Vùng đông nam thức giấc

VĨNH LỘC 08/02/2015 08:07

Du lịch Quảng Nam đang hứa hẹn tạo ra cú hích mới trong những năm đến khi cầu Cửa Đại hoàn thành, mở ra không gian du lịch rộng lớn từ Điện Bàn, Hội An đến Duy Xuyên, Thăng Bình cũng như các huyện phía nam của tỉnh.

Nhiều tiềm năng du lịch vùng đông Duy Xuyên sẽ được đánh thức khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng.
Nhiều tiềm năng du lịch vùng đông Duy Xuyên sẽ được đánh thức khi cầu Cửa Đại đưa vào sử dụng.

Từ cầu Cửa Đại…

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, cầu Cửa Đại hoàn thành là niềm mong đợi rất lâu của người dân và ngành du lịch địa phương, hứa hẹn mở ra thời cơ lớn cho các huyện ven biển phía đông của tỉnh. Bên cạnh lợi thế về sinh thái nông thôn và du lịch cộng đồng, trong những năm đến không gian du lịch Quảng Nam sẽ hướng về biển, tập trung dọc theo con đường Thanh niên nối từ Duy Xuyên đến Núi Thành - nơi những tiềm năng du lịch còn khá nguyên sơ. Trong đó, khu vực đông Duy Xuyên, Thăng Bình sẽ được phát triển theo mô hình dịch vụ cao cấp và du lịch sinh thái biển. Riêng khu vực nam Hội An sẽ hình thành trung tâm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng ven biển Quảng Nam. Ngoài ra, không gian phát triển du lịch cũng có thể mở rộng đến ven sông Trường Giang, hình thành tuyến du lịch đường thủy kết nối vùng nam Hội An với khu vực này. “Vừa rồi, tham dự cuộc họp của Ban điều phối dự án ILO, tôi đã đề nghị huyện Duy Xuyên phải xây dựng quy hoạch du lịch ven biển kết hợp với Khu kinh tế mở Chu Lai chuẩn bị sẵn sàng khi cầu Cửa Đại thông thì các dự án hạ tầng du lịch cao cấp cũng sẽ triển khai ngay” - ông Cường cho biết.

Thực tế, tiềm năng du lịch vùng đông Quảng Nam luôn được các nhà lữ hành đánh giá cao, đó không chỉ là lợi thế về cảnh quan thiên nhiên mà còn bao hàm các giá trị về nhân văn, làng nghề... Đặc biệt, khi cầu Cửa Đại hoàn thành cũng sẽ giúp vùng đông nam của tỉnh xích lại gần hơn với 2 trung tâm du lịch là Đà Nẵng và Hội An để hình thành lên vệt du lịch ven biển kéo dài hơn trăm ki-lô-mét. Trong đó, điểm kết nối đầu tiên chính là vùng đông Duy Xuyên. Theo ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, việc quy hoạch phát triển du lịch vùng đông đã được huyện lập kế hoạch với các dự án kết nối trục đông tây nhằm hình thành tại khu vực này những khu du lịch cao cấp, giúp thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế của huyện sau năm 2020. “Hiện tại đang có một dự án đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 11 tỷ đô la, trước mắt giai đoạn 1 số vốn đầu tư là 4 tỷ đô la để xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch phức hợp cao cấp”, ông Dũng tiết lộ. Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý thì đây còn là vùng đất tương đối “sạch” và khá rộng hoang sơ và chưa bị biển xâm thực nên rất thuận tiện trong việc triển khai những dự án lớn, đặc biệt quá trình quy hoạch từ đầu cũng sẽ tốt hơn do rút kinh nghiệm từ những quy hoạch ven biển của nhiều nơi khác trước đây.

… đến Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Nếu như cầu Cửa Đại giúp kết nối vệt dài ven biển phía đông của tỉnh thì công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ) sẽ là điểm thu hút khách du lịch trong tương lai gần để trở thành điểm đến trung tâm của phía nam. Ông Hồ Tấn Cường cho rằng, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hoàn thành sẽ tạo cú hích rất lớn cho phát triển du lịch những điểm lân cận như địa đạo Kỳ Anh, biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh cũng như các danh lam thắng cảnh của Núi Thành. Đồng thời cũng chính từ điểm nhấn này sẽ tạo sự lan tỏa cho du lịch Tiên Phước, Bắc Trà My… giúp khách trải nghiệm các giá trị lịch sử, thiên nhiên tại khu căn cứ Nước Oa, thủy điện Sông Tranh và các đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ đóng vai trò như là điểm thu hút khách” - ông Cường phân tích. Sự kỳ vọng này nếu thành hiện thực sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ của du lịch Tam Kỳ nói riêng và các huyện phía tây và phía nam, mở ra  thời kỳ mới cho vùng đất này.  

Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi, phát triển du lịch vùng đông nam của tỉnh cũng còn không ít khó khăn cần giải quyết, hoàn thiện. Nổi cộm nhất vẫn là hạ tầng giao thông với sự yếu kém và thiếu hụt các tuyến đường nhánh nối từ quốc lộ 1 xuống vùng đông; nhận thức của người dân về du lịch còn thấp; ý tưởng xây dựng các sản phẩm đặc thù chưa hình thành… Đây cũng chính là những thách thức trong quá trình phát triển du lịch nơi đây những năm tới. “Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nâng cao ý thức trách nhiệm người dân gắn với hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện nước… từ đó mới tạo sự lan tỏa đến các điểm khác. Về lâu dài là vậy, còn hiện tại nền tảng chính vẫn là du lịch văn hóa” - ông Cường nhìn nhận.  

Dù tất cả vẫn còn phía trước nhưng việc khánh thành đưa vào sử dụng 2 công trình cầu Cửa Đại và Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trong năm 2015 hứa hẹn mang đến những triển vọng mới cho du lịch Quảng Nam, nhằm không chỉ đưa không gian du lịch tỉnh dịch xa 2 di sản văn hóa thế giới, tạo sự đa dạng điểm đến mà còn giúp đánh thức những lợi thế tiềm năng du lịch vùng đông nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thay đổi sinh kế, cuộc sống người dân.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC