Hàng nông sản về xuôi phục vụ Tết

HOÀNG LIÊN 18/02/2015 14:17

(QNO) - Những ngày giáp Tết, dọc các tuyến đường QL 14B qua địa phận các xã Đại Hồng, Đại Sơn (Đại Lộc), đường Hồ Chí Minh qua các xã A Rooi, Za Hung (Đông Giang)… cảnh vận chuyển, thu gom hàng nông sản diễn ra khá tấp nập. Những chuyến xe về xuôi mang nông sản của núi rừng tỏa đi khắp mọi miền cung ứng cho tết.

Những cộ (xe trâu) chở thơm tập kết tại bãi.
Những cộ chở thơm tập kết tại bãi.

Những bãi tập kết thơm (dứa) của vùng Khe Hoa, D7 (xã Đại Sơn), địa phận giáp ranh với Nam Giang đông đúc từ 25 tháng Chạp tới nay. Những ngày này, dọc tuyến QL 14B đi qua địa phận Đại Hồng, Đại Sơn, những chợ thơm di động được hình thành, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Hàng trăm chiếc cộ (xe trâu) chở thơm từ nương rẫy về tập kết tại các chợ di động để tiện cho thương lái tới thu gom, vận chuyển. 

Theo nhiều chủ thơm vùng Khe Hoa, Đại Sơn, vụ thơm tết năm nay tuy giá cả không đắt đỏ như năm trước nhưng cũng ở mức cao, dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/trái. Theo đó, một vụ thơm tết, hộ trồng nhiều có thể thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng hoặc cả trăm triệu đồng; hộ trồng ít có thể đạt 20 - 30 triệu đồng. Ông Huỳnh Đức Cam, một tiểu thương tại Đại Lộc cho hay, từ 25 tháng Chạp tới nay đã thu gom cả chục vạn thơm của vùng Đại Hồng, Đại Sơn đưa đi bỏ mối sỉ các chợ đầu mối tại Đà Nẵng, Huế. Năm nay, nhu cầu thị trường thơm có phần ổn định bởi không chỉ là thực phẩm cho ngày tết mà còn là thứ quả dùng để thờ cúng tổ tiên. Vì đáp ứng nhu cầu chưng và thờ cúng nên thơm được thu mua phải còn là thơm xanh hoặc chỉ ở độ chín hường, trái đẹp.

Còn với bà Đinh Thị Thanh Nga, một tiểu thương có tiếng tại Đại Lộc, mỗi ngày thu gom cả chục xe tải thơm đưa đi cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên bỏ mối phục vụ nhu cầu ăn uống lẫn thờ cúng. Trung bình mỗi xe tải chở từ 8 vạn đến cả chục vạn thơm. Được biết, cả vùng Đại Lộc có khoảng 1.500ha đất trồng thơm, chủ yếu tập trung ở những vùng đồi núi của các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn, Đại Tân với số lượng hộ tham gia trồng lên đến vài trăm. Những vụ thơm bội thu đã góp phần đem lại đời sống ấm no cho người dân bản địa. Cây thơm đã trở thành cây hàng hóa của vùng Đại Lộc, đặc biệt là dịp Tết đến xuân về.

Nếu cây thơm trở thành “thương hiệu” của vùng núi rừng Đại Lộc thì cây chuối mốc đã trở thành cây hàng hóa, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào vùng cao.

Những xe tải gom thơm.
Những xe tải gom thơm.

Dịp tết này, bữa cơm tết của nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu thuộc các xã A Rooi, Za Hung, Sông Kôn, Zơ Ngây (Đông Giang) ấm cúng hơn nhờ cây chuối mốc. Những ngày cận tết, thương lái từ xuôi đến Đông Giang để mua chuối tươi vận chuyển về xuôi cung ứng để người dân làm quà, chưng bày cùng mâm ngũ quả bàn thờ tổ tiên.

Dịp tết, chuối xanh, đặc biệt là chuối mốc được tiêu thụ mạnh nên giá cả tăng vọt. Từ sáng sớm, người dân các xã A Rooi, Za Hung, sông Kôn đã gùi chuối từ nương rẫy xuống để bán cho thương lái với giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/nải chuối xanh. Hiện diện tích trồng chuối mốc ở Đông Giang lên đến hơn 500ha. 

Ông A Lăng Chươm - Trưởng thôn Gố (xã Za Hung) chia sẻ: "Vụ tết này, gia đình nào trong thôn cũng có chuối mốc để bán, người ít thì chục buồng, nhiều lên tới vài chục với mức thu nhập dao động từ 2 triệu đồng và cao nhất là 5 triệu đồng/hộ. Chỉ riêng năm 2014, toàn thôn trồng mới 1.000 gốc chuối mốc. Có được điều đó là nhờ sự khuyến khích, hỗ trợ của UBND xã trong việc hỗ trợ, cấp cây giống để bà con trồng nhân rộng”.

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, những mặt hàng nông sản từ núi rừng lại xuôi nguồn đổ về trăm ngả mang theo niềm vui về một cái tết no ấm cùng ước vọng đổi đời của người dân nghèo miền núi Quảng Nam.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN