Hai người Quảng ở Harvard
Tiến sĩ Trương Công Đức, chuyên gia về Nha khoa
Trương Công Đức sinh năm 1966, trong một gia đình nền nếp, là hậu duệ 6 đời của Thượng thư lưỡng bộ Trương Công Hy. Đức đến định cư tại San Jose vào năm 1981 và tiếp tục sự học. Năm 1989, khi tốt nghiệp cử nhân Sinh hóa tại Đại học California, anh được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm UC Davis Medical Center. Nhưng một năm sau, với lời khuyên của gia đình và thầy giáo, anh thi đỗ vào Trường Nha khoa Harvard Medical School với một học bổng bán phần suốt 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, anh lại được nhận vào học tiếp 3 năm nữa tại chuyên khoa Nội khoa răng miệng và tủy máu (Endodontic) với học vị tiến sĩ.
Vợ chồng tiến sĩ Trương Công Đức. |
Theo lời kể của Đức, Trường Nha khoa Harvard Medical School có những ưu việt trong đào tạo mà ít nơi nào sánh được. Mỗi lớp học chỉ có chưa đầy 30 sinh viên lại được chia thành từng nhóm 7, 5 rồi 3 sinh viên, tùy năm học, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của một giáo sư. Sau hai năm đầu học chung về y khoa, theo lối đào tạo Newpathway - vừa học vừa thực hành. Mỗi ngày chỉ nghe giảng bài từ 8 đến 10 giờ sáng, sau đó các giáo sư hướng dẫn theo nhóm, nghiên cứu, thảo luận các patient case (tức hồ sơ bệnh nhân) theo từng cấp độ từ thấp đến cao trong vòng một đến hai tuần tùy theo sự phức tạp của mỗi hồ sơ. Từ năm thứ 3 trở đi mỗi nhóm chỉ còn 3 sinh viên, do một giáo sư hướng dẫn, khám các bệnh răng hàm mặt trong các Dental Clinic của nhà trường. Thầy trò gần gũi, nên sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và có thể nêu thắc mắc với người thầy bất cứ lúc nào. Mỗi sinh viên đều được giao cho một số bệnh nhân để khám và chữa bệnh, lập hồ sơ bệnh án bằng hình ảnh, X-quang, model. Cuối năm thứ ba và thứ tư đều phải làm các bài thuyết trình để chấm điểm. Năm thứ tư, sinh viên được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Tổng hợp tiểu bang, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Cựu chiến binh… để thực tập và sau đó làm luận án tốt nghiệp. Trương Công Đức được cấp bằng tiến sĩ tại Dental Medicine của Đại học Harvard, nơi anh từng nhận bằng thạc sĩ về nội khoa răng hàm mặt. Anh đã nhận được chứng chỉ công trạng (Certificate of Merit) về sự thông thái và triển vọng trong lĩnh vực chẩn đoán đường miệng của tổ chức các giáo sư, và hiện anh là người hướng dẫn về lâm sàng của khoa nội răng hàm mặt tại Trường Nha khoa thuộc Đại học Harvard; chuyên gia nghiên cứu có uy tín về Nha khoa tại tiểu bang Massachusetts.
Trường Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ). |
Trường Đại học Harvard (bang Massachusetts, Mỹ) không chỉ nổi tiếng với lịch sử gần bốn trăm năm đào tạo khoảng 25 ngàn sinh viên và có đến 360 ngàn cựu sinh viên khắp thế giới, với nhiều nhà khoa học, chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng. Đã có 10 tổng thống Mỹ, kể cả Bill Clinton và Obama, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, nhiều thủ tướng và nguyên thủ quốc gia các nước ở châu Mỹ, châu Âu và cả châu Á từng học tại đây. Nhiều nhà văn, nhà biên kịch, nghệ sĩ Hollywood, cả người đã sáng lập ra Facebook Mark Zukerberg và tác giả Harry Potter cũng góp phần làm cho ngôi trường này càng vang danh. Người Việt Nam từng học tại Harvard tuy không nhiều, nhưng ngoài các GS-TS. Nguyễn Xuân Oánh, GS-TS. Ngô Vĩnh Long ra, đất Quảng Nam hiện đã có hai người con tốt nghiệp từ đây, và lạ thay lại cùng là con cháu của làng Thanh Quýt, Điện Bàn. |
Sự nghiệp của Đức vững chắc từ kiến thức chuyên sâu, nên nhận được sự kính nể của đồng nghiệp và cộng đồng. Tuy vậy, cũng như vợ anh, chị Linda Phạm, mặc dù thành danh ở xứ người, say mê nghiên cứu khoa học, họ vẫn ít khi bộc lộ về mình. Nhưng anh đã nói với tôi về lẽ sống của mình trong dòng thư ngắn gọn bày tỏ tâm hồn tinh tế của một nhà khoa học, một thầy thuốc: “Lòng thù hận biến con người thành nô lệ, còn tình yêu thương sẽ buông tha chúng ta khỏi những toan tính ích kỷ…”.
Thạc sĩ Susan Hồng Nguyễn: Hãnh diện là người Việt Nam!
Con gái đầu lòng của một cựu cầu thủ quê Điện Bàn, nay làm chủ một garage ở San Jose, đó là Susan Hồng Nguyễn (ngoài cùng, bên phải ảnh), 28 tuổi, thạc sĩ Quản lý đô thị vừa tốt nghiệp năm 2014 của Đại học Havard. Susan là một học sinh giỏi toàn diện từ thời tiểu học, trung học. Hai lần được các tổng thống Mỹ tặng bằng khen cuối cấp học và em đã xa nhà đến 8 ngàn cây số để vào học tại Harvard từ năm thứ nhất đại học.
Năm 2011, Susan được chọn từ hàng ngàn ứng viên là thanh niên Mỹ để về Việt Nam hai tuần lễ theo chương trình VIET Fellows 2011, hỗ trợ bởi AAPIP, một tổ chức phi chính phủ (có trụ sở tại San Francisco), trong công tác hỗ trợ cộng đồng người châu Á ở Mỹ. Về Đà Nẵng, giao lưu với sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đến các quận ngoại thành ở TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ sinh hoạt hàng ngày cho những trẻ mồ côi trong Trung tâm bảo trợ Thị Nghè, Củ Chi. Susan tham gia chương trình này để vừa học và trải nghiệm, chia sẻ đời sống của nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, không may trong xã hội: trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin ở quê hương cha mẹ, nội ngoại của chính mình... Đi khắp nơi, Susan nói với mọi người, lúc nào em cũng hãnh diện là người Việt Nam!
Tôi cùng cha mẹ Susan đến Harvard đúng vào lễ tốt nghiệp MBA ngành Quản lý đô thị (Urban Management). Cha mẹ em được mời dự lễ tốt nghiệp phải bay gần 8 giờ từ San Jose đến Boston để mừng con. Tại buổi lễ tốt nghiệp quá đông đúc sinh viên và quan khách này, rất khó gặp được sinh viên người Việt nào giữa rất nhiều bạn trẻ nói tiếng Nhật và tiếng Hoa, người châu Âu, nhưng khi Susan được xướng tên lên sân khấu, nhìn em bắt tay các giáo sư và nhận bằng tốt nghiệp một cách đĩnh đạc, cổ họng tôi như nghẹn lại vì xúc động. Anh bạn Việt Kiều cùng đi với chúng tôi nói: Chỉ cần bước vào Campus của Harvard thôi mình đã thấy đổi khác, huống chi là Susan, em đã có đến 7 năm học ở đây!
Anh Nguyễn Hữu Hương, cha của Susan, nói với tôi: “Nếu cháu tiếp tục lấy bằng tiến sĩ, dù khó khăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng lo được!”. Dù cái garage sửa chữa ô tô của Hương ở San Jose không phải lúc nào cũng có thu nhập cao cho gia đình 4 miệng ăn.
Trong lễ trao bằng tốt nghiệp 2014, tác giả Harry Potter, nhà văn J.K. Rowling từng tốt nghiệp khoa Văn học cổ điển tại Harvard cách đây 21 năm đã được mời đến trao bằng danh dự và phát biểu trước sinh viên với chủ đề “Lợi ích của sự thất bại và tầm quan trọng của trí tưởng tượng”. Bà đã nói trong tiếng vỗ tay của hàng ngàn cử tọa: “Tôi là người thất bại lớn nhất mà tôi biết. Thất bại không bao giờ là niềm vui nhưng nó mang lại lợi ích, nó dạy cho chúng ta nhiều điều về bản thân mình và từ đó cho ta một ý chí mạnh mẽ…”. Rowling là trường hợp điển hình của một sinh viên nghèo đã tốt nghiệp Harvard từ khi trường này chuyển hướng đào tạo cho giới giàu có để chọn những người tài năng trên khắp thế giới. Hai người con gốc Quảng Nam, tiến sĩ Trương Công Đức và MBA Susan Hồng Nguyễn từng đến và rời Harvard có lẽ cũng cùng một tâm trạng của Rowling!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG