Gói bánh chưng tết

TUỆ LÂM 11/02/2015 09:29

Đến hẹn lại lên, những ngày giáp tết, bếp của ông Lê Văn Hùng (thôn 2, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) liên tục đỏ lửa, cho xuất lò những đòn bánh chưng, bánh tét để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Vừa ngâm hơn 5 tạ nếp chuẩn bị cho mẻ bánh chưng, bánh tét sắp gói, ông Hùng nói: “Cao điểm nhất là từ ngày 20 âm lịch trở đi, đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về, mà chủ yếu là bánh chưng, bánh tét để cúng. Có ngày gói hết 7 tạ nếp (khoảng trên 10.000 bánh) mới đủ để phục vụ nhu cầu của bà con”. Ông Hùng được biết đến là người chuyên gói các loại bánh truyền thống trên địa bàn huyện Phú Ninh, cũng là đầu mối lớn, uy tín cho các nhà hàng đặt bánh thường xuyên ở khắp vùng. Bánh ông làm ra nổi tiếng nhờ độ vuông vức, đẹp mắt, nếp nhuyễn, thơm và không bị sống khi để lâu ngày. “Tôi bắt đầu gói bánh từ năm 1996 đến nay. Lúc đầu thì chỉ đơn thuần là gói cho gia đình vào những dịp lễ, tết, nhưng sau đó thấy người dân vẫn có nhu cầu về bánh chưng, bánh tét trong những ngày thường nên thử gói. Ban đầu thì phải đem đi bỏ mối ở các chợ, các nhà hàng. Giờ thì không cần nữa, người ta điện đặt hàng, mình gói rồi họ tới nhà nhận”- ông Hùng cho biết. Ngôi nhà nhỏ của ông hiện nay chính là nơi tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 - 6 người với thu nhập gần 5 triệu đồng/ tháng. Vào những ngày cao điểm, ông thuê hơn 12 người cùng làm để kịp giao hàng cho khách. “Đối với nhà nông chúng tôi, thu nhập gần 5 triệu tháng là con số đáng mơ ước. Công việc nhẹ nhàng và rất quen với chúng tôi” - bà Nguyễn Thị Trà, thôn 2, xã Tam Lộc nói.

Ông cũng “bật mí” những điều cơ bản khi gói bánh để tạo nên được những cặp, những đòn bánh đẹp. “Gói bánh phải là lá chuối sứ nó mới thơm, khi bóc bánh ra có màu xanh của lá. Nhớ là không được phơi nắng, bởi phơi qua nắng sẽ dễ gói, không bị rách nhưng khó vuông vức cái bánh được. Nên người gói cần có kỹ năng nhuyễn để làm sao gói được cái bánh có góc cạnh mà không bị rách”- bà Đoàn Thị Nhị, thôn 2, xã Tam Lộc cho hay.

Nhân của bánh thì tùy thuộc vào nhu cầu của khách (chay hoặc mặn) nhưng chủ yếu vẫn là đậu xanh và thịt heo. Đậu xanh được ông mua từ những nông dân vừa làm mùa xong, để nguyên vỏ, ngâm rồi bút cho sạch, hong khô và giã nhuyễn để làm nhân. Thịt là những mảng thịt lớn ít nạc, nhiều mỡ được phi với hành củ, tiêu và gia vị để nhân bánh vừa thơm vừa có vị mặn vừa ăn. “Đậu xanh nếu không chọn kỹ dễ bị trân, nhân bánh sẽ không ngon. Thịt heo phải nhiều mỡ, để khi ăn miếng bánh sẽ ngậy đượm, thơm mà không ớn…”- ông Hùng lý giải. Theo ông Hùng, những cặp bánh của ông bán ra ở mức giá bình dân, chỉ lãi 5.000 - 10.000 đồng/cặp tùy theo mức độ lớn của bánh. Mẻ bánh đầu tiên được vớt ra, ngâm qua nước lạnh rồi để ráo nước bốc khói nghi ngút. Mùi bánh làm cho ai đến đây cũng thấy mình như một đứa trẻ con: háo hức chờ tết đến.

TUỆ LÂM

TUỆ LÂM