Đời đời ơn Bác

THÀNH TRUNG 14/02/2015 09:24

Kỷ niệm về Bác Hồ của các thế hệ lão thành thì nhiều lắm, mỗi người mỗi vẻ và luôn hiện lên với niềm kính yêu vô vàn vị cha già dân tộc. Với ông Đinh Văn Niệm - nguyên trợ lý cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, một người con đất Quảng, kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ cách đây gần 60 năm vẫn vẹn nguyên ký ức.

Ông Đinh Văn Niệm tập kết ra miền Bắc từ tháng 11.1956 và vinh dự được đứng trong hàng ngũ các cán bộ trung cao cấp miền Nam học tập ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay). “Một buổi sáng, tôi nghe tin hôm nay có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhưng thông báo không nói rõ là ai. Giờ gặp mặt sắp đến, chúng tôi mới hay Bác Hồ đến thăm trường. Lúc đó lòng tôi bừng lên sự hồi hộp và háo hức, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực” - ông Niệm kể trong niềm háo hức vẫn vẹn nguyên như gần 60 năm trước.

Ông tiếp tục câu chuyện mà chúng tôi chờ đợi: Lúc đó tất cả cán bộ ở trường không biết Bác Hồ đi đường nào, thăm nơi nào trước để tổ chức đón Bác. Hóa ra Bác vào thăm nhà ăn và chỗ ngủ của anh em cán bộ trước tiên. Bác xem xét từng vật dụng của cán bộ, xem kỹ giường ngủ. Sau đó, Bác ra hội trường chúc mừng những đứa con của miền Nam ra Bắc. Bác nói rất chân tình: “Đảng và Chính phủ luôn luôn chăm sóc và đào tạo để các cháu trở thành người tài giỏi trở về xây dựng miền Nam và cả nước”. Bác căn dặn nhà trường phải hết sức chăm sóc đầy đủ cho học viên, dặn cán bộ mặc dù có chiến tranh nhưng vẫn phải giữ gìn sắp xếp trật tự phòng ngủ, phòng ăn cho có kỷ luật… Bất ngờ nhất là lúc Bác hỏi: “Cán bộ nào trẻ tuổi nhất trong số các cháu thì đứng dậy Bác biết”. Vài chục người đứng lên, trong đó có tôi. Bác vỗ tay nói: Thế là tốt. Câu nói của Bác sau đó làm anh em cán bộ phải suy nghĩ: “Các cháu là cán bộ miền Nam trẻ tuổi, đừng lãng phí thời gian quá nhiều ở miền Bắc mà hãy tranh thủ trau dồi kiến thức để trở lại góp sức cho miền Nam, giải phóng đất nước”.

Sau lần gặp Bác Hồ, ông Niệm cảm nhận rõ hơn hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ông nói: “Bác quan tâm đến chúng tôi bằng tấm lòng của người cha đối với các con, các cháu, lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Từ ngày đó, mỗi khi đối mặt với khó khăn gian khổ, tôi đều nhớ đến những lời dạy của Bác để mà vượt qua, trau dồi bản thân”. Ông Niệm cũng nhớ, việc tiết kiệm được Bác nhắc đến nhiều trong các chỉ đạo về kinh tế. Bác luôn dặn dò các đồng chí lãnh đạo rằng: “Trong khi chiến tranh thì phải lãnh đạo nhân dân hết sức dành dụm cái phần mà mình có được, hết sức hạn chế việc tiêu dùng trong nước, dành cho xuất khẩu để  thu về ngoại tệ mua vũ khí đạn dược giúp cho đồng bào miền Nam”. Bác chỉ đạo Bộ Ngoại thương cặn kẽ về từng mặt hàng: mặt hàng nào xuất khẩu, mặt hàng nào dùng trong nước. Cố gắng tiêu dùng trong nước hết sức tiết kiệm, dành mặt hàng tốt xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước.
 Bác Hồ là người rất thương yêu đồng bào nhưng lại rất nghiêm khắc đối với những cán bộ tham nhũng. Bác không tha thứ cho những hành động xâm phạm vào tài sản của nhân dân để tư lợi riêng cho mình. Ông Niệm vẫn nhớ rõ lời dạy của Bác về phòng chống tham nhũng: Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào xã viên mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế… Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí. “Với Bác, tội tham nhũng là tội hại nước hại dân nên không thể tha thứ. Chúng tôi lúc đó đều tự hứa sẽ nêu cao tinh thần làm việc, chiến đấu hết lòng vì nhân dân, tuyệt đối không xâm phạm vào tài sản của nhân dân” - ông Niệm nói.

Giờ đã 85 tuổi, ông Niệm vẫn tự hào vì đã được gặp Bác, ông luôn coi đó là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời. Từ đó, ông nhận rõ hơn tấm lòng và tình cảm sâu sắc của Bác đối với sự nghiệp của đất nước. Và ông Niệm chia sẻ rằng, mỗi lời dặn dò của Bác đều thấm đẫm tính nhân văn, thương dân, thương cán bộ, để chúng tôi và chúng ta đời đời nhớ ơn Người!

THÀNH TRUNG

THÀNH TRUNG