Những công trình vượt thời gian
Trong hành trình 40 xây dựng và phát triển, Quảng Nam đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, trong đó có những công trình mang tầm vóc quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cầu Câu Lâu.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
ĐẠI THỦY NÔNG PHÚ NINH - KHÁT VỌNG THOÁT NGHÈO
Hơn 37 năm trước, công trình đại thủy nông Phú Ninh được triển khai xây dựng để giải cứu hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp khỏi bị chết khát. Đây được xem là công trình thể hiện ý chí, nội lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính quyền và nhân dân. Từ ngày khởi công (29.3.1977) đến khi hoàn thành (năm 1986), công trình đã huy động 18,5 triệu ngày công, chủ yếu là của lực lượng thanh niên, dân công xung phong, ngày đêm lấy sức người xẻ núi, đào đất, ngăn sông. Thủy nông Phú Ninh tưới tắm những cánh đồng, làm hồi sinh đất cháy, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương. Công trình thủy nông Phú Ninh là biểu tượng của lòng dân, sức dân, mang giá trị vượt thời gian.
Kênh thủy lợi Phú Ninh.Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Cùng với Phú Ninh, những năm qua trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai xây dựng những công trình thủy lợi có quy mô lớn như đập Vĩnh Trinh, Trà Cân, Đông Tiển… có sức chứa hàng triệu mét khối nước, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, thủy điện và du lịch, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
MỞ RỘNG BIỂN, TRỜI
Cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai được xem là hai công trình tiêu biểu cho hành trình hội nhập, mở rộng biên độ phát triển của dải đất Quảng Nam. Cùng với việc hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng Kỳ Hà được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002. Kỳ Hà hiện nay có thể đón tàu với trọng tải hàng vạn tấn ra vào cảng. Bên dòng Trường Giang, cách đây gần 5 năm, Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải đã khởi công xây dựng cảng và khu hậu cần cảng Tam Hiệp, công trình được kỳ vọng sẽ là cửa ngõ quan trọng để sản phẩm công nghiệp của Quảng Nam vươn xa.
Sân bay Chu Lai.Ảnh: MINH HẢI |
Sân bay quốc tế Chu Lai cũng được xem là công trình mang dấu ấn trên chặng đường phát triển của Quảng Nam, mở ra cơ hội để thực hiện khát vọng nâng tầm kinh tế địa phương. Trên nền một sân bay cũ thời chiến tranh, năm 2004, các hạng mục quan trọng của sân bay Chu Lai được khởi công xây dựng và sau đó đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2005.
NHỮNG CUNG ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Gần 15 năm trước, tuyến đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng men theo đường Trường Sơn huyền thoại. Cùng với đó, đoạn qua Quảng Nam cũng được thi công với tổng chiều dài 190km, điểm đầu tại A Tép (Huế), điểm cuối tại cầu Đắc Zôn (Kon Tum), là tuyến huyết mạch kết nối các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, tạo động lực thúc đẩy các địa phương phát triển hạ tầng, phát huy tiềm năng.
Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam.Ảnh: THÀNH CÔNG |
Còn tại vùng đông của tỉnh, tuyến đường Thanh niên ven biển được xây dựng hơn 10 năm trước, vượt qua những nổng cát bỏng rát, nối liền các địa phương ven biển từ Điện Bàn đến Núi Thành, nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch của dải đất ven biển. Gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành, triển khai xây dựng nhiều tuyến đường có quy mô lớn như dự án mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến cứu hộ cứu nạn ven biển, đường Nam Quảng Nam… đã tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn. Riêng chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn đã giúp Quảng Nam có thêm hàng chục nghìn ki lô mét đường phục vụ nhu cầu phát triển của từng vùng. Để khớp nối các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn, những cây cầu có quy mô lớn cũng được đầu tư xây dựng, trong đó Câu Lâu, Cửa Đại, Kỳ Phú 1&2, Gò Nổi… đã nối liền những bờ vui, tạo điều kiện thông thương cho nhiều vùng đất.
HẠ TẦNG VÙNG CÔNG NGHIỆP ĐỘNG LỰC
Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đuổi khát vọng trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu công nghiệp động lực có hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều dự án đầu tư, điển hình là hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Được xem là Khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, sau hơn 10 năm thành lập, đến nay Khu kinh tế mở Chu Lai đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, hệ thống cấp điện, nước; triển khai các trục giao thông kết nối... Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai có 94 dự án cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,499 tỷ USD. Trong khi đó, Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng với đầy đủ tiện ích cho hầu hết diện tích đất quy hoạch. Đặc biệt, hệ thống xử lý môi trường được đầu tư đồng bộ tại đây đã tạo điều kiện cho gần 50 dự án đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất.
TRI ÂN
Khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: MINH HẢI |
Mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Sau ngày giải phóng đến nay, Quảng Nam dành nhiều nguồn lực chăm sóc những gia đình chính sách, có công cách mạng. Ngoài việc chăm lo vật chất, những công trình ghi dấu lịch sử đã được đầu tư, phục dựng để tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng như Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, các tượng đài Cây Cốc, Vĩnh Trinh, phục dựng địa đạo Kỳ Anh, Khu di tích Nước Oa… Đặc biệt, dự án Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ) được khởi công xây dựng vào năm 2009 là công trình mang tầm vóc quốc gia, ghi khắc công ơn của người mẹ Việt Nam kiên cường. Công trình được xây dựng trên khuôn viên 15ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 410 tỷ đồng với nhiều hạng mục có quy mô, đạt giá trị nghệ thuật cao.
ĐÁNH THỨC DI SẢN
Phố cổ Hội An. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Năm 1999 là dấu mốc lịch sử, mở ra cơ hội để Hội An và Mỹ Sơn không còn phủ bụi thời gian khi cùng lúc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Di sản đã được đánh thức nên có thêm nguồn lực để triển khai công tác bảo tồn, đầu tư, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Nhiều năm qua, Hội An đã dành hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo gần 500 di tích, nhà cổ, phục dựng không gian văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch thu hút du khách. Với Mỹ Sơn, bằng những nỗ lực không ngừng, di sản từng bước được cứu vãn, tôn tạo. Tổng kinh phí trùng tu di sản Mỹ Sơn 15 năm qua hơn 85 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2003 - 2013, dự án tôn tạo, hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italy với kinh phí hơn 1,3 triệu USD đã được triển khai, góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên dạng nhóm tháp G. Hội An và Mỹ Sơn bây giờ không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn mà là cầu nối của các nền văn hóa.
BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Lễ hội truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nhà làng truyền thống từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa nổi bật thể hiện tính cố kết cộng đồng, làm nên bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc anh em vùng tây xứ Quảng. Để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống này, những năm gần đây, việc phục dựng và xây mới nhà làng đã được triển khai ở nhiều nơi. Điển hình, tại Tây Giang, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Cơ Tu đã được triển khai có hiệu quả, vun đắp đời sống tinh thần của nhân dân. Theo thống kê, đến nay, ở Tây Giang đã xây dựng được 59 gươl sinh hoạt cộng đồng tại các thôn. Đặc biệt hiện nay, huyện đã vận động nhân dân 10 xã xây dựng xong 10 nhà sàn của xã, 1 nhà dài truyền thống và 1 gươl tại trung tâm hành chính huyện. Đây là mô hình làng cổ Cơ Tu đầu tiên được xây dựng tại Quảng Nam.
MINH ĐỨC (thực hiện)