Má hồng "bắt bệnh" máy bay
Khi nhớ lại Phùng Thị Thu Trang (32 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cũng không nghĩ một ngày mình trở thành nữ kỹ sư duy nhất trong ngành hàng không Việt Nam.
Công việc của kỹ sư Thu Trang là kiểm tra tình trạng kỹ thuật của máy bay, thông tin nhiên liệu, và hàng loạt thông số kỹ thuật phức tạp khác trong vòng 30 phút trước khi máy bay cất cánh.
Quệt mồ hôi trán chảy dài qua đôi kính cận, Trang bảo: “Công việc này đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Bởi khi máy bay được bàn giao cho các phi công là phải tuyệt đối an toàn. Bất kể đường bay dài hay ngắn đều phải cẩn thận như nhau bởi tai nạn hàng không liên quan đến rất nhiều tình huống và chi tiết phức tạp”. Sau khi kiểm tra động cơ và các thông số nhiên liệu, công việc tiếp theo là kiểm tra toàn bộ các bánh lốp máy bay, thân và cánh. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường trong quá trình bay lập tức đề xuất các biện pháp xử lý. Sau nữa là quan sát tỉ mẩn hàng trăm chiếc đồng hồ trong buồng lái, đối chiếu từng thông số, trao đổi cặn kẽ với cơ trưởng chuyến bay. Mỗi việc chi chít cứ nối tiếp nhau như thế và đòi hỏi độ tập trung cao. Cơ trưởng điều khiển chuyến bay VN 4696 hôm nay là phi công Silvino M. Turingan, người Philippines, với kinh nghiệm 20 năm làm cơ trưởng, cho biết, đến thời điểm hiện tại ông chỉ phát hiện nữ kỹ sư duy nhất tại Việt Nam đảm nhận công việc này. Và Thu Trang, tất nhiên phải làm cả việc nặng nhọc như… thay lốp máy bay.
Tìm bắt bệnh máy bay. Ảnh: T.V |
Có mặt tại đường băng cùng cộng sự của mình kiểm tra máy bay vừa hạ cánh, Giám đốc Chi nhánh miền Trung của Công ty CP hàng không Vietjet, ông Trần Hoàng Linh nhận xét: “Thời gian cao điểm tại sân bay Đà Nẵng có đến 13 - 16 chuyến cất - hạ cánh mỗi ngày vì vậy công việc của các kỹ sư phải đảm bảo liên tục. Thu Trang là kỹ sư được đào tạo ở Nga, cơ bản là máy bay quân sự nhưng khi chuyển qua các máy bay hiện đại của châu Âu, Trang nắm bắt và học hỏi khá nhanh. Đội kỹ thuật có 16 người, duy nhất Trang là nữ, cả nước bây giờ nữ kỹ sư “bắt bệnh” cho máy bay cũng chỉ có mình Trang”.
Thu Trang kể, khi đang nửa kỳ học ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trang nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Hàng không Moscow (Nga) và theo học 6 năm. Trong 12 người Việt Nam nhận học bổng năm đó chỉ có 4 nữ. Những ngày mùa đông Moscow tuyết rơi trắng trời, người ta nhận thấy một cô sinh viên Việt bé nhỏ ngồi co ro trong ký túc xá thút thít khóc vì nhớ nhà. Nhưng mơ ước bỏng cháy muốn chinh phục một công việc mới lạ thôi thúc Trang vượt qua. “Khó nhất là ngôn ngữ, từ điển Nga - Việt về chuyên ngành hàng không không có. Em phải dùng từ điển Nga - Anh để dịch và phải mượn vở của bạn bè, tìm đến thầy sau mỗi buổi học để nghe giảng thêm” - Trang tâm sự.
Đa số các bạn bè cùng lớp với Trang ngày ấy đều về giảng dạy tại các trường đại học, nhưng Trang lại chọn cho mình công việc sát với thực tế để thỏa niềm đam mê. “Một máy bay có hàng nghìn, hàng triệu chi tiết. Cấp độ của người kỹ sư hàng không được phân theo (CAT) cấp A, B, C... và phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ nâng cấp. Em cũng rất may mắn khi về nước được tiếp xúc với các anh chị kỹ sư người Việt, những người rất giỏi và nhiều kinh nghiệm về máy bay. Và dĩ nhiên em lại tiếp tục với ước vọng được chạm tay và chinh phục những tàu bay tối tân, hiện đại nhất trên thế giới” - Trang nói.
TẤN VŨ