Nhớ tết
Tết - cái từ đã quá đỗi quen thuộc đối với người Việt Nam, nhất là đối với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Và cũng có một thực tế là những lúc đời sống càng khó khăn, thiếu thốn thì cái tết của những năm tháng đó càng có giá trị, làm người ta nhớ hoài, nhớ mãi. Đối với người viết, có những cái tết đã lưu lại trong ký ức của mình mà đến bây giờ, khi đời sống đã sung túc hơn nhưng những hoài niệm về những năm tháng ấy vẫn còn đấy ắp. Đó là những cái tết sau ngày đất nước thống nhất và những năm bao cấp. Khó khăn nhưng đầm ấm và đầy tình người, không khí chuẩn bị tết khi ấy đã để lại những ấn tượng khó quên với bất kỳ đứa trẻ nào trải qua giai đoạn chiến tranh, đổi mới của đất nước như lứa chúng tôi.
Nhớ lại, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông liền một dải, cái tết đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất - Tết Bính Thìn 1976, cũng là năm cuối cùng gia đình tôi ăn tết trên đất Bắc thân yêu. Một cái tết thật ý nghĩa mà chúng tôi thường gọi là “tết góp”, vì trong tết này, hàng xóm ở khu tập thể chúng tôi tổ chức ăn tết theo kiểu mỗi nhà góp vài món, gọi là độc đáo nhất của nhà mình, tập trung vào một nhà để cùng chung vui, một cái “tết thống nhất” đúng nghĩa mà mọi sự chúc mừng đổ dồn về gia đình miền Nam tập kết như gia đình tôi. Trong cái tết này, ba má tôi lại có dịp trổ tài nấu các món ăn miền Trung, miền Nam để mọi người thưởng thức như đồ trộn, cơm gà Hội An, chả ram... Không khí tết năm đó thật vui nhưng cũng ẩn chứa bao nỗi lưu luyến, bịn rịn do gia đình tôi phải chia tay với bà con hàng xóm thân thương, chia tay với nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên và được cưu mang đùm bọc để theo ba má về lại quê cha đất tổ.
Những cái tết sau đó, đều có những kỷ niệm khó phai mà bây giờ có kể lại thì con cháu cũng không dễ mà mường tượng ra. Sau khi gia đình chuyển về Đà Nẵng là những cái tết của thời bao cấp, của cấm vận kinh tế, của chiến tranh phía Bắc, Tây Nam. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Tôi còn nhớ, khoảng từ 26 tết, nhà nào cũng chuẩn bị trang hoàng, nào là quét mạng nhện, quét lại vôi ve tường, lau dọn nhà cửa, kê lại đồ đạc cho gọn gàng và chuẩn bị cho cuộc gói bánh chưng, bánh tét. Thường là mấy nhà ở khu tập thể rủ nhau bắc bếp trên hành lang hay sân của khu tập thể để cùng ngồi canh nồi bánh. Nồi luộc khi ấy là cái thùng phuy quanh năm đựng gạo, chỉ có dịp tết mới đem ra nấu bánh. Cả khu tập thể cách vài nhà lại có một bếp nấu bánh, củi lửa nghi ngút. Buổi tối cả nhà, đôi khi có cả người quen trong khu tập thể, quây quần quanh nồi bánh trò chuyện, kể về một năm đã qua, tiếng cười nói rôm rả thâu đêm.
Có thể nói, những ngày chuẩn bị mua sắm cho ngày tết mới đúng là tết. Từ chuyện đi xếp hàng mua gói hàng tết gồm một hộp mứt mà cả năm mới nhìn thấy, hai ba bao thuốc lá thơm, một phong pháo, rồi những thứ khác trong túi hàng như mì chính, hạt tiêu bắc… Những năm trước năm 1996, trước tết cả nửa tháng, pháo đã nổ râm ran, càng gần ngày giáp tết pháo nổ càng nhiều, chỉ làm cho người ta càng thêm sốt ruột. Cũng may là sau đó, Nhà nước đã cấm hẳn chuyện đốt pháo, lúc đầu cũng cảm thấy có vẻ thiếu hụt một cái gì đó quen thuộc. Nhưng lâu rồi cũng thấy quen và thấy… khỏe cả người vì không bị quấy rầy bởi những tiếng ồn đinh tai nhức óc và hít phải khói pháo mù mịt, không phải nghe những tai nạn thương tâm liên quan đến pháo...
So với bây giờ, những cái tết trước năm 2000 còn thiếu thốn nhiều. Tết đến, trong nhà có được tờ lịch một trang, có hình ảnh, màu sắc sặc sỡ là quý lắm rồi, nhà nào khá mới có lịch nhiều tờ. Rượu tết mà có chai Thanh Mai là “ngon”, đâu có đề huề bánh mứt, rượu bia như bây giờ.
Vậy mà những cái tết đó vẫn vui… như tết. Mọi người quan tâm đến nhau, hỏi thăm, chúc mừng nhau chân thành, con cháu được lì xì vừa phải, đôi khi chỉ mang tính tượng trưng. Đó là những cái tết có giá trị đối với thế hệ chúng tôi, không thể so sánh với cái tết bây giờ và dám chắc rằng, những năm tháng đó, tết càng đầm ấm và có ý nghĩa, chân tình, “tết ra tết”, ai cũng mong ngóng chờ trông tết đến…
Lại một mùa xuân mới, mùa xuân hòa bình thứ 40 của đất nước lại đến. Đất nước đã bước sang trang mới của hội nhập và phát triển. Trong niềm vui chung đó, chúng tôi, những người thế hệ “6X” vẫn không thể nào quên những cái tết của một thời đất nước gian khó nhưng ấm áp tình người, thiếu thốn vật chất nhưng đậm đà khó quên.
DÂN HÙNG