"Nhâm nhi" báo tết

BẢO LÂM 10/02/2015 09:05

(QNO) - Dù cuộc sống hối hả, bận rộn; dù báo mạng tràn lan nhưng đọc báo giấy dịp tết vẫn là thú vui và sở thích của nhiều người.

Báo tết Ất Mùi bày bán ở thị trường. Ảnh: CHÂU NỮ
Báo tết Ất Mùi bày bán ở thị trường. Ảnh: CHÂU NỮ

Yêu Tổ quốc mình

“Yêu Tổ quốc mình”, đó không chỉ là bài viết của tác giả Nguyễn Quang Thông trên báo Thanh Niên mà là chủ đề của nhiều tờ báo tết năm nay, ngoài nhiều bài viết về Đảng, về Bác Hồ với những tài liệu quý, tư liệu mới. Chủ đề này gắn với sự kiện Biển Đông dậy sóng trong năm qua. Các báo Tiền Phong, Thanh Niên nói rõ sự kỳ vọng vào lòng yêu nước của thế hệ trẻ. Bởi vì “Lòng yêu nước được thể hiện thông qua các hoạt động thi đua tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống sẽ tiếp nối truyền thống, ngày càng tạo ra những giá trị quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (báo Thanh Niên).

Đề cập đến thế hệ trẻ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn nhủ trên báo Tiền Phong: “Thế hệ trẻ phải rèn đức, rèn tài, nâng cao tính cộng đồng, bởi một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tôi tin thế hệ trẻ sẽ có nhiều người tài, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn để giúp dân giúp nước”.

Một trong những điểm đáng chú ý là chuyên đề “Giục giã tình yêu đất nước” trên báo Tuổi Trẻ. Ngay trên trang nhất, chủ biên Đỗ Văn Dũng viết: “Biển Đông dậy sóng. Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đầy cảm xúc với lòng yêu nước dâng trào. Ngọn lửa yêu nước trong tim mỗi người bùng lên với nhiều cung bậc, hình thái da dạng, sinh động, thăng hoa. Những người trẻ tuổi với nhiều sáng tạo đã thể hiện lòng yêu nước bằng nhiều hoạt động hướng về biển đảo đậm dấu ấn”.

Trên báo Tuổi Trẻ, còn có tâm tình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về truyền thống yêu nước; về tinh thần Diên Hồng sống mãi (tác giả Dương Trung Quốc). Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng dứt khoát tuyên bố: “Đã là made in Viet Nam thì phải hảo hạng!”. Chủ đề “Tết của những người giữ biển” trên báo Thanh Niên hay câu chuyện của phóng viên Tuổi Trẻ từng tác nghiệp ở Hoàng Sa cũng đem đến cho bạn đọc những điều thú vị... Các chuyên đề “Hòa bình tôi yêu”, “Ơi, biển Việt Nam”, “Đất nước nở hoa” trên báo Người Lao Động cũng có nhiều bài viết về tình yêu Tổ quốc đáng đọc.

40 năm hòa bình

Năm 2015, nước ta kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nên chủ đề về hòa bình, về sự phát triển của Việt Nam cũng như các địa phương sau 40 năm được khắc họa rõ nét trên các báo. Báo Tuổi trẻ có chuyên đề “40 năm hòa bình”, trong đó có câu chuyện của những người sinh sau ngày giải phóng quê hương. Họ là những người “đã trải qua những năm tháng thời bao cấp, trở mình trong những năm đổi mới và tìm được cơ hội phát triển cho mình và cho đất nước”.

Cũng vậy, “40 năm hành trình đất Quảng” là chuyên đề xuyên suốt trên báo Quảng Nam tết Ất Mùi này. Các bài viết trên giai phẩm tết báo Quảng Nam đã có cái nhìn tổng quan về vấn đề tam nông, về dấu ấn mở đường, về chiến lược phát triển công nghiệp chủ lực ở xứ Quảng. Bạn đọc có thể nhìn nhận quá trình 40 xây dựng và phát triển Quảng Nam qua các bài viết trong chuyên đề.

Các giá trị văn hóa - xã hội được nhiều báo khơi dậy và tôn vinh. Vẫn như mọi năm, báo Tiền Phong tiếp tục các chủ đề: Trí tuệ Việt, Cốt cách Việt, Tinh hoa Việt, Bản lĩnh Việt với nhiều bài viết thú vị: Cô giáo dạy tiếng Việt cho người đứng đầu Đài Loan; Tiếng cười trong vòng vây sinh tử...

Đọc báo tết ở Hội Báo xuân Giáp Ngọ - 2014. Ảnh: CHÂU NỮ
Đọc báo tết ở Hội Báo xuân Giáp Ngọ - 2014. Ảnh: CHÂU NỮ

Cùng với chuyên đề “Tìm trong di sản”, Báo Quảng Nam dành hẳn 10 trang cho chuyên đề "Văn hóa đình làng”. Độc giả sẽ được dạo qua các ngôi đình độc đáo ở xứ Quảng để hiểu được giá trị của đình làng sau những biến thiên lịch sử, gắn liền bản sắc làng quê xứ Quảng và việc phát triển các thiết chế văn hóa ngày nay. Bởi  “Đình làng là hồn quê xứ sở, mang cả tâm linh, phong tục, ứng xử văn hóa... Đình là nơi nuôi dưỡng những ước vọng, lời nguyện cầu cho quốc thái dân an” (Qua đình ngả nón...).

Các chủ đề “Hồn phố và nếp nhà”, “Sống tử tế” trên báo Người Lao Động đem đến cho bạn đọc nhiều bài viết về các giá trị văn hóa truyền thống. Như trong bài “Nhà nào, nhân cách ấy” của nhà nghiên cứu Vu Gia: “Nếp nhà của người miền Trung được hình thành từ rất lâu đời, hun đúc từng ngày qua nhiều thế hệ bởi những điều hay lẽ thiệt trong cuộc sống”. Hoặc thông qua câu chuyện về tiếng đàn của người khiếm thị, tác giả Nguyễn Đình Xê đã dẫn dắt bạn đọc đến lòng trắc ẩn qua đúc kết của nhà văn Thu Bồn: “Nếu chỉ có thương cảm không thôi mà không hề hành động cụ thể để giúp người thì vẫn chưa đủ. Nhân văn không thể dừng lại ở lòng trắc ẩn mà còn phải đến từ bàn tay nồng ấm đưa ra”.

Về kinh tế, báo Quân đội Nhân dân đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới như bài “Gậy thần đổi mới” của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; “Xuân mới, nghĩ về đổi mới” của nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Hà Đăng. Trong khi đó, báo Nhân Dân cho rằng, năm 2015 là thời điểm tăng tốc. Trong chuyên đề “tự chủ - hội nhập”, giai phẩm Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư Tài chính nhận định, năm 2014 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và phức tạp, nền kinh tế Việt Nam phục hồi và bắt đầu đạt mức tăng trưởng cao hơn. Cùng với đó là dự cảm, phân tích cục diện kinh tế năm 2015 của các bộ trưởng và chuyên gia kinh tế.

Dĩ nhiên, năm Ất Mùi nên các báo đều không thiếu chuyện con dê. Từ “Con dê trong văn hóa Đông - Tây” trên báo Quảng Nam đến “Tập tục, lễ hội về dê trên thế giới” (báo Quân đội Nhân Dân). Báo Thanh Niên  có chuyên đề về dê với các bài viết “Kỳ thú chuyện dê”, “Ăn dê có khỏe dê?”, “Thịt dê mà chấm mắm gừng”... Nhưng có lẽ chuyện dê xuất hiện nhiều nhất trên tờ báo châm biếm, trào phúng hàng đầu Việt Nam - Tuổi Trẻ Cười với các bài viết, tranh, ảnh hài hước như lời giới thiệu: “Báo Cười Tết bài hay vô số/ Ảnh vui xem cười lố qua rằm/ Tranh biếm nhìn nhớ quanh năm/ Ai ai đi đứng ngồi nằm đều coi”… đã khiến bạn đọc có được tiếng cười sảng khoái.

BẢO LÂM

BẢO LÂM