Giữ nghề làm trống gia truyền

DUY THÁI 11/02/2015 09:34

Ngày cuối năm, ông Nguyễn Phước (66 tuổi) ở thôn An Long 1, xã Quế Phong (Quế Sơn) lại tất bật với nghề làm trống. Công việc này không những giúp ông có tiền trang trải trong dịp tết mà còn giữ được nghề truyền thống của cha ông.

Ngôi nhà nằm sâu trong xã miền núi Quế Phong, nhưng ông Nguyễn Phước được nhiều người biết đến để tìm mua và sửa trống. Cặm cụi căng quay với cái trống đang dang dở, ông Phước cho biết, ở trong xã chỉ có mỗi nhà ông là làm trống, cái nghề này được truyền từ đời ông nội cho đến nay. Lâu nay gia đình ông chủ yếu dùng gỗ mít và da trâu để trống được bền chắc. Khi còn trẻ ông Phước thường theo cha lên núi tìm những cây gỗ to nhưng đã có bộng, sau đó đem về đục ra làm thành trống. “Trước đây nghề trống của gia đình khá phát triển, sản phẩm được người dân vùng lân cận tìm đến đặt mua nên mỗi năm cũng bán được vài chục cái. Dù hiện nay nhiều làng nghề làm trống được khôi phục nhưng vẫn có nhiều người tìm đến nhà tôi để nhờ làm trống nên tôi cố gắng giữ lại nghề của cha ông” - ông Phước chia sẻ.

Nay tuổi đã cao, sức khỏe có phần suy yếu nên ông Phước chủ yếu sửa chữa và bịt lại da trống. Để đảm bảo chất lượng và uy tín làm nghề, ông Phước không bao giờ dùng da muối để bịt trống. Mỗi khi nghe tin ở đâu có người mổ trâu là ông lại tìm đến mua, đêm khuya ông cũng đi cho bằng được. Ông Phước cho hay, mỗi con trâu thường lấy được chừng 40kg da với giá hiện nay từ 18 nghìn đồng/kg. Có được da ông đem về phơi khô rồi ngâm trong nước một đêm, sau đó lại căng lên phơi và bào nhẵn còn khoảng 2 li để tiếng trống không bị biến âm. Ngày nắng da được khô đều nên chất lượng hơn, gặp trời mưa phải đốt than sấy để tránh mùi hôi, mốc. “Tết này tôi sửa được 4 cái trống, mỗi cái trống bịt và sửa mất chừng 5 công với khoảng 10kg da. Đối với trống lớn rộng từ 6 tấc và dài 8 tấc thì có giá khoảng hơn 1 triệu đồng, trừ các chi phí, nghề làm trống cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập trang trải dịp tết. Nhưng niềm vui trên hết vẫn là mình giữ lại được nghề làm trống gia truyền để con cháu học hỏi, tạo được uy tín với khách hàng” - ông Phước bộc bạch.

Những ngày giáp tết các chư tộc, các làng lân cận lại “thức” trống để cúng lễ và họ thường mang đến nhà ông Phước để sửa chữa.  Ông Lưu Văn Sáu, trú thôn Lộc Trung (Quế Phong) cho biết: “Khi trống của nhà thờ tộc Lưu bị thủng, tôi lại mang đến đây để sửa, cái tiện lợi nhất là ở gần nhà, trống lại được thay thế bằng loại da tốt, đảm bảo chất lượng. Trống do ông Phước bịt da nếu được bảo quản tốt thì 5 năm vẫn chưa hỏng, thấy ông làm nghề tỉ mỉ trong từng công đoạn, lại có uy tín nên chúng tôi rất tin tưởng”.

DUY THÁI

DUY THÁI