Bên dòng sông La
Con sông Ngàn Sâu chảy qua Hương Khê, Vũ Quang gặp sông Ngàn Phố từ Hương Sơn đổ về tại bến Tam Soa. Từ đây nó mang tên mới là sông La - con sông dài không quá 15km nhưng lại rất nổi tiếng trong thơ, nhạc. Làng Đông Thái, trải dài từ bến Tam Soa này đến thị trấn Đức Thọ. Đây là quê hương của vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đầu tiên - Phan Văn Định.
Anh Phan Văn Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi trong chuyến tìm về xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn người Tùng Ảnh lại từng tham gia biên khảo cuốn Làng cổ Việt Nam nên anh Thắng rất am hiểu vùng đất nổi tiếng này. Anh cho biết quá trình hình thành dân cư ở Tùng Ảnh muộn nhất vào khoảng cuối thời Trần, đầu thời Lê, tức là cách đây khoảng 600 năm. Có công đầu khai lập là một số dòng họ như Mai Văn, Kiều, Phan Đình và Phan Trọng… Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhiều trận đánh lớn của nghĩa quân Lam Sơn đã diễn ra tại đây. Các tướng Lê Bôi, Nguyễn Lộng, Bùi Bị, Đinh Lễ là người Tùng Ảnh đã lập nhiều công trạng xuất sắc dưới trướng Lê Lợi.
Ông Phan Văn Vũ - người chăm lo hương khói cho gia đình họ Phan hiện nay. Ảnh: D.HIỂN |
Đến thời nhà Nguyễn, Tùng Ảnh nở rộ khoa bảng mà dẫn đầu là làng Đông Thái với 24 người đỗ tiến sĩ, cử nhân trong tổng số 44 người đỗ đạt cao của huyện Đức Thọ. Danh nhân nổi tiếng có Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, tiến sĩ Phan Trọng Mưu… Ông nội của Phan Văn Định là Phan Tam Tĩnh, đậu tiến sĩ năm 1842, từng được bổ làm Bố chính Hải Dương; bác ruột là tiến sĩ Phan Trọng Mưu. Cha ông Định là Phan Trọng Nghị, đậu cử nhân, từng làm giáo thụ. Khi Phan Đình Phùng lên núi Vũ Quang lập căn cứ chống Pháp, tiến sĩ Phan Trọng Mưu, cử nhân Phan Trọng Tựu và Phan Trọng Nghị đều quyết tâm ứng nghĩa. Chính “cái tội làm giặc Cần vương” ấy nên ông Phan Trọng Nghị thường xuyên bị bọn quan lại Nam triều đòi xuống công đường trình diện. Truyền thống gia đình đã nhen nhóm trong lòng cậu bé Phan Văn Định sự căm ghét bọn bán nước hại dân.
Một lòng theo Đảng
Lo hương khói nhà thờ ông Phan Văn Định hiện giờ là con trai thứ sáu của ông - Phan Văn Vũ. Năm 1984, đang là thượng úy công binh, chỉ huy đơn vị thi công các công trình phòng thủ ở Côn Đảo thì ông Vũ xin chuyển ngành về Đức Thọ để tiện chăm sóc cha già. Trong số các anh chị em, ông Vũ từ nhỏ được gần gũi cha nhiều hơn nên nghe đủ chuyện. Rằng có lần cậu bé Định nghe cha bảo cụ Phan Đình Phùng đánh thua Pháp vì súng do Cao Thắng chế kém hơn, bắn vài viên đã gãy lò xo. Chính vì thế Phan Văn Định quyết tâm thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế vì muốn học nghề chế tạo súng để đánh Pháp. Thế nhưng Trường Kỹ nghệ thực hành lại không có khoa này, Phan Văn Định bèn học lái ô tô vì nghĩ sẽ có dịp đi xa, kết giao bạn bè đồng chí hướng.
Năm 1923, Phan Văn Định tốt nghiệp, làm ở Huế một thời gian rồi chuyển vào Đà Nẵng lái xe cho hãng Staca. Tại đây ông làm quen với những thanh niên chí lớn như Lê Văn Hiến, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Tường… Họ thường gặp nhau bàn chuyện chính trị. Trong hồi ký, ông Phan Văn Định kể lại rằng năm 1925, cụ Phan Bội Châu sau khi bị Pháp đưa về quản thúc ở Huế có vào thăm Đà Nẵng. Nhóm bạn Phan Văn Định đến thăm, cụ Phan Sào Nam khuyên: “Làm nghề gì bây giờ cũng là làm nô lệ cho Tây. Anh em trẻ sức dài vai rộng nên tìm cách giải thoát cho được ách nô lệ này”. Câu nói của cụ Phan càng thôi thúc Phan Văn Định quyết tâm tìm kiếm tổ chức cách mạng. Tháng 1.1927, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đấy Phan Văn Định tích cực hoạt động trong giới thợ thuyền Đà Nẵng, góp phần tổ chức thắng lợi cuộc đấu tranh của các lái xe hãng Staca, buộc chủ hãng phải tăng lương, giảm bớt giờ cầm lái. Tháng 4.1928, Phan Văn Định chuyển vào Hội An, lái xe cho công sứ Pháp. Ông được tổ chức giới thiệu bắt liên lạc với Phan Thêm - Bí thư Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An và sinh hoạt trong chi bộ này. Với vỏ bọc người của tòa sứ, Phan Văn Định dễ dàng đi các phủ huyện, ra Đà Nẵng để liên lạc, chuyển tài liệu, truyền đơn cho cơ sở. Tháng 3.1929, ông được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam, sau đó được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ. Tối ngày 28.3.1930, tại Cây Thông Một ở Trường Lệ, nay thuộc phường Tân An, TP.Hội An, Xứ ủy Trung kỳ tổ chức hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Phan Văn Định được cử làm Bí thư.
Tỉnh ủy Quảng Nam ra đời đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh, nhiều chi bộ đảng và tổ chức quần chúng được thành lập ở các phủ huyện. Tại Hội An, ta tổ chức diễn thuyết công khai, treo cờ, rải truyền đơn khiến bọn Pháp rất lo ngại, tìm cách đánh phá. Thời gian này Phan Văn Định làm việc rất bận rộn, ông thường xuyên thức đêm để đọc, biên soạn tài liệu, chỉ đạo phong trào. Cuối tháng 10.1930, do một kẻ phản bội khai báo, Phan Văn Định cùng nhiều đồng chí bị bắt rồi đưa đi nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị.
Tấm gương người cộng sản
Tháng 8.1934 Phan Văn Định ra tù, bị đưa về quê quản thúc, sau đó ông xin vào làm tại Bến Thủy và hoạt động trở lại. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền tại Đức Thọ, đến năm 1946 chuyển sang công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tháng 10.1949 thì chuyển về Cục quân nhu, Tổng cục Hậu cần. Miền Bắc hòa bình cũng là lúc cải cách ruộng đất đến hồi cao trào, gia đình ông bắt đầu lao đao. Ông nội của Phan Văn Định lúc sinh thời có mua 10 mẫu ruộng làm hương hỏa và 10 mẫu làm ruộng học cho dòng họ. Mười mẫu học điền sau đó được chuyển cho gia đình Phan Văn Định, nhà có phát canh thu tô và nó trở thành nguồn cơn của hoạn nạn. Ông Phan Văn Vũ hồi tưởng: “Đội cải cách ruộng đất quy gia đình chúng tôi vào thành phần địa chủ bóc lột, nhà cửa bị tháo dỡ, đồ đạc bị tịch thu hết, sau sửa sai mới được trả lại nhưng cũng mất mát nhiều. Chuyện quy thành phần bóc lột này còn tạo nhiều hệ lụy cho tới cả anh em tôi sau này”. Cũng có lẽ vì thế nên từ đầu năm 1957 ông Phan Văn Định lần lượt được chuyển về làm giám đốc hai nông trường rồi nghỉ hưu vào năm 1962.
“Ở quê hương không ai biết bố tôi từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cụ cũng không kể với ai điều này. Chuyện gia đình bị quy thành phần địa chủ, bố tôi cũng không một lời phàn nàn. Cụ bảo các con không được oán trách, rồi Đảng sẽ hiểu”. Ông Vũ kể tiếp: “Những đêm nằm ôm tôi vào lòng, cụ bảo quãng đời ở Quảng Nam - Đà Nẵng là những năm tháng đẹp nhất vì ông bắt gặp được lý tưởng của Đảng, sống trọn vẹn với nhiệt huyết tuổi trẻ, đã cùng chiến đấu với những đồng chí rất kiên cường. Lái xe cho công sứ Pháp, mỗi tháng được trả 35 đồng tiền Đông Dương, ông dành 15 đồng để làm kinh phí cho tổ chức hoạt động. Số tiền ấy mua được cả cây vàng. Cụ cũng động viên chúng tôi đất nước đang cần, các con phải lên đường đánh giặc”. Cả thảy bảy người con trai của ông đều gia nhập quân đội. Người con cả tham gia đánh Pháp và hy sinh ở Ninh Bình. Thời chống Mỹ thêm một người nữa hy sinh. Sau năm 1975, ông Phan Văn Định nhiều lần vào Quảng Nam - Đà Nẵng đóng góp tích cực cho việc biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh. Tháng 5.1984 ông qua đời, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Nâng cuốn “Quảng Nam - những tấm gương cộng sản” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam gửi biếu, ông Phan Văn Vũ thì thầm khấn một hồi lâu rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ cha. Trong khói hương trầm mặc, tôi như thấy từ di ảnh, đôi mắt vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đầu tiên - Phan Văn Định ánh lên nét cười…
DUY HIỂN