Nepal: Nhức nhối nạn tảo hôn

QUÔC HƯNG 11/02/2015 10:35

Nepal - quốc gia châu Á nằm kín trong vùng lục địa tại dãy núi Himalaya nhức nhối vì nạn tảo hôn.

Đến nay, rất nhiều nước trên thế giới ban hành luật cấm hành vi tảo hôn (kết hôn trước tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật) nhưng thực trạng này vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều nơi. Trong đó, trẻ em gái là nạn nhân chủ yếu. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), dù luật pháp cấm nạn tảo hôn bắt đầu có hiệu lực từ năm 1963 tại Nepal nhưng 4 trong số 10 cô gái nước này kết hôn dưới 18 tuổi. Trong đó, nhiều trẻ em gái bị bắt cóc và ép buộc phải kết hôn khi chưa đến tuổi dậy thì.

Vào một đêm đông giá rét cách đây 3 năm, “người vợ trẻ” Susmita Kami khi ấy mới chỉ 13 tuổi, chạy trốn khỏi nhà chồng trở về nhà bố mẹ ở miền tây bắc xa xôi. Kami nói: “Tôi bị bắt cóc khi đang đi nhặt củi và bị ép buộc phải cưới chồng sau đó 4 ngày. Trốn về nhà, tôi nói với ba mẹ rằng tôi không muốn bị ép buộc kết hôn khi còn quá nhỏ. Tôi muốn trở lại trường học và không bao giờ quay trở lại nhà chồng”. May mắn, Kami được bố mẹ bảo vệ và từ chối lời đề nghị từ phía nhà thông gia để đưa em trở lại. Bởi không ai hiểu con gái của mình hơn mẹ của Kami khi bà cũng là nạn nhân của tảo hôn. Vậy là, Susmita Kami thực hiện được ước mơ của mình, tiếp tục đến trường.

Ở Dalit (Nepal) có rất ít những cô bé như Susmita Kami có cơ hội được đến trường. (Ảnh: thestar)
Ở Dalit (Nepal) có rất ít những cô bé như Susmita Kami có cơ hội được đến trường. (Ảnh: thestar)

UNICEF cho biết, thực trạng tảo hôn ở Nepal hay ở nhiều nước khác có một điểm chung là diễn ra ở những vùng sâu, vùng xa hay những vùng đất quá nghèo khó, nơi những quan niệm, hủ tục rất khó bị xóa bỏ. Ở Nepal, nạn tảo hôn diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại vùng dân tộc thiểu số Dalit. Hầu hết trẻ em gái ở đây đều không được đến trường và bị ép tảo hôn từ độ tuổi thiếu niên hoặc thậm chí còn sớm hơn thế. UNICEF thống kê có đến 75% thiếu nữ bị ép vào tảo hôn. Các chuyên gia UNICEF cho rằng, nghèo đói, thiếu giáo dục hay tình trạng phân biệt các dân tộc khiến tảo hôn ở Dalit vẫn rất phổ biến. Vòng luẩn quẩn của nghèo đói, tảo hôn cứ thế không có lối thoát. Ngoài ra, tảo hôn được xem là nét văn hóa của những người Dalit, họ không muốn các cô gái trong làng ra đi để lập gia đình với những chàng trai khác ở ngoài cộng đồng.

Trước vấn nạn trên, việc nâng cao nhận thức cho người dân Nepal, nhất là ở vùng quê nghèo, các trường học về những hệ lụy mà tảo hôn gây ra cho gia đình, xã hội được tuyên truyền qua các kênh truyền thông tin. Susmita Kami, hiện theo học lớp 9 một ngôi trường ở Dalit nói: “Tảo hôn là một tục lệ thật kinh khủng”. Nhưng bố mẹ của Susmita Kami, kiếm 80USD một tháng nói, việc Kami đến trường là một cuộc đấu tranh rất cam go. Vừa đấu tranh để Kami có tiền đi học lại vừa đấu tranh để chống lại hủ tục của Dalit.

Nhưng tất cả cũng chỉ mong cho Susmita Kami có một cuộc sống, một tương lai tươi đẹp hơn. Mẹ của Kami cho rằng, con gái bà đã quyết định đúng khi trốn chạy khỏi nhà chồng. Kami là phụ nữ rất can đảm bởi thường là những phụ nữ như em không còn cách lựa chọn nào khác, trở thành vợ, thành mẹ và hầu như tất cả đều chôn vùi tuổi trẻ và ước mơ tươi đẹp của mình.

QUÔC HƯNG

QUÔC HƯNG