Qua chợ Bà Bầu
Trên đường thiên lý Bắc Nam, nhiều người từng đi qua chợ Bà Bầu, nhưng có lẽ ít người biết chợ Bà Bầu còn có tên là chợ Vĩnh An (ngày xưa, người dân lấy tên làng đặt tên chợ). Các cụ già trong làng kể lại rằng, chợ Bà Bầu trải qua nhiều lần di chuyển: Thời Pháp xâm lược nước ta, chợ Vĩnh An họp tại Xóm Đình, đối diện Bến Đùi. Lúc bấy giờ, chợ họp cả ban đêm. Ghe thuyền các nơi tấp nập đổ lên bến sông; dân từ Đức Bố qua; người từ làng Khương Mỹ, Thạch Kiều xuống, từ Phú Bình, Kỳ Hưng vô. Sau, chợ được dời về phía tây đường sắt. Dân quanh vùng lập miếu thờ trong chợ, gọi là Miếu Thị. Những năm ấy, giặc Pháp hay thả bom xuống khu vực này. Chợ cháy. Người dân đành về họp chợ ở phía đông đường sắt, gần quốc lộ 1 bây giờ. Tên chợ Bà Bầu có từ thời điểm này. Sau mấy mươi năm dầm mưa dãi nắng, chợ Bà Bầu chính thức được Nhà nước xây dựng khang trang bên tả ngạn sông Bà Bầu, dưới chân cầu nối quốc lộ 1.
Chợ Bà Bầu nằm bên tả ngạn sông. |
Tôi về Tam Xuân - Núi Thành, qua chợ Bà Bầu, bỗng dưng lòng cồn cào nhớ mẹ. Tiếng ai như tiếng mẹ gọi ngày xưa. Hai mẹ con dắt nhau vượt qua đường tàu lửa, hối hả bước tới chợ Bà Bầu. Chân tôi líu quíu theo mẹ vô chợ mà mắt cứ dán vào cái mủng kẹo ú bày bên cạnh những con tò he sặc sỡ. Mẹ mua vài viên kẹo ú, được gói trong lá chuối khô. Tôi mừng rơn, khum đôi tay nhỏ nhắn đón nhận gói kẹo, rồi đứng khép nép bên cổng chờ mẹ. Gần trưa, tôi thấy mẹ ôm mủng khoai sắn bước ra. Tôi tủi thân nhìn xuống, mấy viên kẹo ú trong tay chảy nước tự khi nào.
Bây giờ, trong chợ không còn ai bán kẹo ú. Mẹ theo tổ tiên đã hơn ba mươi năm. Mình tôi, thi thoảng ghé vào chợ Bà Bầu, tìm lại bóng dáng người xưa lẫn trong tiếng cười nói xôn xao. Nơi đó vẫn còn bán bánh đúc - một thứ bánh nổi tiếng chợ Bà Bầu thuở trước. Những mẹt bánh gạo nóng hổi, màu nâu sẫm, được bày trên chiếc mâm to, dưới bánh có lót lá chuối xanh. Bên cạnh là một hũ mắm cá cơm, một đĩa gia vị: tỏi, ớt, chanh, gừng. Khách xuýt xoa quây quần quanh mâm, tự dầm trái ớt xanh, tự tay cắt từng miếng bánh, chấm với mắm cái mà thấy dậy lên hương gạo mới nồng nàn, vừa thơm thảo nỗi lòng quê xứ, lại vừa ấm áp nghĩa tình dân dã.
Đặc biệt, món mỳ Quảng ở chợ Bà Bầu được nhiều người tấm tắc khen ngon. Có lẽ vì chợ Bà Bầu nằm bên cạnh dòng sông nước lợ, tôm cá sinh trưởng nhiều, nhất là tôm đất thịt dai sừ, ngọt lự. Tôm đất tươi nơi đây nấu làm nhưn mỳ là hữu tình với vùng đất “nhất cận thị, nhị cận giang”. Còn thêm một loại rau phổ biến ở Bà Bầu, đó là rau đắng. Ngọn rau đắng “sánh duyên” với bắp chuối sứ xắt mỏng, rất hợp với triết lí âm - dương lẫn nghệ thuật ẩm thực. Chút nhân nhẫn, ấm áp của rau quyện với vị ngọt bùi, thanh thoát của tôm đất càng làm tâm hồn người phấn chấn, hứng khởi sau dặm đường “bụi cuốn chinh an”.
Để rồi người thảng thốt nhận ra món ấy ngon chính là ở tấm lòng người thưởng thức. Để rồi lòng yêu hơn, thương hơn những con người chân lấm tay bùn biết sáng tạo cho đời những món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê hương, thấm đẫm tình yêu nguồn cội.
NGUYỄN TẤN CẢ