Về quê Bác…
Quê Bác Hồ - huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dường như không ngày nào ngớt người đến viếng thăm. Dòng người vẫn cứ chậm rãi đi về phía mái nhà tranh, nơi chất chứa hàng nghìn ký ức tuổi thơ của con người vĩ đại nhất dân tộc - Bác Hồ.
Khách từ mọi miền đất nước về thăm quê Bác. |
Quê nội - quê ngoại
Cả làng Sen và làng Chùa đều thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cách nhau chừng 2km. Vùng quê này còn bảo tồn những nếp nhà tranh nằm ẩn khuất dưới tàn cây xanh. Nhỏ bé, khiêm nhường và bình dị, quen thuộc như trong những bức tranh lụa, những tấm ảnh về làng quê Việt Nam xưa. Về quê Bác Hồ, câu chuyện nghe hàng trăm lần về “sự tích ngôi làng”, về tuổi thơ đầy cơ cực của Bác vẫn chưa bao giờ thấy phai nhạt. Nhiều người bảo, từ nhỏ đã đọc sách về Bác Hồ, nghe kể chuyện Bác Hồ, đến lúc về đây nhiều lần, nghe các cô hướng dẫn viên thuyết minh về Bác lại cứ như mới, nghe hoài, vẫn muốn nghe nữa.
Cụm di tích Hoàng Trù bao gồm: Ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép - ông bà ngoại của Bác Hồ; ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân; và ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan - thân sinh Bác Hồ. Ngôi nhà này đã chứng kiến sự miệt mài đèn sách của người học trò Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo thủy chung của người vợ; năm tháng ấu thơ của những đứa con. Năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Theo truyền thống, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con đã tạm biệt làng Hoàng Trù, trở về quê nội - làng Sen để vinh quy bái tổ. Lúc này, dân làng Sen cũng đã dựng sẵn một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian đón đợi gia đình trở về. Và làng Sen bây giờ, vẫn giữ vẹn nguyên một chuỗi dài ký ức của các thế hệ gia đình Bác Hồ. Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ như một miền ký ức đẹp. Vẫn giếng Cốc, cây đa, đền làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh... và đặc biệt là ngôi nhà tranh của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ, cũng là khởi nguồn cho một tinh thần yêu nước và ý chí lớn lao của người anh hùng dân tộc sau này.
Lắng nghe chuyện kể Bác Hồ
Mỗi lần về đây, tôi chỉ muốn nghe chất giọng Nghệ ngọt như lời ru trăm năm của các cô hướng dẫn viên: “Thưa các anh, các chị, cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”. Ai cũng thừa nhận, chất giọng Nghệ sâu đằm, có khi ngân nga của các cô thuyết minh viên khi kể chuyện Bác Hồ đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người nghe. Mỗi giọng kể, mỗi câu chuyện đều là nước mắt soi gương. Bởi vì, khi đứng dưới mái tranh ngôi nhà của gia đình Bác, mỗi người đều thấy như đang đứng dưới ngôi nhà tuổi thơ của chính mình. Cũng tường phên, vách đất, cũng khó nghèo như từ trăm năm trước, xứ Nghệ đất cằn nắng lửa đã nuôi nấng một con người thiên tài rồi trở thành vĩ đại vĩnh cửu trong trái tim dân tộc Việt. Cứ thế, cảm xúc khi được lắng nghe giọng thuyết minh của các cô gái cứ truyền từ người này sang người khác. Không ai dám khẽ một tiếng nhẹ, cũng không quệt nước mắt chảy dài khi cô thuyết minh Lê Thị Thu Thủy kể chuyện Bác Hồ bồng đứa em khát sữa đợi mẹ về. Lần nào đến làng Sen, làng Chùa cũng bắt gặp cảnh khách tham quan đứng tần ngần bên khung cửi, xa quay của bà Hoàng Thị Loan, tay mân mê cánh võng đã từng đưa nôi Bác. Chị Thu Thủy nói: “Tài sản lớn nhất của những người làm công việc thuyết minh ở đây là khối tình cảm lớn lao dành cho Bác Hồ. Có những câu chuyện chúng tôi kể hàng ngày, hàng giờ và kể hàng nghìn lần, nhưng thực sự mạch cảm xúc thì không bao giờ dứt. Mình kể, mà cũng cứ tưởng lần đầu tiên mình lắng nghe câu chuyện của Bác”. Còn chị Thanh Loan, thuyết minh viên ở Khu di tích mộ thân mẫu Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan thì nói: “Những gì mình nhận lại là tình cảm của khách đến viếng thăm. Ai cũng động viên, chia sẻ và mong muốn lần sau nếu trở lại sẽ được lắng nghe mình kể chuyện về Bác Hồ”. Rồi chị Thanh Loan kể thêm, có một người khách trong xứ Quảng ra thăm đã đề tặng mấy câu thơ cho các chị: “Lời em kể như bài ca của đất/Em như ru mát ngọt tựa hương đồng/Câu chuyện thật qua những lời rất thật/Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng”.
Chị Bùi Bích Đảm - thuyết minh viên lâu năm nhất ở làng Kim Liên nói, cảm xúc của những người làm công việc kể chuyện Bác Hồ cứ đầy theo năm tháng. Những người làm lâu thì hơn 20 năm, người mới vào làm thì một năm, nhưng đã làm việc này rồi thì ai cũng yêu nghề.
Cứ có đoàn khách vào là các chị luôn bắt đầu “Thưa các anh, các chị…”, nghe cứ như giọt mật chảy vào lòng.
TÂM AN