Cai nghiện ma túy tại cộng đồng: Hy vọng từ một mô hình
Đến cuối năm 2014, Quảng Nam có 758 người nghiện ma túy; 119/244 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, chiếm 49%. Trong đó, có từ 70 - 80% trường hợp tái nghiện sau khi cai nghiện thành công ở các trung tâm. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu liên kết trong việc hỗ trợ, điều trị trước, trong và sau khi cai nghiện, cùng với đặc thù tâm lý tự ti, mặc cảm của người nghiện đã khiến họ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng. Trước thực trạng đó, cuối tháng 1.2015 mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” lần đầu tiên ra mắt tại phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, mở ra nhiều hy vọng cho công tác cai nghiện.
Ra mắt mô hình “Điểm tư vấn điều trị nghiện ma túy” tại phường An Sơn TP.Tam Kỳ. Ảnh: HOÀNG BIN |
Nhịp cầu
Ông Nguyễn Thùy - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện Kế hoạch số 125/KH-PCTNXH ngày 16.10.2014 của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh về việc triển khai thực hiện thí điểm điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, trong năm 2015, Sở LĐTB&XH tỉnh sẽ triển khai thí điểm mô hình “điểm tư vấn” tại 5 xã, phường có tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy gồm xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước), thị trấn Đông Phú (Quế Sơn), phường An Phú và An Sơn (TP.Tam Kỳ). Ngoài chức năng tư vấn, chăm sóc, điều trị đối với người nghiện, điểm tư vấn còn huy động sự tham gia của chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể và nhân dân chung tay giúp đỡ họ tái hòa nhập với cộng đồng.
Tại phường An Sơn, điểm tư vấn được thành lập gồm có 8 thành viên, do ông Nguyễn Thọ Pha - Phó Chủ tịch UBND phường làm Tổ trưởng. Ông Pha cho biết, trên địa bàn hiện đang quản lý 41 người sử dụng và nghiện ma túy, nhưng trên thực tế số lượng chưa thống kê được còn rất nhiều. Đối tượng nghiện có tuổi đời từ 18 - 40, trong đó có nhiều trường hợp là trụ cột gia đình, nhưng từ khi sa vào ma túy thì gia đình đổ vỡ, ly hôn, con cái thất học… gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Dù địa phương đã tích cực vận động, giúp đỡ và áp dụng các hình thức quản lý, giáo dục nhưng do chưa có một cơ quan chuyên trách đảm nhận vai trò cầu nối giữa người nghiện với gia đình, cộng đồng nên tỷ lệ tái nghiện khá cao. Do đó, mô hình điểm tư vấn ra đời sẽ đảm nhận chức năng tiếp cận, đón tiếp, tư vấn các quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến người nghiện hoặc sau khi cai nghiện trở về gia đình. Đặc biệt, hỗ trợ, giới thiệu việc làm phù hợp, nhằm giúp người cai nghiện thay đổi cuộc sống, quên đi quá khứ. Đối với người bị nhiễm HIV/AIDS, nhân viên tư vấn sẽ hỗ trợ các thông tin có liên quan để dự phòng lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng… Ngoài nhiệm vụ trên, các thành viên trong tổ công tác còn có trách nhiệm vận động và huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng để chung sức hỗ trợ về mọi mặt cho người nghiện và người sau cai nghiện có ý thức từ bỏ con đường nghiện ngập, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Thách thức từ chính người nghiện
Buổi ra mắt “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” ở phường An Sơn, nhiều phụ huynh đã chia sẻ câu chuyện của “người trong cuộc” với hy vọng con em họ có thể từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Ông Nguyễn S. (60 tuổi) kể rằng, con trai ông - N.Đ.C. (SN 1983) nghiện ma túy đã hơn 10 năm nay. Trong thời gian đó, gia đình đã cố gắng khuyên nhủ, động viên và nhiều lần đưa C. đi cai nghiện, nhưng chỉ được một thời gian lại tái nghiện. Trước kia, khi chưa dính vào ma túy, C. sống rất hiếu thảo với cha mẹ, hàng ngày kiếm sống bằng nghề thợ điện, nhưng từ khi nghiện, gia đình không một ngày được bình yên. Động lực để C. lần này quyết tâm cai nghiện là đứa con năm nay đã 10 tuổi và rất thương cha. Ông S. cho biết, chính C. bảo ông đi hội nghị nhân dịp ra mắt điểm tư vấn này và dặn: “Cha đi hội nghị, cố gắng nghe cho hết nội dung rồi về nói cho con biết với, lần này, con quyết tâm cai nghiện!”.
Để cai nghiện thành công và tránh trường hợp tái nghiện, bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng, quyết tâm của người cai nghiện vẫn là quan trọng nhất. Ông Nguyễn Thùy cho rằng, quan điểm coi nghiện ma túy là “sự tha hóa về nhân cách” đã hoàn toàn thay đổi, thay vào đó người nghiện được xem là mắc bệnh. Quan điểm mới này đã góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp cho nhiều người có thể công khai tình trạng nghiện của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ điều trị, cai nghiện sớm. Bên cạnh đó, sự ra đời của Trung tâm Điều trị nghiện bằng methadone (thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam) từ đầu tháng 12.2014 và nhất là mô hình tư vấn điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã tiếp thêm động lực để người bệnh cai nghiện. Những cách làm này hướng đến mục tiêu giảm việc đưa vào điều trị nghiện ở các cơ sở bắt buộc, thay vào đó là chuyển sang cai nghiện tại cộng đồng một cách bền vững và hiệu quả.
HOÀNG BIN