Những người giữ biển - Bài 2: Sứ mệnh thiêng liêng
Đến đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị, tình quân dân ở đây để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng tôi. Quân - dân gắn bó vào nhau, cùng quyết tâm gìn giữ đảo tiền tiêu, khẳng định chủ quyền nước Việt…
|
Ấm áp nghĩa tình khi chia tay Cồn Cỏ. Ảnh: QUANG VIỆT |
1. Chúng tôi đến huyện đảo Cồn Cỏ lúc 6 giờ 30 phút sáng 28.1, sau hành trình đúng 12 giờ đồng hồ giữa đại dương với sóng và gió. Cồn Cỏ trong nắng sớm quyến rũ đến mơ màng. Cảm giác này rất thật, bởi chúng tôi vừa trải qua một hành trình xuyên đêm, hiếm khi chợp mắt. Sương long lanh giăng mắc khắp nơi giao thoa với những tia nắng đầu ngày khiến huyện đảo nhìn từ phía biển càng thêm lung linh. Càng đến gần, Cồn Cỏ dần hiện ra hiên ngang như một pháo đài kiên cố, bất khả xâm phạm giữa trùng khơi.
“Trong thời gian qua, các lực lượng vũ trang trên đảo đã chủ động phối hợp với nhau, phối hợp với người dân trong tuần tra, canh gác, sẵn sàng chiến đấu, qua đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy luôn được đặt trong thế chủ động” (Ông Lê Quang Lanh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ) |
Lên đảo, điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là UBND huyện Cồn Cỏ. Ông Lê Quang Lanh - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ có vị thế chiến lược quan trọng, là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt, anh hùng của quân và dân ta với đế quốc Mỹ. Đứng trên mọi gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ kiên trung bám trụ nơi tuyến đầu, tổ chức được 1.500 ngày đêm đối mặt, chiến đấu với kẻ thù. Trải qua gần một nghìn trận đánh, quân và dân đảo Cồn Cỏ đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Với những thành tích đó, Cồn Cỏ đã vinh dự được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen ngợi. Quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những năm 1964 - 1974, đảo Cồn Cỏ có 10 năm liền được công nhận danh hiệu Đơn vị quyết thắng. “Từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai sau này, từ truyền thống chiến đấu anh hùng cho đến rạng ngời xây dựng cuộc sống mới, quân và dân nơi tiền tiêu Tổ quốc vẫn sẽ luôn đồng cam cộng khổ, gắn chặt với nhau như cá với nước” - ông Lê Quang Lanh tự hào.
Người đứng đầu huyện đảo còn cho biết, năm 2014 ghi dấu mốc kỷ niệm 10 năm thành lập huyện đảo cũng là năm kỷ niệm 55 năm Truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân đảo Cồn Cỏ. Tự hào với truyền thống, quân và dân huyện đảo càng thắt chặt thêm tình đoàn kết, đã và đang xây dựng nhiều công trình ý nghĩa. Có thể kể đến như khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ, Trường Mẫu giáo huyện đảo, cổng chào đón khách, Phòng truyền thống huyện đảo, cột cờ chủ quyền… Nhờ có nhiều công trình cơ bản được xây dựng và đưa vào sử dụng nên diện mạo kinh tế - xã hội của huyện đảo có nhiều chuyển biến. Riêng trong năm 2014, sản lượng rau, củ, quả thu hoạch đạt 9 tấn, cao hơn 7 tấn so với năm 2013. Huyện đã tổ chức ươm và chăm sóc 3 nghìn cây thông, trồng mới 4 nghìn cây phi lao, nâng tổng số diện tích rừng được bảo quản tốt lên con số 5.000ha. “Trong vòng 10 năm qua, Cồn Cỏ bình yên trong đời sống mới. Ở đây, các chiến sĩ, lính đảo và người dân chung sống tình nghĩa, trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với đảo. Tôi không nói quá, huyện đảo Cồn Cỏ giống như một gia đình. Ở đây, mỗi thành viên đều chung sức, chung lòng, cùng nhìn về một hướng, xây dựng và gặt hái các thành quả” - ông Lê Quang Lanh chia sẻ.
Suốt cuộc chuyện trò, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự nhiệt tình, năng nổ, niềm tin, niềm tự hào đã lắng sâu vào máu của người đứng đầu huyện đảo. Điều gì đã gắn bó, khiến 50 thanh niên từ đất liền ra đảo, chung lưng đấu cật, tình nguyện ăn đời ở kiếp với mảnh đất đầu sóng ngọn gió này? Đảo Thanh niên như kỳ vọng ban đầu sẽ không thực hiện được nếu không có chất keo kết dính, giữ họ ở lại bằng chính tấm lòng, sự quan tâm thấu đáo, đồng cảm. Dạo quanh đảo, không khó để thấy rõ hạ tầng nơi đây được đầu tư khá đồng bộ, các công trình dân sinh đáp ứng nhu cầu đời sống của dân và quân trên đảo. Thêm một lần nữa, ông Lanh nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77, khẳng định sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng vũ trang trên đảo, mình càng phải gắn kết các lực lượng trên đảo, quân với dân để các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng càng được thực hiện thông suốt.
2. Điểm đến tiếp theo của chúng tôi ở huyện đảo Cồn Cỏ là Trạm ra đa 540, thuộc Trung đoàn 351, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Buổi sáng yên lành, chim chóc ríu rít như mời gọi ở cứ điểm quân sự được xây vững chãi cao cách mặt nước biển hàng trăm mét. “Cả năm trời công tác trên đảo, được gặp các thủ trưởng đơn vị và anh chị phóng viên đến thăm ở thời điểm năm hết tết đến, chúng tôi rất vui mừng. Càng vui hơn khi quá trình công tác của đơn vị trong năm 2014 thu được nhiều kết quả rất đáng hoan nghênh” - Đại úy Trần Thọ Tân, Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ Trạm ra đa 540 nói. Trước khi đi vào vấn đề chính, Đại úy Trần Thọ Tân mời mọi người nghỉ ngơi, uống chén nước chè, mà theo lời anh là có pha với vài loại thuốc nam trên đảo nên rất thơm ngon, giải nhiệt hiệu quả.
Huyện đảo Cồn Cỏ nhìn từ biển.Ảnh: QUANG VIỆT |
Đại úy Tân cho biết, ngoài việc nắm chắc các tính năng kỹ thuật, chiến thuật quân sự để sẵn sàng chiến đấu khi nhận được lệnh, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải ngày đêm giám sát tình hình trên biển, trên bờ và cả trên không trong phạm vi đến 200 - 300km. Qua các ống kính quang học, trong năm 2014, các chiến sĩ Trạm ra đa 540 đã phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và khai thác hải sản trái phép trong vùng biển Việt Nam. Sau khi thông báo về Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đơn vị phối hợp với các lực lượng điều tàu hải quân đến, phát loa tuyên truyền tàu Trung Quốc không được khai thác hải sản trái phép, phải rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhất là vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. “Biết rõ tàu cá Trung Quốc hoạt động có sự hỗ trợ, giám sát của các tàu hải giám, nhưng chúng tôi không bao giờ chùn lòng. Mình thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù bị tàu Trung Quốc vây ép cả tiếng đồng hồ, chúng tôi vẫn kiên quyết đấu tranh, tuyên truyền. Không thể làm được gì, tàu Trung Quốc đành phải rời xa vùng lãnh hải của Việt Nam” - Đại úy Trần Thọ Tân chia sẻ.
Ngoài giữ đảo, các chiến sĩ thuộc Trạm ra đa 540 còn thực hiện thường xuyên nhiệm vụ hỗ trợ tàu cá của ngư dân khai thác hải sản quanh vùng biển Cồn Cỏ. Có những chuyến đi biển, phải hoạt động trong điều kiện có bão mạnh, các chiến sĩ không hề nao núng, chủ động ứng phó, giúp ngư dân vào đảo an toàn. Đại úy Trần Thọ Tân kể, khi siêu bão Haiyan (tháng 11.2013) hình thành và hướng về biển Đông, các chiến sĩ ở trạm đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng trên đảo tức tốc ra biển bắn pháo hiệu thông báo bão cho tàu cá của ngư dân đang khai thác trên vùng biển nhanh chóng đi vào khu neo đậu tránh bão an toàn. “Làm nhiệm vụ trong khu vực thường xuyên xảy ra bão lớn, anh em chúng tôi luôn tâm niệm cứu người, cứu ngư dân là mệnh lệnh của trái tim. Anh em chiến sĩ sẵn sàng vượt qua mọi hiểm nguy. Đó là sứ mệnh rất thiêng liêng của những người lính giữ đảo chúng tôi” - Đại úy Tân nói. Và như thế, các chiến sĩ Trạm ra đa 540 đã giúp người dân trên đảo vượt qua thiên tai; cứu kéo tàu cá của ngư dân thoát khỏi những cơn cuồng phong trên biển, lai dắt tàu cập đảo an toàn.
Mùa xuân này không biết là lần thứ mấy Đại úy Trần Thọ Tân cùng những chiến sĩ Trạm ra đa 540 đón tết trên đảo. Anh không nhớ, các chiến sĩ khác cũng quên bẵng đi, vì nhiệm vụ cứ thôi thúc mãi không thôi.
NGUYỄN QUANG VIỆT