Chuyện đời chiến sĩ biệt động thành
Sinh ra ở xã biển Tam Thanh (Tam Kỳ), trải qua tuổi thơ với những ngày dài nghiệt ngã, chiến sĩ biệt động thành Huỳnh Phi Long đã làm nên nhiều chiến công vang dội.
Tuổi thơ nghiệt ngã
Ông Huỳnh Phi Long sinh năm 1939, trong một gia đình bần nông ở xã Tam Thanh (cũ), nay là khối phố An Hà, phường An Phú, TP.Tam Kỳ. Gia đình nghèo khó, cơm không đủ no, áo quần không đủ ấm, chỉ trong thời gian ngắn, cả cha lẫn mẹ lần lượt ra đi sau cơn bạo bệnh để lại một mình cậu bé Phi Long bơ vơ khi mới lên 5 tuổi. Chỉ còn bà ngoại là người thân, nhưng bà đã già yếu, cuộc sống túng quẫn nên Long được một người bà con đưa về Tiên Thọ, huyện Tiên Phước nuôi. Ngày hai buổi dắt bò ra đồng chăn, dù vất vả nhưng Phi Long cảm thấy vui khi được tung tăng trên những cánh đồng ngát mùi lúa mới, nhảy nhót cùng bạn bè trang lứa.
Năm 12 tuổi, Huỳnh Phi Long tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ bảo mật, khi có người lạ xuất hiện thì kịp thời báo cho lực lượng công an, du kích địa phương; tham gia đào hầm công sự để mọi người ẩn nấp mỗi khi địch đánh phá. Ngày 1.10.1954, lúc bấy giờ mới 15 tuổi nhưng không chịu được cảnh địch càn phá cướp bóc tài sản, giết hại dân lành, Phi Long vận động đồng bào xuống đường đấu tranh phản đối. Khi nhìn thấy xe tăng và sự hung hăng của địch nhiều người dân tỏ ra dao động, Phi Long mạnh dạn đứng lên phía trước kêu gọi mọi người bình tĩnh đấu tranh cho đến cùng, nhưng rồi một loạt đạn bắn vào đoàn người, rất may Long thoát nạn. Nỗi đau tột cùng cứ ám ảnh mãi khi Huỳnh Phi Long phải chứng kiến hơn 350 cán bộ, đảng viên trung kiên và đồng bào yêu nước bị địch giết hại bằng súng đạn, dùi cui, củi khúc, gậy gộc… ở khu vực Cây Cốc (xã Tiên Thọ) làm cho quê hương thứ hai của Long chìm trong đau thương tang tóc. Năm 1956, ôm mối hận vì quê hương bị địch cày xới, nhân dân bị sát hại dã man kèm theo đó là nỗi đau mất bà ngoại, Huỳnh Phi Long lên đường vào Nam.
Chiến công vang dội
Thời gian đầu vào Sài Gòn, Huỳnh Phi Long làm nghề sửa xe máy. Sau đó không lâu, ông móc nối được với cơ sở cách mạng ở huyện Hóc Môn, được tổ chức giao nhiệm vụ mua thuốc men và các đồ dùng cần thiết để cung cấp cho lực lượng vũ trang và nhận truyền đơn về rải trong nội thành. Đầu năm 1960, do yêu cầu công tác, Phòng Tham mưu Quân khu Sài Gòn - Gia Định bổ sung ông về Đội 67 thuộc Phân đội II Biệt động đặc công. Qua 15 năm công tác, Huỳnh Phi Long đã phối hợp tổ chức đánh 45 trận lớn nhỏ, trong đó có 30 trận ông trực tiếp thực hiện gây tiếng vang lớn trên đất Sài thành lúc bấy giờ. Trong số đó phải kể đến trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh. Trận đánh này được xem như một trận “động đất” kinh hoàng diễn ra vào ngày 23.6.1965, tại bến sông Bạch Đằng (nay thuộc đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Để đánh được nhà hàng này ông Long đã tốn nhiều thời gian điều nghiên địa hình và thói quen đi lại, chơi bời, ăn uống của địch. Địa hình ở đây rất khó tiếp cận vì nhà hàng là một chiếc tàu neo đậu trên sông, lối đi duy nhất là chiếc cầu thang từ dưới sông lên và địch bố trí lực lượng canh gác cẩn mật. Tuy nhiên Phi Long và đồng đội của mình là Lê Văn Rãy quyết tâm thực hiện theo phương án: Phi Long đi xe máy mô-bi-lết chở một trái mìn định hướng ĐH10 đi trước, ông Rãy đạp xe giả làm người bán báo chở trái mìn cùng chủng loại đi sau, khoảng cách vừa đủ tầm nhìn. Để đến mục tiêu phải qua nhiều trạm gác nghiêm ngặt có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng Phi Long quyết tâm phải đánh. Ông động viên đồng đội: “Dù hy sinh hai anh em mình cũng phải hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng và quân đội trong trận đánh này”. Nhìn đồng hồ đeo tay, chỉ còn vài phút là đến giờ G, Phi Long liền chạy xe cập mục tiêu, bình tĩnh và bí mật đặt mìn đúng hướng thổi vào 2/3 thân tàu. Xong, ông thản nhiên móc tiền bước đến quầy thuốc lá ở gần đó mua thuốc hút, đồng thời lợi dụng bóng tối nhanh chóng bỏ 2 trái thủ pháo xuống sông rồi lẹ làng lách người qua công viên cạnh đó nhảy lên xe gắn máy đồng đội chuẩn bị sẵn. Lúc này, ông Rãy cũng đã gài xong quả mìn định hướng thứ hai, qua công viên leo lên xe ông Long đang chờ. Cả hai vừa chạy ra khoảng 50m trái mìn thứ nhất do Phi Long gài phát nổ. Vừa đến bùng binh Nguyễn Huệ các ông bị cảnh sát chặn lại khám xét. Kiểm tra giấy tờ hợp pháp bọn chúng để cho hai người đi. Vừa lúc đó, trái mìn thứ hai do ông Rãy gài nổ tiếp. Tiếng còi báo động của địch inh vang, đường phố trở nên hỗn loạn. Hai ông cũng thừa cơ hội này thoát êm.
Ông Huỳnh Phi Long (ngồi kế bên) vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng về thăm Quận ủy quận 3, TP.Hồ Chí Minh vào tháng 4.1998.Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gần một năm sau trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh, vào lúc 12 giờ trưa một ngày cuối tháng 3.1966, một tiếng nổ lớn vang lên trên đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận), 3 phút sau đó, một cú đánh bồi cũng bằng trái ĐH10 nổ tung cách đó 50m gần lối đi ra cổng sau của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sĩ quan, binh lính Mỹ - ngụy. Người trực tiếp tổ chức trận đánh này cũng chính là Huỳnh Phi Long.
Di chứng đau thương
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông Huỳnh Phi Long được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 5 Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Giải phóng; Huân chương Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 2 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú; danh hiệu Chiến sĩ thi đua quân khí cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Để có được những tấm huân chương lấp lánh đó, ông Long phải đánh đổi biết bao gian khổ, hy sinh và phải chịu biết bao đòn roi của kẻ thù khi bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo, bị nhốt chuồng cọp, bỏ đói, đánh đập tra tấn đến “thập tử nhất sinh”.
Vết thương tù ngục của ông Long vẫn còn đau buốt mỗi khi trái nắng trở trời, nhưng đau hơn là bà Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1943) - vợ ông, người con gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hóc Môn anh hùng phải mang trên mình di chứng nặng nề cũng bởi tra tấn tù gông của địch. Vợ ông là một trong những nữ giao liên trinh sát xuất sắc, là cơ sở cất giấu vũ khí, tài liệu, phát triển lực lượng tổ chức chiến đấu bí mật tại chỗ góp phần cùng đồng đội làm nên những trận đánh huyền thoại. Trong thời gian ông Long bị cầm tù, bà cũng bị địch bắt giam cầm, đánh đập, tra khảo đủ mọi hình thức. Địch còn tiêm thuốc độc vào cơ thể khiến bà bị điếc, rồi những đòn tra tấn dã man làm cho bà trở thành người ngây ngây dại dại. Con gái đầu lòng của ông bà là Huỳnh Thị Nga (năm nay đã ngoài 50 tuổi) trước kia do còn nhỏ nên phải theo mẹ vào tù, chứng kiến cảnh đánh đập, tra tấn dã man, bản thân bị địch nhiều lần dùng nhục hình nên đến nay vẫn còn điên loạn. Hết nhìn vợ rồi nhìn con, ông Long kể: “Trước khi đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh, tôi được tổ chức cho về thăm nhà. Lúc đó, bé Nga còn nhỏ xíu cứ quấn lấy tôi và hỏi: Ba ơi! Chừng nào ba về? Tôi vờ trả lời với con gái: Ờ, chiều mốt ba về. Nói là nói vậy để vợ con yên lòng, chứ thực tình không biết có còn ngày gặp lại vợ con hay không. Vợ tôi chỉ biết ứa lệ nhìn chồng, cố gạt nước mắt động viên: Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, đừng có băn khoăn vì gia đình”.
Gia đình ông Long hiện sinh sống tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ rằng, nhiều lần muốn về thăm quê, thăm họ hàng, để thắp lên bàn thờ tổ tiên nén hương nhưng không biết làm sao về được vì hằng ngày còn phải lo cơm nước cho vợ, cho con. Nghe ông tâm sự, lòng tôi không khỏi nhói đau!
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC