhau không phải vì món ăn ngon mà họ đến chung vui vì tình làng nghĩa xóm. Uống với nhau chén trà, cốc rượu, tâm tình hoan hỉ mừng nhau một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, an ủi những ai không may gặp điều bất hạnh, động viên nhau với niềm tin “năm mới thắng lợi mới”.
Chiều 30 tết, sau bữa cỗ “tất niên” thịnh soạn đầm ấm, “nam thanh nữ tú” nô nức kéo nhau ra nhà văn hóa thôn để liên hoan văn nghệ, hát bài chòi, tạo nên không khí rộn ràng của ngày xuân. Cuộc vui kéo dài đến gần thời khắc “giao thừa” mới tạm dừng. Dịp này, người dân trong xóm lại thăm hỏi, chúc nhau qua chén rượu đầu xuân. Vui nhất là những đứa trẻ, vì đây là lúc được mặc những bộ đồ mới và nhận những phong bao đỏ lì xì từ người lớn. Đặc biệt, hôm qua, ngày mùng 6 âm lịch một lễ hội của người dân miền biển được tổ chức đó chính là “Lễ hội cầu ngư” hay còn gọi là “Lễ hội cá Ông”. Đây là lễ hội đặc sắc của người dân miền biển nhằm cầu mong các đấng thần linh độ trì cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc. Với mong ước một mùa đánh bắt bội thu, một năm sóng yên, biển lặng để cuộc sống người dân ngày càng sung túc ấm no. Trong lễ cầu ngư còn có phần hội hát bả trạo nhằm ca ngợi công đức Ngư Ông đã cứu giúp nhiều sinh mạng trên biển cả khi gặp hiểm nguy, sự giàu có của biển; mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi; và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo để đánh bắt cá tôm đầy khoang, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với những người xa quê, xa miền biển, vừa hết tết đã lại thấy nhớ tết!
VÕ LY