Tết trong hương vị cổ truyền

SONG ANH 12/02/2015 09:00

Tết cổ truyền - ngay từ cách gọi tên đã thấy đẫm đầy phong vị truyền thống dân tộc. Cùng những phong tục tự nghìn đời, xuân Ất Mùi này, người dân xứ Quảng sẽ được sống lại cùng những “thú chơi” cũ, của ông bà mình.

 Sắc bùa chúc xuân. Ảnh: Lê Vấn
Sắc bùa chúc xuân. Ảnh: Lê Vấn

Nghe tuồng ngày tết

Từ những ngày này, dù bận rộn chuẩn bị sửa sang nhà cửa, sắm sanh tết nhứt, các “nghệ sĩ không chuyên” của mấy vùng đất tuồng vẫn tranh thủ thời gian tập hợp, dành vài tiếng đồng hồ để tập luyện chuẩn bị phục vụ nhân dân dịp tết. Trong hành trình của bộ môn tuồng cổ, đất Quế Sơn, với gánh tuồng Khánh Đức từng một thời là nỗi mong chờ của từng làng xóm xứ Quảng. Gánh tuồng dù đã tan rã từ bận nào, nhưng mạch nguồn xưa vẫn đủ nuôi đam mê. Người dân xã Quế Thuận, Quế Châu vẫn còn nguyên sơ lòng yêu quý bộ môn truyền thống. Tết với họ, là để dành thời giờ nghe tuồng, diễn tuồng… Vốn quý nhất của vùng đất Quế Sơn, đó là sự trân trọng văn hóa truyền thống để có những động thái duy trì sức sống cho bộ môn nghệ thuật này. Nghe tiếng trống chầu giục giã, thấy những “đào”, những “kép” vẫn say sưa với trích tuồng cổ, chăm chuốt cho từng bộ hia, râu, áo mão, đặc biệt là khâu vẽ mặt… mới thấy hết niềm đam mê của họ. Phòng VH-TT huyện Quế Sơn cho hay, bắt đầu từ đêm mùng 3 tết, các sân khấu ở địa phương sẽ “sáng đèn” để những câu lạc bộ tuồng - dân ca của huyện biểu diễn phục vụ nhân dân. Hiện nay ở Quế Sơn vẫn còn 14 câu lạc bộ như thế tồn tại, mỗi câu lạc bộ là sự gom nhặt của những niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống ở vùng đất bán sơn địa này. Ông Cao Đức Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Quế Sơn chia sẻ: “Lòng say mê nghệ thuật, tinh thần nhiệt huyết của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên sẽ mang đến một không khí tết với thú thưởng thức tuồng xưa - mang về hôm nay những ngày tết đã xa”.

Một số điểm du xuân trong những ngày Tết Ất Mùi hứa hẹn mang đến nhiều hứng khởi cho năm mới như Làng lụa Hội An, Không gian Nhà Việt Nam (Vinahouse), Làng rau Trà Quế… TP. Hội An sẽ miễn phí vé tham quan trong 3 ngày Tết cho du khách khắp mọi nơi. Làng lụa Hội An mở cửa đón khách tất cả các ngày. Bạn sẽ được trải nghiệm ngày hội mùa xuân đặc sắc với những phần trình diễn kỹ thuật ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam và Champa, tham gia phiên chợ quê mua sắm lụa tơ tằm…

Dập dềnh sóng nước những ngày đầu năm, đến vùng thượng nguồn Thu Bồn - cũng là nơi tuồng đồ còn giữ ngọn lửa tồn tại khá lớn, cả 7 câu lạc bộ tuồng - dân ca cùng những  “người nông dân mê tuồng” đang chuẩn bị phục trang để “ba ngày Tết, bảy ngày Xuân” thức dậy những trích tuồng xưa. Xuôi theo dòng Thu Bồn, những ngôi làng ven sông với vốn yêu mê hò hát, ngày xuân là dịp để họ ngồi cùng nhau bên những chiếu tuồng nơi đình làng, nơi bãi sông, nơi vuông đất trống đầu làng với sân khấu do người làng dựng. Tết này, cụ Nguyễn Quỳnh - người “giữ lửa” đất tuồng Duy Xuyên nói, khi đội tuồng Sông Thu không còn, thì may mắn quá, vẫn còn kịp hình thành một thế hệ trẻ với lớp lang bài bản, đủ làm nên hội tuồng đất làng. Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên cho biết, năm nay, ngoài những hoạt động vui xuân thường niên như hội hoa xuân, các hoạt động văn nghệ giải trí, thì sân khấu tuồng, cũng như dân ca kịch bài chòi sẽ trở thành điểm nhấn cho hội xuân của vùng đất di sản.

Sắc bùa chúc xuân

Theo kế hoạch, hội Tết Ất Mùi năm nay, TP. Hội An sẽ tổ chức các hội thi như “Sắc xuân tuổi trẻ”, “Hội ngộ văn nghệ Hội An”, “Tiếng hát mùa xuân và nhịp điệu tuổi thơ”, “Hội Tết trồng cây, đua thuyền truyền thống”… Tết năm nào cũng vậy, Hội An luôn đông đúc, rộn ràng. Tụ hội gần như tất thảy những “đặc sắc” của xứ Quảng, từ ẩm thực, các trò chơi truyền thống, không gian tết ở Hội An luôn cuốn hút người khắp mọi nơi. Từ giữa tháng Chạp, phố phường Hội An đã lung linh bởi những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, màu sắc từ hoạt động trang trí đèn lồng đường phố do thành phố phát động. Ngoài đèn lồng được trang hoàng khắp nơi, các gian hàng trò chơi cũng tạo nên điểm nhấn riêng cho Hội An. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết: “Năm nay chúng tôi xây dựng các “vườn hoa ngày xuân” gắn với những trò chơi dân gian. Trên phố cổ sẽ có chương trình “Thư pháp ngày xuân”. Tại các xã, phường cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian và hiện đại phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân cũng như du khách khắp nơi”.  Cũng như nhiều lễ hội khác, Hội Tết ở phố cổ luôn dành những góc đường tĩnh lặng để khách trầm mặc cùng phố. Ở đó, du khách có thể tĩnh tại chiêm nghiệm những câu đối xuân, hay chỉ đơn giản để lòng mình lắng xuống cùng những giai điệu nhạc cổ truyền vang vọng.

Sau 2 năm phục dựng hoạt động “Dựng cây nêu ngày tết”, năm  nay, những người làm văn hóa Hội An tiếp tục tạo điểm nhấn trong các hoạt động xuân của mình bằng những phong tục, nghệ thuật truyền thống. Năm nay, tục “Sắc bùa chúc xuân” tiếp tục hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân địa phương cũng như du khách được trở về với tết cổ truyền đúng nghĩa. Và hình ảnh một đội sắc bùa với “khăn đóng áo dài, đem theo trống cơm, sinh tiền, phách tre, phía trước có người xách chiếc đèn lồng bằng giấy hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới có 4 tua đủ màu sắc đi chúc tết khắp làng trên xóm dưới”, chỉ mường tượng thôi đã thấy phong tục này đúng chất Tết Quảng.

Cùng với phố cổ Hội An, TP.Tam Kỳ với những hoạt động xuân như hội hoa xuân - báo xuân, cho chữ ngày tết… sẽ thắp lên một không khí tết truyền thống tràn ngập phố phường. Năm nay, các “chòi tre” được dời về phía Quảng trường 24.3 - một không gian khá hoành tráng của sắc màu và ánh sáng sẽ thu hút người đến nghe, xem và chơi bài chòi. Các đội bài chòi của những xã ven biển Tam Thăng, Tam Phú vẫn đang tích cực tập luyện, để dựng cho rõ nét những gian trò chơi xuân truyền thống. Trong khi đó, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam vẫn đang trong những ngày tập luyện cao điểm nhất, để từ đêm mùng 3 tết, vở diễn “Lâu dài cát” sẽ được mang đi khắp vùng quê xứ Quảng.

Một mùa “trẩy hội tết” đang đến rất gần, đậm hương vị cổ truyền…

SONG ANH

SONG ANH