Nạn kẹt xe ở châu Á
Hai thành phố của Indonesia và Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa được liệt kê là những thành phố có nạn kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới.
Giao thông ở jakarta (Indonesia). |
Trên đây là kết quả thống kê của một nhà phân tích, dùng dữ liệu của vệ tinh chỉ đường do những người lái xe tại 78 thành phố trên thế giới cung cấp từ máy định vị TomTom. Nạn kẹt xe này khiến những người lái xe ở các thành phố trên phải mất đến 1/3 thời gian trong hành trình lưu thông. Trong đó, ở thủ đô Jakarta - thành phố có 24 triệu dân, chỉ có 13% dân số sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Việc ô tô dày đặc và nhích dần từng xen-ti-mét là chuyện từng giờ ở thủ đô này. Thậm chí việc kẹt xe diễn ra trong nhiều giờ liền cũng không phải là chuyện lạ. Giám đốc Viện chính sách giao thông vận tải và phát triển của Indonesia, ông Yoga Adiwinarto nói, nhất là vào giờ cao điểm, tình trạng giao thông tắc nghẽn rất thê thảm, còn dừng và lăn bánh trở lại rất khó khăn. Nhiều người cho biết, họ phải mất một giờ rưỡi cho 6km từ nhà đến chỗ làm việc cho dù vẫn tuân thủ luật lệ giao thông.
Để giải quyết tình trạng đã kéo dài suốt nhiều năm qua, việc đầu tư vào giao thông công cộng ở Jakarta được bắt đầu tư năm 2004 nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân cùng với sự phát triển kinh tế. Chính phủ hiện đã bỏ chương trình trợ cấp xăng dầu, và cấm mô tô chạy trên các đường chính của thủ đô để hạn chế việc đi lại. Ngoài ra, Jakarta dự định năm tới sẽ áp dụng thu phí cầu đường bằng điện tử trên hai hành lang thường bị tắc nghẽn nặng nhất, khuyến khích người lái xe hơi riêng và người đi xe máy chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng. Ngoài Jakarta , thành phố Surabaya (Indonesia) nạn kẹt xe cũng gây nhiều chú ý.
Tại Trung Quốc, mức độ tắc nghẽn giao thông của thành phố Thượng Hải cao hơn của Bắc Kinh. Người lái xe ở Thượng Hải trung bình mất 33% thời gian ngồi chờ vì kẹt xe, so với khoảng hơn 27% một ít của người lái xe ở Bắc Kinh. Năm 2014, chính quyền Bắc Kinh phải tính tới việc di dời nhiều cơ quan hành chính, nghiên cứu và chăm sóc y tế ra khỏi thủ đô qua một số thành phố lân cận để giảm nạn kẹt xe. Bắc Kinh còn được xem là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó khí thải từ các loại ô tô, xe máy do kẹt xe chiếm một tỷ lệ rất lớn. Bắc Kinh từng chứng kiến nạn kẹt xe kéo dài liên tiếp 10 ngày, từ xa lộ nối Bắc Kinh và Nội Mông Cổ, kéo dài đến 96km, khiến các nhà chức trách Trung Quốc nan giải. Đến nay, mặc dù chính quyền bằng nhiều cách khác nhau để giảm tải nạn kẹt xe nhưng xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả. Nạn kẹt xe đặc biệt tồi tệ vào các ngày lễ lớn, nhất là hàng trăm triệu lượt người tham gia giao thông vào dịp tết cổ truyền.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích cho biết Top 5 thành phố có giao thông thuận lợi nhất là thành phố Tampere (Phần Lan), Rotterdam (Hà Lan), Bratislava (Slovakia), Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Brisbane (Australia).
QUỐC HƯNG