"Mùa xuân đầu tiên" ở làng Bút Tưa

ĐĂNG NGUYÊN 13/02/2015 10:47

(QNO) - Làng Bút Tưa cũ (ở tổ dân cư số 2 làng Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) hiện có 4 hộ dân sinh sống yên vui, chuẩn bị đón một cái tết… đầu tiên sau biến cố bỏ làng vì cái chết xấu.

Quyết tâm bám làng

Khu dân cư số 2 của làng Bút Tưa sau biến cố vào đầu năm ngoái, chỉ còn 3 hộ dân ở lại. Cỏ đã lên xanh, um tùm, che khuất tầm nhìn về phía những ngôi nhà hoang. Alăng Leo (26 tuổi) một mình hì hục ngồi đan những tấm phên nứa, hoàn tất căn nhà bếp. Gần một tháng trước, căn nhà bếp của Leo được thanh niên tình nguyện của Huyện đoàn Đông Giang hỗ trợ láng nền xi măng. Vợ sinh, Leo một mình lo mọi công việc gia đình.

Ông Alăng Tơi - một trong 3 hộ dân còn ở lại tổ dân cư số 2 làng Bút Tưa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Alăng Tơi - một trong 3 hộ dân còn ở lại tổ dân cư số 2 làng Bút Tưa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

 Cũng như nhiều người Cơ Tu khác trong làng, Leo không muốn kể về sự cố trước đây nữa. Sự cố về “cái chết xấu” đã xáo trộn đời sống của người dân Bút Tưa. Chính quyền vào cuộc nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. 17 hộ dân rời làng, đập bỏ nhà cửa. Làng Bút Tưa tan hoang. Tâm lý lo sợ hiện hữu trên từng gương mặt của dân làng. Già Alăng Teng, ông nội Leo khi ấy cùng con cháu quyết tâm ở lại, vượt qua nỗi ám ảnh. “Ai đi thì đi, mình vẫn ở lại. Giặc Mỹ mình không sợ, thời chừ sợ cái gì nữa”. Sự quả quyết của già Teng cùng con cháu đã khiến nhiều người, nhất là chính quyền địa phương “ưng cái bụng”.

Ông Alăng Điều - Trưởng thôn Bút Tưa cho biết, dân làng địa phương rất khâm phục tinh thần của các hộ Alăng Tơi, Alăng Tới, Alăng Leo vì dám đối mặt với “cái chết xấu”, dám vượt qua nỗi ám ảnh và hủ tục của dân làng. Khâm phục hơn, là ở thời điểm “nhạy cảm” đó, khi vợ của ông Teng cũng đột ngột qua đời.

 Một góc ngôi nhà của những người dũng cảm ở làng Bút Tưa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc ngôi nhà của những người dũng cảm ở làng Bút Tưa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

 Theo Alăng Tơi, địa hình vùng đất trước đây rất đẹp, gắn bó hàng chục năm với đồng bào, dân bản. “Chừ có bỏ đi, biết tìm chỗ mô mà sống. Đâu phải như hồi xưa ưng là bỏ đi, tìm đất mới. Giờ chừ đất đai cũng đều có chủ hết rồi. Đất mình đây, nhà mình đây, mình sống ở đó. Có việc gì đâu!”, ông Tơi nói.

“Tết đầu tiên”

Bây giờ, cuộc sống của 3 hộ dân còn lại ở tổ dân cư số 2 đã ổn định. Dù chỉ cách “làng cũ” chừng hơn trăm mét nhưng ông Alăng Tới cho hay, cuộc sống vẫn bình yên mỗi ngày. Ngôi nhà của một hộ dân bỏ đi, cạnh nhà ông Tới nay đã được bán lại cho Alăng Liên (em ruột của Leo), vừa mới lập gia đình. Vì thế, hiện có 4 hộ dân sinh sống tại làng cũ, yên vui chuẩn bị đón một cái tết… đầu tiên.

Khó khăn về nước sinh hoạt

Dù tâm lý đã ổn định, nhưng các hộ dân sinh sống ở tổ dân cư số 2 Bút Tưa cho biết hiện rất khó khăn về nước sinh hoạt. Cái giếng duy nhất được gia đình ông Alăng Tơi bỏ tiền ra xây hơn 10 năm trước, nay đã xuống cấp, nhiễm phèn nặng. Người dân dù có muốn bắt đường ống dẫn nước về nhưng khoảng cách từ đầu nguồn nước về tới khu dân cư dài hơn 7km, nên cũng đành chịu. Trong khi đó, đường dẫn nước sạch cung ứng cho người dân xã Sông Kôn cũng không thể kéo về tới các hộ dân ở  dân cư số 2 vì… ngược dốc. “Nếu Nhà nước hỗ trợ ống dẫn, người dân chúng tôi sẵn lòng bỏ công sức để cùng kéo nước về” -  Alăng Leo mong mỏi.

“Mấy năm trước ăn tết đông vui lắm. Dân làng còn đông, tối giao thừa thường quây quần bên nhau chung vui. Năm nay, dù hơn nửa dân làng đã bỏ đi nhưng không khí tết vẫn rộn ràng” - ông Tới nói. Con trai ông Tới, anh Alăng Phương năm ngoái cũng vừa trở về sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Cuối năm 2014, Phương cưới vợ trong niềm vui của dân làng. Không khí tươi vui đã được trở lại với đồng bào Cơ Tu ở khu dân cư số 2, làng Bút Tưa.

Già làng Bút Tưa - Alăng Văng tâm sự, bây giờ dân làng không còn lo sợ về chuyện “ma ám” nữa. Cả 17 hộ dân bỏ đi, giờ một số hộ cũng đã dựng lại nhà cửa ổn định, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Vài tháng trước, dân làng Bút Tưa rủ nhau vào rừng kiếm hạt mây, đem về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Tết năm nay chắc chắn sẽ khó hơn mọi năm. Nhưng dân làng không lo, có được chừng nào vui chừng ấy” - già Văng bộc bạch. 

Bà Đinh Thị Ngơi - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, kể từ sau sự cố tại làng Bút Tưa, chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc vận động, tuyên truyền đồng bào không mê tín, dị đoan làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Chính quyền huyện Đông Giang cũng đã có ít nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân còn ở lại tại tổ dân cư số 2 Bút Tưa yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN