Phù sa, đời đâu chỉ gọi tên…
Từ cầu Bà Rén nhìn xuống phía bên phải dọc sông xanh ngắt bờ tre, đến gần cuối, bờ đột ngột uốn cong hình lưỡi liềm, như cố chắn bớt tầm nhìn. Không biết bao lần ngó xuống đó, thiệt lòng thấy cũng thường, bởi nhảy ùm xuống, bơi một hơi, là qua xóm Gò nằm trên xóm tôi. Từ đây sông Bà Rén chấm dứt sứ mệnh của mình, hòa vào dòng Trường Giang. Quen quá hóa thường, là vậy. Nhưng với một người vốn mấy chục năm lang thang hồn xác gửi ở nhà cổ như họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, thì chẳng thường, khi anh trợn mắt: “Nội cái tên gọi thôn nớ là mi thấy có chuyện liền: Phù Sa”.
Đường thôn Phù Sa. |
Những cuộc ra đi lập ấp của tiền hiền xứ sở này, đong đầy nỗi nhớ quê xứ bên kia sông Gianh, nên tên làng tên đất trĩu nặng trái tim họ, đến nơi ở mới, nó lại hiện diện. Nhưng rồi, những tên thôn theo số thứ tự được đẻ ra từ một thời vô cảm, bặt im không sinh khí, làm cho Phù Sa cũng bị dính vào luôn “giấy khai sinh” đó: thôn 12, Quế Xuân 1. “Nó có từ thời ông cố tôi kia, còn trước nữa tôi không biết, hồi làm hợp tác xã, đổi thành thôn 12, sau này lại quay về tên cũ” - ông Phan Định (75 tuổi) nói. Thầy giáo Phan Ánh giải thích: “Phù Sa có từ thời vua Lê Dụ Tông. Lúc đó làng này có bến ông Cầm rất sâu, lụt lội bồi miết lên, nên có tên là Phù Sa. Từ trên nhìn xuống, làng bị kẹp một bên là sông Bà Rén, trước mặt là đồng Mông Lãnh, tạo thế đất “lưỡng long chầu nguyệt”, nó như cái sống lưng vậy”. Ông Nghị nói giọng tự hào: “Trước đây, cỡ thập niên 90 thôi, cá biết bao nhiêu mà kể, dân đây hay nói nhúng cái quần xuống là có cá, Phù Sa tự hào là “trên cơm dưới cá”. Đồng Mông Lãnh nổi tiếng cá, sông Bà Rén một thời không thua kém, đã đãi cái ăn cho dân Phù Sa mà nói như ông Ánh là chẳng thua kém chi đồng bằng sông Cửu Long.
Điều mà Nguyễn Thượng Hỷ ngưỡng mộ, chính là nhà cổ ở làng này. Anh Tịnh, cán bộ địa chính xã nhẩm tính còn đến 11 nhà, trong đó nhà ông Ngô Văn Sĩ, theo họa sĩ Hỷ, là đẹp nhất Quảng Nam với chạm trổ, hoa văn tinh xảo đến kinh ngạc, chưa kể chủ gia còn có bức hoành phi có khắc bài thứ 7 trong Thu hứng bát thủ của Đỗ Phủ với lối chữ thảo rồng bay phượng múa. “Điểm đặc biệt của làng này là chiến tranh ít đụng đến nhất so với các làng xung quanh - ông Nghị nói - vì đầu làng có đồn Bà Rén, cuối làng có đồn Xã Diêm, thoát khỏi nạn vùng trắng, nên pháo kích, giặc giã cũng ít”. Hẳn chủ nhân xưa giàu có, như ông Ngô Văn Dư, cháu ông Sĩ kể về ông cố của ông là ông Xã Thiều, giàu nức tiếng vùng này, rồi thêm ít dính bom cày đạn xới, nên nó mới được bảo tồn.
Nhà cổ ông Ngô Văn Sĩ. Dân làng hy vọng cơ hội làm du lịch từ nhà cổ sẽ đến. |
“Chừng đó cũng chưa đủ - thầy Ánh nói thêm - người dân giữ gìn nữa chứ, cũng do quý vốn cổ, rồi làm ăn được, không thì mất rồi chứ còn đâu”. Nói như bà Khâm vợ ông Sĩ là bán cái nhà mấy tỷ ăn cũng hết, nhưng có giữ được nhà không? “Anh có biết hồi đó đường xuống làng này là đi dọc rìa sông không? Mưa hai ngày là lội bùn. Phải nói ghi công đầu cho đường sá ở đây là ông Lê Tự - Chủ nhiệm HTX Quế Xuân lúc đó. Lúc người ta làm thủy lợi trên kia, ông đã táo bạo cho mở đường giữa làng, mới được như bây giờ”. Đường làng, chuối sau cau trước, phong quang, thẳng tắp.
Sau 1975, như bao nơi khác, cái ăn quằn quại, khốn khó trong mỗi gia đình. Nhưng bám sông, kiếm cá để ăn, mang lên chợ Bà Rén để bán, đâu phải là tất cả để vực dậy đời sống của hơn 300 hộ dân Phù Sa. “Như gia đình tôi đây, kiếm cái ăn cũng khổ thấy tổ” - ông Nghị nhớ lại. Đất thổ cư ít, nên bà con chủ động giải quyết cái ăn bằng chăn nuôi, trồng màu. “Rồi cũng nhờ con cái đi làm ăn xa, có cái để gửi về. Sau nhiều năm, dù bị hạn chế bởi đất sản xuất, nghề sông cũng khó khăn, nhưng bà con phấn đấu dữ lắm, hiện giờ tỷ tệ hộ nghèo còn 7,6%, đến hết năm 2015, cùng với xã Quế Xuân 1, phấn đấu đạt xã điểm nông thôn mới. Điện, đường, trường, trạm có đủ cả” - anh Tịnh nói.
“Đất này ra đi, lắm người thành đạt”. Người trong làng hay nói câu đó, rồi kể có nhiều người làm ăn được, quay về giúp đỡ bà con lối xóm, làm từ thiện, xây dựng hạ tầng. Có người ngày trước làm nghề chằm nón, đói lắm, bèn vào Sài Gòn làm nghề đá mài, phất lên, xuất khẩu đi các nước, rồi quay về “cõng” anh em bà con vào làm. Âu cũng là nghĩa cử đẹp, coi như là họ trải lòng mình từ ân phước sinh thành của đất mẹ. Câu chuyện chuyển mình, như bao vùng quê khác, bắt đầu từ ngọn gió đổi mới 1986. Người làng bung ra làm ăn. Thanh niên đổ đi khắp nơi kiếm nghề. “Nhưng tôi đi rồi trở về, mà làm ăn tốt hơn lang thang xa xứ”, anh Phan Phúc Linh nói. Anh kể, đi làm thợ hồ ở miền Nam 4 năm, chẳng dư đồng nào, ở nhà con cái nheo nhóc. Quay về, anh vay vốn hộ nghèo 10 triệu đồng, mua bò trâu, dụng cụ cơ khí. “Đàn bò, trâu của tôi hiện chừ 12 con. Tôi làm cơ khí chủ yếu phục vụ bà con trong làng, lấy giá bình dân rẻ hơn trên Bà Rén, làm thêm ít ruộng, mỗi năm dư 50 triệu, đời sống gia đình ổn. Sướng hơn làm ruộng chứ anh!”.
Một thực tế đã và phải được nhìn nhận, là nông dân bám ruộng, làm lúa, thì dứt khoát không khá nổi. Lớp trẻ chán và thoát khỏi ruộng đồng, là có lý do chính đáng. Nhưng, chính trên đất ruộng, đất vườn, thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, nếu đi đúng hướng, hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống. Thầy Ánh thì nhắc, rằng một thời làng này có nhiều giáo viên nhất huyện Quế Sơn. Điều đó cũng có nghĩa, Phù Sa có mạch chữ nghĩa, dẫu không “hầm hố” vang danh như thiên hạ, nhưng điều đó cũng chỉ dấu cho thấy ở đây có mạch ngầm, bệ phóng của đổi thay nhận thức về đời sống. “Hoàn toàn có thể làm giàu từ du lịch, tôi nghĩ thế”. Thầy Ánh nói khiêm tốn, bằng quan sát chiêm nghiệm của người con đất Phù Sa. Tôi ngầm hiểu, Phù Sa đang nắm trong tay một “vũ khí” khá lợi hại, đó chính là nhà cổ. Có thể nói, chỉ một thôn nhỏ mà có hơn 10 nhà cổ thuộc loại độc đáo, cũng chẳng phải vùng sâu xa, có lợi thế là nằm ven sông, phong cảnh hữu tình, sao không thể tận dụng?
“Cuộc đất ni yên, sau bao nhiêu năm có lở chút thôi, bà con sống yên ổn, làm ăn được”. Ông Nghị kết luận. Mang cái danh từ thuở lập làng, đi qua thăng trầm, phù sa đã nuôi họ và họ đã nung chảy phù sa và đắp bồi cho từng bữa ăn, tác tạo làng và giữ nó khỏi hổ danh bằng ý chí và tình yêu làng. Những đứa con của Phù Sa có thể mơ tiếp một vệt phù sa tươi mới, màu mỡ, sẽ phủ trên “trán” của làng…
TRUNG VIỆT