Phần phước quê nhà

KHÁNH VÂN 18/02/2015 10:30

Vì nhiều lý do, nhiều người dân Đại Lộc phải tạm rời xa quê hương. Không còn như lớp người mà ông cha thường nói là “ăn cơm cà mèn nói chuyện quốc tế”. Phần lớn, họ đã biết tự thắp sáng ngọn nến trí tuệ của mình bằng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau được thu nhận, xử lý một cách có chủ định và sáng tạo…

Một lần, nghe anh em giới thiệu, tôi mới biết dân Đại Lộc quê tôi đã có người được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015). Đó là PGS-TS. Lê Hoài Quốc (người xã Đại An), Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP), nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Anh rất hy vọng con em Đại Lộc có thừa trí tuệ để đóng góp chất xám ở đây, dẫu bây giờ chưa thấy. Anh kể dự án Intel đi vào sản xuất từ tháng 6.2010, đến tháng 7 đã có sản phẩm chipset “made in Vietnam” đầu tiên xuất khẩu. Cuối năm 2010, giá trị xuất khẩu của nhà máy đạt 120 triệu USD, năm 2011 đạt 450 triệu USD và đến nay lũy kế giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Công ty Intel đã nộp ngân sách 12,7 triệu USD, trong đó thuế thu nhập cá nhân chiếm 8,5 triệu USD… Nghe con số ấy, tôi nghĩ, dân Đại Lộc quê tôi dù có “nổ” cỡ nào cũng “kính nhi viễn chi”. PGS-TS. Lê Hoài Quốc, cho biết 10 năm qua, SHTP đã hoàn thành giai đoạn 1 và thu hút được các tập đoàn lớn vào đầu tư là một thành công. Nhưng với riêng anh chỉ vui có một nửa, một nửa còn lại ở giai đoạn 2 là làm sao thu hút các nhà khoa học trong nước sáng tạo những thành quả khoa học công nghệ cao của riêng mình. Có như vậy mới thực hiện giấc mơ nội sinh khoa học. Trong “giấc mơ nội sinh khoa học” này, tôi cũng như anh, như những người Đại Lộc khác hy vọng vào lớp con em mình, bởi chất xám của người Đại Lộc không tồi.

Vui mùa xuân đến.Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Vui mùa xuân đến.Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Trong lớp trẻ trưởng thành sau ngày giải phóng, có Võ Tiến Trung (người xã Đại Cường). Anh tham gia kháng chiến chống Mỹ từ thuở thiếu niên. Địa chí xã Đại Cường có nhắc về thành tích của người mang tên Võ Tám lớn lên… như Phù Đổng – tôi nghĩ thế, bởi hiện nay, anh là Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, PGS-TS. Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng. Theo thông tin trên báo chí trong và ngoài nước, ngày 6.10.2011, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Washington, D.C., anh đã có buổi thuyết trình về chính sách quốc phòng Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ. Tham dự buổi thuyết trình có Phó Đô đốc Rondeau - Giám đốc Đại học Quốc phòng Mỹ, các quan chức và hàng trăm học giả, sĩ quan, cán bộ giảng dạy, cùng một số phóng viên của các cơ quan truyền thông Mỹ như Reuters, AP… Như vậy, anh là người Đại Lộc đầu tiên đứng trên bục thuyết trình bằng giọng quê mình ở giảng đường Đại học Quốc phòng Mỹ, và cũng là người Đại Lộc đầu tiên được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Lớp trẻ hơn, tôi muốn kể đến Phan Văn Thịnh (người thị trấn Ái Nghĩa). Năm 1993, là sinh viên năm thứ 2, Thịnh bỏ học giữa chừng, vì phải theo gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Thay vì phải đầu tắt mặt tối kiếm sống nơi xứ người, bằng nỗ lực tự thân, Thịnh được nhận vào Đại học California tại Berkeley rồi Đại học Stanford. Năm 2000, Phan Văn Thịnh nhận được học bổng toàn phần của Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ; làm nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia và tốt nghiệp tiến sĩ hạng ưu của trường này, đặc biệt là giải thưởng The Weintraub Award – một giải thưởng cao quý tôn vinh những nghiên cứu sinh có nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y khoa và sinh học. Khi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, Thịnh bắt đầu nghiên cứu về lymphoma - một dạng ung thư rất phổ biến và hiện có nhiều phương pháp chữa trị, nhưng hiểu biết về lymphoma rất hạn chế. Các công trình nghiên cứu về lymphoma của Thịnh và cộng sự được đăng trên một số tạp chí nổi tiếng như Nature (năm 2004) và Nature Immunology (2005), góp phần giải thích và cung cấp thêm sự hiểu biết cho lymphoma, đặc biệt là về DLBCL (một dạng lymphoma phổ biến nhất, chiếm khoảng 40% trong tổng số các trường hợp).TS. Phan Văn Thịnh được mời về giảng dạy tại Đại học Harvard ở tuổi chưa tới 40. Tôi đã từng đến thăm và nói chuyện ở ngôi trường này, nhưng rất tiếc chưa gặp được anh, nhưng tôi biết chắc chắn anh là người Đại Lộc đầu tiên đứng chân trên bục giảng của Trường Y khoa Harvard. Qua thông tin trên báo chí, tôi thấy anh phát biểu một câu rất chi là tình nghĩa: “Dù ở bất cứ nơi đâu, mình vẫn luôn tự hào là người Việt Nam và luôn mong mỏi có cơ hội để đóng góp vào nền khoa học kỹ thuật nói chung và y khoa nói riêng, nhất là y khoa Việt Nam”.

Điểm qua vài ba nhân vật như thế để mừng, để yêu thêm quê nhà, để tin thêm vào lớp trẻ. Ông cha mình thường dạy: “Con hơn cha là nhà có phước”, mà chỉ nhìn lướt qua những thành tựu của một số người con Đại Lộc xa quê, chúng ta dễ dàng nhận ra phần phước quê nhà không phải là mỏng!

KHÁNH VÂN

KHÁNH VÂN