Sắc màu văn hóa dân gian ngày xuân

BÍCH LIÊN 23/02/2015 21:36

(QNO) - Bên cạnh sự hồi sinh mạnh mẽ của hô hát bài chòi cùng các trò chơi đậm sắc màu dân gian, việc phục dựng hình ảnh cây nêu cùng sự tái hiện nghi thức “Sắc bùa chúc xuân” trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 càng khiến Hội An càng mới lạ, hấp dẫn trong mắt du khách.

Thi dựng cây nêu

Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là năm thứ tư Hội An phục dựng thành công hình ảnh cây nêu ngày tết tại phố cổ. Vài năm gần đây, hình ảnh cây nêu đã không còn xa lạ đối với người dân, du khách phố Hội dịp tết đến xuân về. Cây nêu được dựng ở các di tích văn hóa, đình làng, miếu, nhà thờ tộc hay một số cơ quan, doanh nghiệp nằm ở các trục đường chính của Hội An.

Tái hiện hát múa sắc bùa
Tái hiện hát múa sắc bùa

Nếu như năm 2014, Hội An có trên 24 điểm đăng ký phục dựng cây nêu trong tết cổ truyền thì dịp tết Nguyên đán 2015, 38 cây nêu tại 38 địa điểm của phố cổ được đăng ký dự thi. Ban tổ chức đã chấm chọn xong và sẽ tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba và khuyến khích cho những cây nêu có hình thức đẹp, giàu tính thẩm mỹ, tôn tạo cảnh quan phố Hội; đảm bảo tính truyền thống; sử dụng những vật liệu phù hợp và thân thiện với môi trường vào Mùng 4 tháng Giêng và lễ hạ nêu sẽ diễn ra vào Mùng 7 tháng Giêng. Ngoài 38 cây nêu dự thi trên, tục dựng nêu còn được nhân dân phố cổ hưởng ứng rộng rãi với hơn 50 cây nêu khác được phục dựng tại các chùa, hội quán, trường học song không đăng ký dự thi. “Có thể nói, qua 4 năm phục dựng, hình ảnh cây nêu ngày tết đã thấm dần vào đời sống, sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân phố Hội, tạo nét mới, tươi vui trong ngày tết. Qua đó góp phần phục hồi và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Về phương diện du lịch, hiệu quả của việc làm này cũng hết sức rõ rệt, du khách tỏ ra thích thú, tìm hiểu và ngày càng đến với Hội An nhiều hơn, ở lại với Hội An lâu hơn vào dịp Tết” - ông An cho hay.

Không khí phục dựng cây nêu diễn ra sôi nổi ở các địa điểm thuộc các tuyến đường chính của phố Hội trong ngày 30 tết. Ông Đỗ Nhâm, một người dân sống gần đình làng Cẩm Phô chia sẻ: Dân gian quan niệm cây nêu là cây trừ tà ma, mang lại nhiều điều may mắn trong năm. Ông bà truyền rằng, sau khi đưa ông Táo về trời, từ 23 tháng Chạp mãi tới mùng 7 Tết là dịp Táo quân vắng mặt trong nhà, ma quỷ có cơ hội quấy phá nên cây nêu được dựng lên từ thời gian này cho tới Mùng 7 Tết. “Là người dân phố cổ, chúng tôi đã quen thuộc với hình ảnh cây nêu. Ngày tết nhiều địa phương cùng làm nêu, dựng nêu, người dân chung tay góp sức rất phấn khởi, ai cũng muốn làm cây nêu thật đẹp, thật ý nghĩa. Vừa là biểu tượng văn hóa, tâm linh, tục dựng nêu còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong muốn hoạt động này tiếp tục được phát huy” - ông Đỗ Nhâm nói.

Sắc bùa chúc xuân

Hòa cùng không khí rộn ràng của đêm 30 tết, thời khắc thiêng liêng của dân tộc, nghi thức trình diễn “sắc bùa chúc xuân” cũng là điểm nhấn, là nét mới của Hội An dịp tết năm nay khiến du khách tỏ ra thích thú. Đêm 30 tết, đoàn múa hát sắc bùa với các làn điệu mở ngõ, chúc rượu, ca xuân… trong trang phục truyền thống cùng trống cơm, sinh tiền, phách tre đã xuất phát từ đình làng Cẩm Phô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã diễu hành qua khu vực Chùa Cầu và các tuyến đường chính của Hội An như: Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng và dừng lại các điểm tổ chức trò chơi dân gian của phố cổ. Đội sắc bùa vừa hát, vừa thực hiện nghi thức dán bùa, phát “lộc” với các câu chúc Xuân Liên cầu mong quốc thái dân an, gửi những lời chúc phúc đến nhiều nhà dân và du khách đến với Hội An dịp này.

Theo thông lệ, thứ tự các tiết mục hát múa sắc bùa ở nhiều nơi xứ Quảng đầu tiên là bài “Mở ngõ” rồi “Mở cửa”, kế tiếp là bài “Chúc xuân”, “Dâng hương” cùng những bài hát chúc gia chủ trước khi cả đội nghỉ ngơi, dùng chúc trà rượu, nhận ít tiền thưởng. Sau đó là bài “Dán bùa” và cuối cùng là bài “Đi ra”. Khi đi sắc, cả hội đều đội khăn đóng, mặc áo dài đen, quần trắng, đi guốc mộc. Có một người xách lồng đèn đi trước. Lá bùa có hình chữ nhật được vẽ những hình thù kỳ quái màu đỏ, được dán ngay trên cửa chính, cột nhà và cùng với nghi thức dán bùa, cả hội phải hát bài “Dán bùa”… Nội dung lá bùa kính chúc gia chủ bách niên giai lão, phát đạt với nghề, cầu gia thần phù trợ cho gia chủ trong năm mới… Song ở không gian “sắc bùa chúc xuân” ở Hội An lần này, nhiều nghi thức truyền thống được giản lược để phù hợp với xu hướng cuộc sống và không gian đương đại của phố cổ. Nếu hát sắc bùa truyền thống có thể được diễn xướng đúng vào thời khắc giao thừa hoặc hát phục vụ nếu gia chủ có lời mời, thỉnh cầu trong suốt ba ngày tết bảy ngày xuân thì tại Hội An, không khí tái hiện đêm hội sắc bùa diễn ra vào đêm 30 tết, tạo điều kiện để người dân, du khách thưởng thức, quay về với những giá trị văn hóa truyền thống một thời. Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL Hội An: “Nguyên tắc là phải tôn trọng bổn (bản) gốc. Chúng tôi tái hiện đúng với tinh thần sắc bùa truyền thống, song để phù hợp với đời sống mới và điều kiện phố cổ, một số bài truyền thống, nghi lễ truyền thống sẽ được tỉnh lược bớt, thời gian diễn xướng cũng được rút ngắn. Sẽ trở thành thông lệ, hát sắc bùa chúc xuân trở thành nghi thức diễn xướng dân gian đặc trưng của Hội An”.

Cũng theo ông Võ Phùng, hát múa sắc bùa là nghi lễ, hoạt động diễn xướng dân gian cổ truyền của dân tộc nhân dịp tết đến xuân về. Song trước xu thế hiện đại hóa, những giá trị đó gần như bị mai nhạt trong đời sống. Trước đây, Hội An cũng như một vài địa phương xứ Quảng từng tái hiện sắc bùa ngày xuân song rồi bị rơi vào quên lãng. Lần tái hiện này, đoàn sắc bùa của phố cổ có tới 21 thành viên, vừa có nhạc công, đội hát múa, ông chúa xuân, đội tứ linh (long, lân, quy, phụng). Để có đêm diễn xướng chúc xuân lần này, đội hát múa sắc bùa của phố cổ đã trải qua thời gian và cách thức tập luyện bài bản để có những tiết mục nhuần nhuyễn, thuần thục nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức, du xuân của người dân và du khách. 

Có thể thấy, nỗ lực phục dựng, tái hiện không gian văn hóa, diễn xướng, lễ hội dân gian dịp Tết đến xuân về là nỗ lực làm mới mình của Hội An - một thành phố năng động, biết hài hòa giữa truyền thống - hiện đại, giữa cũ và mới.

BÍCH LIÊN

BÍCH LIÊN